Khó như... dạy con

Nguyễn Thế Thịnh
Nguyễn Thế Thịnh
17/03/2018 21:09 GMT+7

Trong cuộc đời, có lẽ không có việc gì khiến ba mẹ quan tâm hơn việc dạy con, và có lẽ, cũng không có việc gì khó bằng dạy con.

Trong những ngày gần đây, công luận và dư luận nóng việc cô giáo ở Long An dùng hình phạt bắt học sinh (hư) quỳ gối, sau đó phụ huynh bắt cô giáo phải quỳ gối trước mặt mình.
Đã có rất nhiều ý kiến bình luận về sự việc trên, tôi xin không nhắc lại, chỉ nghĩ đến một khía cạnh khác: dạy con.
Tôi ở xa, không gặp được phụ huynh tên Thuận để hỏi cho rõ ngọn ngành, vì thế, đặt ra nhiều giả thuyết, trong đó, cố hình dung mãi xem con anh đã nói với anh những gì, anh nói với con ra sao; sau khi bắt cô giáo quỳ xong, anh về nói với con thế nào?
Đã hình dung, suy diễn chủ quan khi chưa gặp người khác thì không thể nào chính xác nhưng cứ nghĩ cảnh anh Thuận bắt cô giáo quỳ xong rồi về nói với con: “Con yên tâm, ba đã trả thù cho con rồi”, thấy nó hãi hùng quá!
Hy vọng anh Thuận không nói thế.
Vậy thì anh ta nói thế nào?
Không biết con anh Thuận (và các phụ huynh có con bị phạt quỳ) đã mách với ba mẹ thế nào. Ba mẹ các em có hỏi kỹ câu chuyện xảy ra hay không... Vì điều này rất quan trọng, nó dẫn đến cách hành xử như đã xảy ra.
Thế hệ sau này, mỗi gia đình chỉ có hai đứa con thôi nhưng hai đứa là hai cá tính với vô số cung bậc cảm xúc và phản ứng không lần nào giống lần nào của lứa tuổi hiếu động, chưa thể định hình về nhân cách đã khiến chúng ta đau đầu. Thầy (cô) giáo tiểu học quản một lớp dăm ba chục em thật không dễ dàng gì. Áp lực lắm. Hiểu thế để cùng chia sẻ.
Chị Quyên ở Đà Nẵng, làm nghề kính doanh, kể chị có 4 đứa con, mỗi đứa mỗi tính. Nhiều lúc chỉ nhắc nhở hoặc nói nặng đứa nào một câu, chúng nó bỏ vào phòng chốt cửa lại. Chị đứng ngoài cửa độc thoại còn chúng mở điều hòa, chơi game… Vì thế, thỉnh thoảng chị cũng phải dùng biện pháp “rắn” để xử lý ngay và luôn.
Chị có 4 đứa, còn cô Nhung ở Long An có số con (học sinh) gấp 10 lần chị.
Như trên đã nói, không có gì khó bằng dạy con mình, nên nhiều phụ huynh đôi khi phải nhờ cậy hoặc phó thác cho cô (thầy).
Anh Trần Đăng Tuấn “cơm có thịt” kể, anh từng chứng kiến ở phòng giáo viên có nguời mặt mũi rất hung tợn. Có phụ huynh rỉ tai anh rằng anh này từng đánh lộn, vào tù mấy lần, nhưng khi nghe giáo viên nói về lỗi của con, anh ta ngồi lúng túng, từ đầu đến cuối cứ lắp bắp mỗi câu: “Trăm sự nhờ cô dạy bảo”. Thế đấy!
Nhưng cô cũng là con người, cũng làm mẹ hoặc sẽ làm mẹ, không phải là siêu nhân.
Con người thì giống nhau, cũng bị áp lực cuộc sống, công việc, cũng có những biến đổi tâm lý chứ không thể lúc nào cũng tỉnh táo và thánh thiện, nên sẽ có, có thể có những hành xử chưa chuẩn mực. Phần khác, cứ có cảm giác mình là ba, là mẹ cháu bé nên cũng sinh ra chủ quan. Phụ huynh cũng nên thấu hiểu để chia sẻ. Cái gì cũng có nguyên nhân mới dẫn đến hành động. Nếu hành động đó nhằm giúp con cái mình tôi cho là tốt, chỉ tuyệt đối không đồng tình khi dùng các hình phạt nhằm mục đích cá nhân, hạ nhục hay bạo hành học sinh.
Nhà giáo dục nổi tiếng Makarenko từng viết: “Chủ nghĩa nhân đạo trong giáo dục còn là tính nghiêm khắc, sự không khoan nhượng với khuyết điểm, lỗi lầm và những hành vi sai trái, tính nghiêm khắc là tính nhân đạo lớn nhất mà ta có thể đưa ra đối với con người”. Ông khuyên các bậc cha mẹ và các nhà sư phạm “phải biết “nhẫn tâm” (nhẫn tâm ở đây hiểu theo nghĩa rất nghiêm khắc). Biểu hiện logic sư phạm giữa lòng thương yêu, tôn trọng, tin tưởng, yêu cầu… nghiêm khắc giữa hoạt động cá nhân và tập thể là cần thiết cho giáo dục”.
