Lênh đênh vớt rác ở Sài Gòn

18/12/2017 09:05 GMT+7

Phơi mình với nắng mưa, ngụp lặn dưới dòng kênh hôi thối, trực thâu đêm, thậm chí ngủ nghỉ dưới gầm cầu...; đó là những công nhân vớt rác trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, TP.HCM.

Trưa nắng gắt, chiếc ghe vớt rác nổ máy ì ạch xuất phát từ gầm cầu số 6 (nối đường Hoàng Sa với Trường Sa). Anh Ngô Tiến Dũng (30 tuổi) cầm lái, tài phụ kiêm người trực tiếp vớt rác là anh Nguyễn Hữu Phước (24 tuổi, cùng ngụ Q.12). Anh Dũng “đe”: “Đi tới chiều mới về đó nghen. Đừng nghĩ làm dưới nước là mát mẻ, chút nữa mới thấy cảnh nắng rọi bỏng rát hết người, không quen là xây xẩm liền đó!”.
[VIDEO] Những công nhân vệ sinh lặng thầm giữa dòng kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè
Theo chân người vớt rác
Trên ghe, anh Phước cầm chiếc sào dài 5 m “tả xung hữu đột”. Rác từng đống trên bờ do người câu cá bỏ lại, dưới nước đầy túi ni lông, chai nhựa, thậm chí xác chuột, gà, mèo... nổi lềnh bềnh, hôi thối đều được anh vớt bỏ vào thùng.

Làm nghề này phải biết canh mưa gió, canh con nước lên xuống

Anh Trương Trung Tín

Đang đi anh Phước bỗng ngoắc tay, miệng la hốt hoảng: “Rẽ phải, rẽ phải!”. Hiểu ý, anh Dũng quay vô lăng theo hướng dẫn. “Phước vừa vớt rác vừa canh... dây câu cá của người dân để ra hiệu cho tui né. Nhiều lúc tụi tui mải mê làm việc nên ghe chạy quấn dây câu lôi đi làm người câu cá nổi máu giang hồ chạy theo ném đá, đòi đánh”, anh Dũng giải thích.
Về những lần “đụng độ” với dân câu cá, anh Trương Văn Hổ (tổ trưởng tổ vớt rác), kể nhiều lần ghe tàu chạy vướng vào dây câu mà không biết. Vậy là người câu cá lái xe máy chạy theo về tới bến tàu, chửi bới lớn tiếng và rất hung hăng. “Khi ấy, chúng tôi phải xoa dịu, cố nghe chửi bới, đe dọa để họ bỏ qua ”, anh Hổ cho hay.
Lênh đênh chừng 30 phút, tiếng máy ghe bỗng ì ục, chạy chậm hẳn. Chẳng nói chẳng rằng, anh Dũng cởi phăng chiếc áo rồi nhảy xuống dòng kênh mò mẫm, móc từng chùm ni lông quấn quanh chân vịt, lôi lên. Anh Dũng bảo, một ngày công nhân tắm kênh cỡ... chục lần. Nước bẩn nên da lở loét, ngứa ngáy rất khó chịu.
Lênh đênh vớt rác1
Cúi người khi qua các gầm cầu thấp
Lênh đênh vớt rác2
Công nhân vớt rác trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè Ảnh: Trác Rin

