Theo khảo sát ban đầu của UBND xã Nghi Đồng toàn địa phương này có khoảng 41 trẻ em từ 15 tuổi trở xuống không có cha và nhiều gia đình lâm vào cảnh khốn cùng…
Bà Đậu Thị Loan, Chủ tịch xã Nghi Đồng chia sẻ: xã có hơn 5.400 dân, lại là vùng đất chiêm trũng chỉ phù hợp với cây lúa nên cuộc sống của người dân quanh năm khốn khó. Cũng bởi vì lý do đó mà phần đông thanh niên ở địa phương sớm phải tha hương để kiếm kế sinh nhai. Nhờ việc đó mà kinh tế của nhiều hộ gia đình trong địa phương cũng được cải thiện đáng kể, nhưng cũng từ đó mà nhiều phụ nữ đi làm ăn trở về với những đứa trẻ không có cha.
Chúng tôi ghé thăm vùng quê này và chứng kiến những hoàn cảnh ái ngại. Có những gia đình có tới 3 đứa con cùng mẹ không cha, như gia đình chị G. ở xóm 7 (xã Nghi Đồng). Kể lại câu chuyện buồn này, bà lão hơn 70 tuổi, được đám trẻ gọi là bà ngoại nhưng phải kiêm luôn trách nhiệm của cha và mẹ ngậm ngùi: những năm đầu 2000 mẹ các em là chị Nguyễn Thị G. (năm nay 40 tuổi) theo nhiều thanh niên tại địa phương vào các tỉnh Tây Nguyên hái cà phê thuê. Ở đây G. quen với một người đàn ông người địa phương rồi nảy sinh tình cảm, đến năm 2002, sinh ra cháu Mai Văn Thanh. Đến năm 2004, khi Thanh còn chập chững những bước đi đầu tiên, thì chị mang bầu thêm đứa con thứ hai là cháu Mai Văn Tú. Nhưng khi đứa con thứ hai chưa ra đời người đàn ông kia bỏ đi biệt tích, mặc chị trở về quê sinh con.
Sau khi Thanh và Tú lớn lên chị lại gửi con cho bà ngoại vào Nam đi làm thuê vừa kiếm tiền nuôi con vừa tìm bố của 2 đứa trẻ. Nhưng sau đó chị lại nảy sinh tình cảm với một người đàn ông khác và mang bầu đứa con thứ 3 là cháu Mai Nguyễn Bảo Trâm. Tưởng các cháu bé đã có cha, nhưng câu chuyện cũng lặp lại giống lần trước. Khi bé Bảo Trâm chuẩn bị cất tiếng khóc chào đời cũng là lúc người đàn ông kia bỏ đi. Sau hai lần nước mắt vơi cạn, chị để lại 3 đứa nhỏ ngây thơ cho bà ngoại đã hơn 70 tuổi chăm sóc tiếp tục cuộc mưu sinh nơi xứ lạ.
Hoàn cảnh chị Trần Thị Kh. (33 tuổi), trú tại xóm 7, xã Nghi Đồng, cũng không khác với chị G. là mấy, từng hai lần vào miền Nam làm công nhân là cả hai lần trở về với hai đứa trẻ không cha Trần Thị Nga (14 tuổi) và Nguyễn Hiền Yến Thu (8 tuổi). Giờ 2 cháu cũng sống nhờ vào sự cưu mang của bà ngoại… Ở xã, còn có những cô gái sau 1 lần lầm lỡ gửi con về cho gia đình nuôi, đã bỏ đi biết tích như chị Đặng Thị T., trú tại xóm 3, mẹ bé Đặng Thị Huyền (8 tuổi).
Tự ti và thất học
Khi trò chuyện cùng những đứa trẻ không có cha nơi đây, điều mà chúng tôi thấy là một cuộc sống thiếu thốn, khiến các em luôn cảm thấy cô đơn và tự ti. Đặc biệt là hoàn cảnh éo le đã khiến các em thất học. Bé Mai Văn Tú đã bỏ học ở lớp 7, và bé Mai Văn Thanh cũng có ý định chỉ học xong lớp 9 sẽ vào miền Nam đi làm thuê kiếm tiền, chăm lo cho bà ngoại già yếu.
Tâm sự về điều mong muốn nhất của mình, bé Đặng Thị Huyền chỉ ao ước được gặp cha. “Những lần đến trường, con thấy các bạn được bố mẹ đưa đón, mua quà mà cảm tự ti. Con chỉ ước rằng một lần được như vậy, nhưng càng ước càng thấy buồn vì từ lâu nay, người gần gũi con nhất là vẫn chỉ là ông ngoại...”, Huyền rơi nước mắt.
Bi đát hơn là gia đình cháu Cao Văn Tuân 14 tuổi. Mẹ Tuân hiện đã qua đời vì bị đột qụy. Tuân ở với bà ngoại già yếu và cậu ruột nhưng cậu Tuân lại bị thiểu năng trí tuệ từ nhỏ. Hoàn cảnh khá khó khăn nên năm vừa rồi Tuân xin bỏ học để đi kiếm tiền nuôi bà…
tin liên quan
Chung cư không chồngChung cư mới xây khang trang ấy là nơi cư ngụ của 144 hộ gia đình, 144 người mẹ đơn thân. Ở đó, các chị hiếm khi đón Tết, mà chỉ vui trong những ngày cận Tết khi tự tay làm mâm cơm tất niên hay dè sẻn từng đồng để sắm cho con bộ quần áo mới.
Chủ tịch Hội phụ nữ xã Nghi Đồng, bà Đặng Thị Liên phân trần: “Khi có tình trạng trên, qua các cuộc họp cấp xã cũng như cấp thôn, Hội phụ nữ cũng đã có các hình thức tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các chị em. “Chúng tôi rất mong muốn các cấp chính quyền có thể cùng phối hợp, để có biện pháp rõ ràng và quyết liệt hơn, sớm chấm dứt tình trạng này”.
(Tên nhân vật đã được thay đổi)
Bình luận (0)