Mệt mỏi đòi lại đất
Trong đơn gửi Báo Thanh Niên, bà Trần Thị Ngọc Nga cho biết vào năm 1984, UBND P.Tân Vạn (TP.Biên Hòa) có thỏa thuận với gia đình bà mượn khu đất rộng 1.207 m2 để làm chợ tạm phục vụ người dân trên địa bàn. “Đến giữa năm 2004, gia đình tôi có nhu cầu sử dụng khu đất nên đã liên hệ với chính quyền địa phương để đòi lại. Thời điểm này, UBND P.Tân Vạn tiếp tục xin gia hạn để làm chợ tạm vì chưa tìm được vị trí xây chợ mới và làm hợp đồng cam kết đến ngày 30.3.2007 trả lại mặt bằng cho gia đình tôi. Thế nhưng, từ khi hết hạn hợp đồng đến nay đã gần 13 năm trôi qua, phường không trả lại khu đất mà cứ hứa hẹn hoài, hết năm này qua năm nọ vẫn không thực hiện”, bà Nga bức xúc.
Cũng theo bà Nga, trong quá trình cho UBND P.Tân Vạn mượn đất, gia đình bà không lấy tiền thuê đất nhưng khi đi đòi lại để sử dụng thì chính quyền địa phương làm ngơ. “Hơn 10 năm qua, mặc dù tôi có gửi đơn lên lãnh đạo các cấp chính quyền rồi cả Ban Nội chính Tỉnh ủy Đồng Nai nhưng đến nay vẫn không có câu trả lời thích đáng”, bà Nga nói.
|
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Phạm Giang Sơn, quyền Chủ tịch UBND P.Tân Vạn, thừa nhận việc phản ánh của bà Nga hoàn toàn đúng. “Chủ trương của phường là sẽ hoàn trả toàn bộ khu đất này cho bà Nga nhưng kẹt ở chỗ chưa bố trí được khu đất khác để làm chợ cho hơn 17.000 người dân đang sinh sống tại phường. Do vậy, UBND phường chưa thể trả cho gia đình bà Nga vào thời điểm này”, ông Sơn nói.
Cũng theo ông Sơn, hiện nay UBND phường đã giới thiệu và đề xuất địa điểm để làm chợ mới lên UBND TP.Biên Hòa. Khu chợ mới rộng hơn 5.000 m2 và UBND thành phố đã chấp thuận chủ trương, nhưng khu vực này đang là đất quy hoạch công cộng, không phù hợp để xây chợ. Chính vì thế, UBND TP.Biên Hòa xin ý kiến UBND tỉnh Đồng Nai đổi quy hoạch khu vực này để xây dựng chợ cho người dân buôn bán, và đã được UBND tỉnh Đồng Nai đồng ý. Hiện tại khu chợ mới đang được triển khai. “Theo dự kiến, cuối năm 2020 sẽ hoàn tất việc xây dựng cũng như di dời từ chợ tạm Tân Vạn sang chợ mới. Khi đó, UBND phường sẽ trả lại khu đất này cho bà Nga”, ông Sơn cam kết.
Nhếch nhác khu chợ tạm
Tìm hiểu thực tế, PV Thanh Niên nhận thấy khu chợ tạm ở P.Tân Vạn nằm trên đường Bùi Hữu Nghĩa, hiện có gần 60 sạp buôn bán và hơn 100 tiểu thương kinh doanh xung quanh. Do chợ chật hẹp nên thường xuyên xảy ra tình trạng lấn chiếm vỉa hè và lòng lề đường. Hầu hết các sạp dựng bằng khung sắt hoặc cây gỗ, mái thì dùng tôn, lá và bạt để che. Do chợ tạm không có hệ thống thoát nước nên khu vực mua bán thủy hải sản (khoảng 10 sạp nhỏ) cứ thoải mái đổ nước thải ra ngoài, bốc mùi hôi thối nồng nặc.
Các tiểu thương cho biết, họ phải đóng tiền cho ban quản lý chợ 7.000 đồng/sạp/ngày. Một tiểu thương buôn bán ở đây cho biết: “Tôi buôn bán ở chợ tạm này hơn 10 năm. Toàn bộ các sạp đều do các tiểu thương dựng lên, mua đất đá, xi măng tự láng nền mới có chỗ ngồi để buôn bán. Tổ quản lý chợ ngày nào cũng thu tiền, nhưng chẳng biết họ làm gì, không hề quan tâm đến tiểu thương trong khu chợ này. Rác, nước thải thì mạnh ai nấy đổ bừa bãi ra nền đất ngày này qua tháng nọ, lưu cữu như thế nên rất hôi thối”.
Tìm hiểu thêm, PV được biết ở khu chợ này có khi 4, 5 ngày rác thải không được thu gom, chất thành đống lấn chiếm hết cả lối đi của các sạp bán hàng, gây ô nhiễm nghiêm trọng, có cả giòi bọ. “Nhiều lần chúng tôi phản ánh lên phường nhờ can thiệp và đề nghị đổi ban quản lý khác nhưng rồi vẫn y như cũ. Chúng tôi vì cuộc sống mưu sinh, vì miếng cơm manh áo đành cố bám trụ qua ngày thôi”, một tiểu thương than thở.
Bình luận (0)