Các nhà thiên văn học đã đẩy khả năng hoạt động của kính viễn vọng không gian Hubble đến cực hạn khi quan sát thành công một thiên hà nằm cách Trái đất 13,4 tỉ năm ánh sáng.
Vị trí của thiên hà GN-z11 - Ảnh chụp màn hình Mirror |
Đây là thiên hà xa nhất, cổ xưa nhất mà loài người từng biết đến. Hubble cũng phá vỡ mọi kỷ lục về khoảng cách không gian mà con người từng quan sát, theo Mirror.
Thiên hà cách Trái đất 13,4 tỉ năm ánh sáng, tức ánh sáng cũng mất từng ấy thời gian để băng xuyên vũ trụ đến Trái đất. Những gì chúng ta thấy về thiên hà là hình ảnh quá khứ cách đây 13,4 tỉ năm, thời điểm chỉ sau vụ bổ Big Bang 400 triệu năm.
Thiên hà được đặt tên là GN-Z11. Loài người đã có thể nhìn sâu trở về quá khứ nhờ Hubble, đó chính là những gì mà giới khoa học mong đợi ở kính thiên văn, Mirror dẫn lời tiến sĩ Pascal Oesch tại Đại học Yale (Mỹ), một thành viên của nhóm nghiên cứu.
Các nhà khoa học cho rằng vũ trụ khai sinh sau vụ nổ Big Bang cách đây 13,8 tỉ năm. GN-Z11 được cho là nhỏ hơn Milky Way, thiên hà chứa hệ mặt trời, khoảng 25 lần. Tuy nhiên, GN-Z11 lại thay đổi nhanh hơn và tạo ra nhiều ngôi sao hơn Milky Way 20 lần.
“Việc phát hiện ra GN-Z11 cho thấy kiến thức của chúng ta về vũ trụ sơ khai còn rất ít”, đồng tác giả nghiên cứu tiến sĩ Ivo Labbe, thuộc Đại học Leiden (Hà Lan), cho biết.
Hiện vẫn còn một vài bí ẩn về nguồn gốc hình thành GN-z11. “Khi nhìn vào thiên hà cổ xưa này, có thể chúng ta đang quan sát những ngôi sao thuộc thế hệ đầu tiên đang trong quá trính hình thành quanh hố đen”, ông nói thêm.
Các nhà khoa học đã rất ngạc nhiên vì sao một thiên hà lớn như vậy, gấp 1 tỉ lần mặt trời, lại có thể được tạo ra chỉ 200 đến 300 triệu năm sau khi những ngôi sao đầu tiên trong vũ trụ xuất hiện.
Bình luận (0)