Lạ lùng đội xe '7 bánh' chuyên giúp F1, F0 khốn khó trong mùa dịch Covid-19

01/09/2021 11:17 GMT+7

Ở Sa Huỳnh (TX.Đức Phổ, Quảng Ngãi), chính quyền và người dân hay nhắc anh Củ và anh Thọ với lòng cảm mến. Bất kể ngày đêm, mưa nắng, đội xe '7 bánh' của hai anh miệt mài giúp F1, F0 trong cơn khốn khó vì dịch Covid-19.

Tiếng người gọi nhau trong hoạn nạn

Anh Củ 39 tuổi, tên thật Nguyễn Ngọc Trai. Vợ anh, chị Ngô Thị Ái Thảo (40 tuổi) là chủ quán cà phê Quê. Tiếp tôi, anh Củ sởi lởi đùa, nói nhà nào chồng bảo vợ nghe em hổng biết chứ ở đây thì “chồng nghe vợ bảo” vì em... nhỏ tuổi hơn vợ. Anh đặt mua chiếc xe ba gác hết 150 triệu đồng. Cúng xe xong, chưa kịp lăn bánh kiếm đồng nào thì dịch Covid-19 ập tới, xe trùm mền.
P.Phổ Thạnh và xã Phổ Châu kề bên được xác định là “vùng đỏ” (vùng có nguy cơ rất cao về dịch Covid-19). Tại đây, không ai được ra đường nếu không có lý do chính đáng. Chị Thảo thu dọn quầy cà phê. Anh Củ xếp ghế dựng dọc tường. Vốn ham hoạt động, giờ bó gối ngồi nhà, anh Củ thấy người muốn bã ra. Xóm làng, đường sá lặng phắc. Nhưng qua loa đài địa phương và mạng xã hội, anh nghe bên ngoài “sôi động” lắm. Ấy là tiếng người gọi nhau, giúp nhau trong hoạn nạn giữa mùa Covid-19. 

Xe anh Thọ chuyển hành lý cho bà con đi cách ly phòng dịch Covid-19

TRẦN CAO DUYÊN

Việc đưa những ca F0 đi nhập viện, những ca F1 đi cách ly tập trung thì đã có xe cấp cứu của trạm y tế. Hành lý, vật dụng của họ dùng trong thời gian cách ly, điều trị tương đối dài thì phải vận chuyển theo bằng xe riêng. Vấn đề là xe đâu? Rồi sau 3 tuần hoặc lâu hơn nữa, họ về lại thì phải làm sao? Đây là bài toán đau đầu cho lãnh đạo phường và ngành y tế thị xã.
Trong tình cảnh đó, Chủ tịch UBND phường Nguyễn Văn Lượng, Bí thư Đoàn phường Đỗ Quang Nghị vận động anh Củ “dỡ mền” đưa xe ra tham gia chống Covid-19. Anh chưa kịp gật đầu thì chị Thảo và hai con đã nhìn anh... khuyến khích. Chị Thảo mau mắn: “Đi đi anh! Chắc chở hành lý cho bà con được nhiều lắm đó. Kệ, mình làm ơn làm phước đi anh". Anh Củ cười toe toét, đời anh bốc phét thì ghét chớ bốc xếp thì thương lắm.

Anh Củ chuẩn bị đưa cơm vào khu cách ly

TRẦN CAO DUYÊN

Rồi anh Củ xầm xì gì đó với anh Nghị, Bí thư Đoàn phường. Chỉ nghe loáng thoáng “xe bán tải... thằng đó tội... mình với nó thân lắm...”. Anh Nghị đi một chặp thì anh Củ có cuộc gọi: “Khi nào lăn bánh nói em một tiếng. Ai lại để xe đắp chiếu khi bà con cần”.
Rồi anh Củ khoe với vợ: “Anh đã có bạn đồng hành. Thằng Thọ “bán tải” đã OK gia nhập “đội xe 7 bánh” đi trong mùa dịch rồi”. Chị Thảo thắc mắc sao gọi là “đội xe 7 bánh”. Anh Củ giải thích, thì xe mình 3 bánh, xe anh Thọ 4 bánh, cộng lại là 7 bánh.
Anh Thọ, tên đầy đủ là Phùng Đình Thọ, 35 tuổi. Anh mua xe bán tải trên 300 triệu đồng để phục vụ cho cơ sở nhôm kính của mình. Anh nói thời buổi dịch Covid-19, cứ giúp dân, được chừng nào hay chừng đó. Vợ anh Thọ, chị Nguyễn Thị Kim Yến, nói: “Hai anh cứ đi lo cho bà con. Nhà cửa con cái có tụi em lo. Sống có đức mặc sức mà ăn”.