tin liên quan

Bảo vệ nguồn cá ở dòng kênh xanh mát giữa Sài Gòn
Suốt từ đầu mùa mưa 2017 đến nay, kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè qua địa bàn Q.Tân Bình, Q.Phú Nhuận, Q.Bình Thạnh, Q.3 và Q.1 (TP.HCM) không xảy ra tình trạng cá chết như đầu mỗi mùa mưa những năm trước đó.
Trời Sài Gòn hôm nắng rát, hôm mưa gió. Một ngày cuối tháng 11, tôi cùng tài trưởng vớt rác Trương Trung Tín (25 tuổi, quê Đồng Tháp) chạy hướng về cầu Thị Nghè, từng mớ rác từ từ được lùa hết vào 2 bên càng (tấm lưới bọc bên hông tàu để rác trôi vào - PV). Đang chạy thì mây đen kéo đến, anh Tín tăng tốc cho tàu chạy vào gầm cầu Bông núp mưa. “Trời mưa lớn nên rác từ miệng cống và đáy kênh nổi lên đầy mặt nước. Đợi tạnh mưa đi tiếp chứ giờ mình vớt cũng công dã tràng thôi”, anh Tín vừa đụt mưa vừa nói.
Cứu người rồi cho tiền đi xe ôm về
Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè dài khoảng 9 km (chảy qua các quận 1, 3, Phú Nhuận, Bình Thạnh, Tân Bình). Anh Lương Anh Tuấn (tổ phó tổ vớt rác) cho biết không chỉ vớt rác trên kênh, công nhân nhiều lần phải vớt... người. Nam nữ buồn chuyện tình yêu nhảy xuống kênh tự tử, sinh viên ngồi nhậu thách nhau xuống kênh bơi rồi chới với vì... không biết lên bằng cách nào. Ngáo đá (say ma túy đá) cũng nhảy luôn... “Tụi tui làm nghề này gặp và cứu hoài. Bữa đó có cô gái kia nhảy xuống kênh tự tử. Anh em vớt lên phải đưa luôn cái áo đồng phục để mặc cho đỡ lạnh, xong lật đật đi mua ổ bánh mì cho cô ấy ăn, sau đó lại cho tiền đi xe ôm về nhà luôn”, anh Tuấn kể.
Mấy phút sau, một chiếc ghe vớt rác khác cũng tiến về nơi chúng tôi đang trú. Nhìn đồng nghiệp ướt như chuột lột, anh Tín chậc lưỡi: “Mấy ổng chạy mưa không kịp đó. Làm nghề này phải biết canh mưa gió, canh con nước lên xuống. Lỡ nước dâng cao mà chưa chịu về là tàu mắc kẹt ở mấy cây cầu gầm thấp ngay, nước cạn mới về bến được”.
Chuyện hậu phương
Tôi ghé phòng trọ gần ngã tư An Sương (Q.12) của vợ chồng anh Tín. Phòng có diện tích khoảng 15 m2, được thuê với giá 1,3 triệu đồng/tháng. Chị Phương, vợ anh làm công nhân may gần nhà.
Hôm nay anh Tín trực đêm, 16 giờ bắt đầu ca trực. Liếc nhìn đồng hồ đã gần 15 giờ, chị Phương lọ mọ vào bếp chuẩn bị cơm nước cho chồng mang lên bến tàu. “Cơm vợ nấu, vừa ngon vừa rẻ. Bữa nay có thịt kho tiêu, canh mướp... ngon lắm. Lương tui một tháng 6 triệu hơn, hồi trước tui ở ghép với mấy người, tiền trọ chia ra nên cũng đỡ. Giờ hai vợ chồng ra riêng nên tiền trọ hơi nặng. Nhưng chỉ cần biết tằn tiện thì cuộc sống cũng ổn thôi”, anh Tín vừa phụ vợ bỏ cơm vô cà mèn, vừa trò chuyện.
Nghề vớt rác trên kênh không nghỉ lễ, tết. Anh Tín đã 3 năm ăn tết ở Sài Gòn. Năm nay anh mới cưới vợ được vài tháng nên đang lo: “Hồi trước một mình hổng sao, chứ bây giờ ngay cái tết đầu tiên mà không về quê vợ thăm, chúc tết thì kỳ lắm. Hổm giờ hai vợ chồng chưa biết tính sao đây?”.
Trong những công nhân gạo cội nhất phải kể đến ông Nguyễn Trường Thọ (52 tuổi, ngụ Q.12). Đến nay, ông Thọ đã có 23 năm gắn bó với nghề. Một buổi chiều giữa tháng 12, sau khi dọn mâm cơm với đủ loại món “cây nhà lá vườn”, bà Nguyễn Thị Nhàn (52 tuổi, vợ ông Thọ) cười hiền: “Tui với ổng nhỏ lớn tới giờ sống ở Sài Gòn. Hồi còn đôi mươi, buổi tui đi học may vá, buổi đi chăn trâu, ổng theo ghẹo, vậy mà nên duyên từ đó tới giờ”.
Lênh đênh vớt rác3
Múc rác lên để bỏ vào thùng
Lênh đênh vớt rác4
Anh Trương Trung Tín cùng vợ đang chuẩn bị cơm để mang lên bến tàu ăn
Con trai lớn của ông Thọ làm nghề sửa điện thoại đã có vợ, con. Đứa con gái út mới học xong đại học về môi trường, đang chuẩn bị hồ sơ đi xin việc. Ông Thọ làm nghề lâu năm nên quen, giờ lâu lâu nghỉ ở nhà lại thấy buồn. Ông chia sẻ: “Tui đã có cháu nội, đó cũng là niềm vui lớn nhất của tuổi già. Kệ, đời cha mẹ đã lăn lộn cực khổ, mấy đứa tụi nó mình phải ráng lo để cuộc sống đỡ vất vả hơn. Vả lại, cái nghề này đã ăn sâu vào máu thịt rồi, nghỉ ở nhà đi ra đi vô, buồn lắm. Còn được làm ngày nào cũng là niềm vui của tui ngày đó”.
Kêu gọi người dân không tùy tiện xả rác
Hiện nay, mỗi ngày TP.HCM phát sinh khoảng 8.500 tấn rác thải sinh hoạt. Theo UBND TP.HCM, một thực trạng đáng lo ngại là các tuyến kênh, rạch, cống thoát nước... thường xuyên phải tiếp nhận một lượng rác thải lớn từ sinh hoạt khu dân cư, gây ứ đọng rác, làm tắc nghẽn dòng chảy dẫn đến chất lượng nước mặt bị suy giảm nghiêm trọng. Nguyên nhân chính là do ý thức của một bộ phận người dân vẫn còn thấp, vẫn còn thái độ thờ ơ, chưa quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường. Để góp phần xanh hóa các dòng kênh, UBND TP.HCM kêu gọi người dân không tùy tiện xả rác, đồng thời giao Sở TN-MT thường xuyên tuyên truyền vận động người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường.
Đình Phú

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.