Lập kế hoạch cho voi nhà 'vượt cạn'

28/08/2017 09:04 GMT+7

Những tháng qua, người nuôi voi bên vùng hồ Lắk không ngớt bàn tán về chuyện voi cái tên Ban Nang (38 tuổi) của nhà ông Y Mứ Bkrông mang thai.

Ở buôn M’liêng, TT.Liên Sơn, H.Lắk (Đắk Lắk), Y Mứ Bkrông là người nuôi voi lâu năm nhưng đây là lần đầu tiên voi nhà ông chuẩn bị sinh con. “Lần đầu tiên thấy voi có chửa thế này mình lo lắng lắm. Nhiều năm nay, trong vùng không có voi đẻ nên người nuôi voi cũng không có nhiều kinh nghiệm trong việc này để bày vẽ cho mình”, Y Mứ thành thực nói.
Tuy nhiên, theo ông Y Mứ, điều thuận lợi là ngay khi nghe thông tin voi Ban Nang có dấu hiệu mang thai, Trung tâm bảo tồn voi Đắk Lắk đã cử người về tìm hiểu, hỗ trợ ông chăm sóc voi.

tin liên quan

Voi rừng xuất hiện, mừng lo lẫn lộn
Gần đây, đàn voi rừng 7 con liên tục xuất hiện sát bìa rừng ở Quảng Nam kiếm ăn đã phá nát nhiều ống dẫn nước, một số cây keo, cây cao su... tại H.Nông Sơn (Quảng Nam) khiến nhiều người lo lắng.
Thời gian mang thai của voi thường gần 2 năm. Hơn một năm qua, voi Ban Nang được cho dừng công việc chở khách du lịch, thả vào rừng vừa kiếm ăn, vừa nghỉ ngơi, dưỡng thai. Gia đình ông Y Mứ còn bồi dưỡng thêm cho voi chuối cây, mía, bắp…
Theo ông Y Mứ, việc voi nghỉ làm du lịch khiến gia đình ông giảm thu nhập nhưng bù lại, sắp tới sẽ được nhà nước hỗ trợ một khoản theo chính sách bảo tồn voi của tỉnh, lên tới vài trăm triệu đồng.
Ông Huỳnh Trung Luân, Giám đốc Trung tâm bảo tồn voi Đắk Lắk, chia sẻ: “Voi Ban Nang có chửa đem lại niềm vui lớn cho người làm công tác bảo tồn voi; nhưng chúng tôi cũng khá lo do chưa có kinh nghiệm cho voi đẻ”. Theo ông Luân, trung tâm bảo tồn voi đã cùng một số chuyên gia trong và ngoài nước lập kế hoạch đỡ đẻ cho voi. Một khu rừng vắng, xa khu dân cư trên cù lao nhỏ giữa hồ Lắk đã được chọn để voi Ban Nang “lót ổ”.
Trung tâm tìm được một “bà mụ” có thể hỗ trợ voi Ban Nang lúc lâm bồn là voi H’Băn (55 tuổi) cùng trên địa bàn. Qua tìm hiểu, voi Ban Nang từng được voi cái H’Băn chăm sóc từ nhỏ nên chúng thân thiết nhau. Hai con voi này hiện được đưa đến ở khu rừng tự nhiên giữa hồ Lắk, tỏ ra thoải mái đợi đến ngày voi Ban Nang “vượt cạn” dự kiến trong tháng 9.
Hiện trên địa bàn Đắk Lắk chỉ còn 44 voi nhà (25 voi cái, 19 voi đực); voi cái còn trong độ tuổi sinh sản là 16 con.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.