Người viết bài này thuộc thế hệ ông của các cháu tiểu học bây giờ, từng đuợc học tập dưới mái trường xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc (khi đất nước chưa thống nhất), cùng thế hệ này (và sau đó một thời gian) chắc không có ai không nhớ đến những hình phạt của giáo viên thời đó. Không chỉ quỳ mà còn quỳ trên gai vỏ trái mít khi không thuộc bài, bị bắt đặt tay lên bàn, dùng thước gỗ khẻ sưng tay khi viết chữ xấu hoặc tay bẩn, bị ném viên phấn vào nguời khi nói chuyện riêng trong lớp… Nhưng chẳng ai về nhà mách ba mẹ, đôi khi ba mẹ thấy đầu gối đỏ, tay sưng hỏi cũng không dám nói, vì nói thì lộ ra lỗi của mình.
Những người thế hệ đó trưởng thành, sau này kể chuyện với nhau, với con như là những kỷ niệm, không ai bị tổn thương về điều đó.
Kể chuyện này không phải là để cổ súy cho phương pháp giáo dục trừng phạt mà muốn nói rằng, thời đó, phương pháp giáo dục chưa hoàn thiện, trình độ giáo viên chưa cao, chưa có mạng để đọc mà học hỏi… thì quan niệm về những hình phạt đó của giáo viên là biểu hiện của tính nghiêm khắc. Nghiêm khắc, cho dù hơi quá, nhưng xuất phát từ động cơ trong sáng: Dạy con mình!
Còn nhớ, hồi con tôi còn nhỏ, mỗi lần bị ngã, mẹ thương nên vừa đỡ vừa xuýt xoa, càng xuýt xoa nó càng khóc. Tôi thì ngược lại, không đỡ, còn (giả) quát, con xem, con ngã làm vỡ gạch hoa lát nhà rồi, đứng dậy để ba đi mua gạch thay lại. Thế là nó im re, nhìn vào viên gạch cãi lại, chưa vỡ. Tôi bảo, thế thì may quá, chưa vỡ, ba khỏi thay nhưng con lấy khăn lau lại cho đẹp đi.
Không phải kể để “dạy dỗ” ai, nhưng đó là một kinh nghiệm. Nếu phụ huynh của những cháu bé bị phạt quỳ, cho dù sự việc thế nào, cứ nói với con, lỗi đó thì gặp ba, ba bắt quỳ đến giờ chưa về được đâu hoặc giả, ba còn bắt lên phòng thầy hiệu trưởng mà quỳ (nói thế chứ ba không làm)… Sau đó, tùy theo mức độ mà góp ý với cô thì sự việc sẽ không trầm trọng như thế.
Trở lại câu chuyện bắt cô giáo quỳ trước mặt phụ huynh, tôi thấy cách xử lý tình huống của thầy hiệu trưởng chưa tốt. Khi có chuyện ì xèo trong trường, tốt nhất thầy nên khuyên phụ khuynh về nhà viết bản kiến nghị gửi cho trường và mời cô giáo lên phòng hiệu trưởng viết tuờng trình thì sự việc sẽ khác.
Dạy con, hay nói một cách học thuật là giáo dục con, chúng ta thường nghe câu: gia đình - nhà trường và xã hội. Trước hết là phải từ gia đình, gia đình là mình chứ không ai khác.
Ai cũng thương con, ai cũng “bênh con” nhưng nếu thái quá sẽ phản tác dụng. Con sẽ cậy cha, cậy là phụ thuộc, núp bóng, không nên.
Để nhà trường giáo dục con cho tốt thì phải có lòng tin. Lòng tin đó được xây dựng từ sự sẻ chia trách nhiệm và tình thương chứ không phải từ sự ích kỷ cá nhân. Cô hưởng lương nhà nước thì phải dạy con tôi, tôi đóng góp các khoản là để thuê cô dạy…
Phải nói thật, thời tôi đi học, được thầy cô nào thương hoặc cảm mến thầy cô nào thì học môn đó rất hứng khởi, còn thì ngược lại.
Tôi có hai đứa cháu theo ba mẹ ra công tác nước ngoài từ nhỏ, khi về nước mới học cấp hai, đi học về tôi hỏi sao con, nó bảo con sợ học môn hóa. Hỏi sao sợ? Nó bảo con không sợ hóa mà con sợ cô dạy hóa.
Vậy đó!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.