Rau trái trong vườn nhà, nơi bờ bãi hay mọc hoang vẫn thường hiện diện trong bữa cơm của người dân quê. Trong số các loại rau cỏ hoang dại, khó bỏ qua lưỡi long vốn chỉ ưa đất bạc màu, nhất là vùng cát trắng ven biển. Nắng càng oi nồng thì rau càng xanh tốt, da xanh bóng láng trông rất mướt mắt. Nhánh lưỡi long thân mỏng, lớn chừng bàn tay. Những nốt u quanh thân có những chiếc gai tí xíu. Khi bẻ lưỡi long phải nhẹ nhàng, khéo léo, kẻo bị gai đâm vào tay.
Người dân phía nam Quảng Ngãi quê tôi dùng lưỡi long chế biến các món ăn: xào, kho, nấu canh... và cả làm món mứt đậm đà. Dân dã nhưng khó quên thì phải kể đến món canh lưỡi long nấu với cá cơm mồm.
Cá nhỏ hơn đầu đũa ăn cơm, thân màu trắng, là một trong những loại hải sản được nhiều người ưa chuộng. Loại cá này có thể nấu cháo hay phơi khô dành để ăn dần với hương thơm dịu nhẹ, vị ngọt lành. Khi cá kết hợp cùng lưỡi long tạo nên món canh với hương vị gây thương gây nhớ.
Lưỡi long sau khi hái cho vào rổ đảo sơ cho rụng gai. Sau đó, dùng dao gọt bỏ những nốt u quanh thân rồi rửa sạch, xắt sợi dày chừng chiếc đũa ăn cơm là vừa. Cá cơm mồm mua ở chợ mang về rửa sạch rồi vớt ra rổ cho ráo nước. Đun sôi nước trên chảo cùng ít muối rồi cho lưỡi long vào nồi. Khi rau vừa chín thì cho cá vào cùng vài lát ớt và hành tím xắt mỏng, nêm gia vị vừa ăn, thêm rau thơm xắt nhỏ rồi nhấc khỏi bếp. Rắc ít tiêu xay nhuyễn là đã có món canh đậm đà hương vị.
Lưỡi long giòn, nhơn nhớt vân vê quanh răng. Vị chua dịu từ lưỡi long quyện với vị ngọt của cá hòa cùng hương vị của gia vị và rau thơm tạo nên cảm giác thích thú. Món canh dân dã phảng phất vị biển cả hòa cùng cái hanh hao của nắng gió miền cát trắng. Bữa cơm quê đơn sơ mà ngọt ngào chan chứa yêu thương.
Bình luận (0)