Kỷ niệm của đội xe 7 bánh

Đã hơn hai tháng kể từ đầu đợt dịch Covid-19, điện thoại hai anh bao giờ cũng luôn trong chế độ chờ. Ủy ban phường gọi, đoàn phường gọi, trạm y tế gọi là các anh nhảy lên xe đi ngay, như những người lính tác chiến. Các anh không chọn địa điểm, giờ giấc. Hễ nhận “lệnh” là khẩn trương lên đường bất kể nắng mưa, sớm tối.

Xe anh Thọ chở hành lý cho bà con đi về sau khi hoàn thành cách ly

TRẦN CAO DUYÊN

Nhiều lần đang bưng chén cơm, điện thoại réo là các anh vơ vội mấy gói mì, đi ngay lập tức. Khổ nhất là lúc 1, 2 giờ sáng, đang ngủ ngon thì phường gọi, lại phải dậy, mắt nhắm mắt mở rửa mặt rồi lên xe. “Vợ dúi chai dầu gió, viên ngậm ho, bộ đồ mưa, nhắc mang tấm ni lông che hành lý cho bà con sau thùng xe. Vậy nhưng chỉ luôn quơ tấm ni lông. Còn mấy thứ linh tinh kia thì lúc nhớ lúc lúc quên. Có bữa trời mưa to, anh dầm mình che chắn hành lý của bà con. Do quên đồ mưa, anh đi xuyên mưa luôn. Xe ba gác thì trống trải trần trụi. Lạnh nhưng cứ bặm môi mà chạy trong ý nghĩ: Người ướt không quan trọng. Hành lý ướt mới gay”, anh Củ bộc bạch.
Xe cấp cứu của trạm chở F0, F1 đi trước, xe hai anh chở hành lý và đồ dùng thiết yếu đi sau. Bệnh viện điều trị Covid-19 và khu cách ly tập trung đều nằm trong địa giới của tỉnh nhưng có nơi xa đến 128 km. Anh Thọ kể: “Đi Sơn Hà (huyện miền tây Quảng Ngãi) giữa đường khuya gặp mưa rừng là chuyện thường. Khi đó, xe phải dừng lại, cùng anh em tình nguyện viên kiểm tra, chằng buộc lại tấm bạt che thùng xe cho chắc chắn rồi mới chạy tiếp”.

Anh Củ và vợ đang chuyển hàng lên xe tới khu phong tỏa

TRẦN CAO DUYÊN

Anh Thọ nói, xe mình có ca bin, có người ngồi cùng, nói chuyện quên buồn ngủ. Chỉ tội cho anh Củ, nắng mưa gì cũng “lùi” như củ lang.
Đến nay, hai chàng trai Củ - Thọ đã có hàng trăm chuyến xe, vượt hàng nghìn cây số để chở hành lý cho bà con không may dính “F”. Hai xe song hành kẻ trước người sau. Lỡ xe hỏng hóc dọc đường thì cùng nhau xử lý.   
Không phải chở hành lý đi - về cho người cách ly phòng dịch Covid-19 là thôi đâu. Nhiều khi xe về tới Sa Huỳnh chưa kịp nguội máy thì có “lệnh” chở hàng thiết yếu, hàng cứu trợ từ các nơi gởi về cho bà con trong khu cách ly, phong tỏa.
Hỏi “đội xe 7 bánh” có kỷ niệm nào đáng nhớ về những chuyến đi xuyên dịch Covid-19 này. Anh Củ kể cứ như không: "Có chớ! Thằng Thọ về khuya bị vợ xịt mịt mù ngay từ cửa. Thuốc sát khuẩn đó. Chẳng thơm tho gì. Vợ nấu nước lá sả tắm cho. Ép ăn cơm nóng, canh nóng lá quế. Lại bị xịt trước khi lên giường. Còn em hả? Thương vợ lắm. Mình đi miết. Vợ lo, bị sụt ký thấy rõ. Em không bị xịt như thằng Thọ. Nhưng em “bị” vợ trùm mền xông nước lá khế pha dầu gió rất lâu. Tới nỗi sáng sớm em đi chở hàng chuyến đầu tiên, cán bộ phường ai cũng khen “thơm lắm”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.