Lừa qua điện thoại: Báo ngay cho công an khi nghi ngờ bị lừa đảo

07/11/2016 14:32 GMT+7

Đó là ý kiến nhiều bạn đọc sau khi Thanh Niên ngày 6.11 đăng bài Lừa qua điện thoại.

Báo ngay cho công an
Không nên tin lời kẻ xấu mà chuyển tiền khi chỉ bị hù dọa qua một vài cuộc điện thoại. Phải tìm hiểu rõ ngọn nguồn sự việc. Cơ quan công an nên khuyến cáo công dân rõ điều này, bởi thời gian qua rộ lên nhiều chuyện lừa đảo tương tự khiến thật giả lẫn lộn. Mặt khác, người dân phải hết sức bình tĩnh xử lý sự việc, cảnh giác để không rơi vào bẫy của kẻ xấu, mà cần phá cái bẫy lừa đảo tinh vi của bọn chúng bằng cách báo ngay cho cơ quan công an.
Nguyễn Thọ (Q.Gò Vấp, TP.HCM)
Không khó để tìm ra kẻ lừa đảo
Hình thức gọi điện thoại, nhắn tin hay gửi thư hù dọa hoặc thông báo trúng thưởng rồi yêu cầu nạn nhân chuyển tiền không mới, nhưng sao cứ tái diễn hoài. Qua đây cho thấy tinh thần cảnh giác của người dân còn quá thấp. Tốt nhất là khi có người yêu cầu chuyển tiền, dù bất kỳ lý do nào cũng phải nghi ngờ, thậm chí cần tố giác ngay với cơ quan công an để điều tra làm rõ.
Nếu là kẻ lừa đảo thì phải xử lý để chấm dứt tình trạng này, còn nếu đúng là người của cơ quan chức năng mà gọi điện hù dọa để tống tiền thì cũng phải bị xử lý nghiêm về các tội tương ứng. Với trình độ khoa học kỹ thuật hiện nay, sẽ không khó để truy tìm kẻ phạm tội từ những số điện thoại mà họ sử dụng.
Trần Thanh Tâm (Q.Phú Nhuận, TP.HCM)
Vàng thật không sợ lửa
Câu chuyện đề cập trên báo đúng y như câu nói trên của cha ông ta. Nếu không làm gì phạm pháp thì chẳng có gì phải sợ. Vấn đề đặt ra là, tại sao có trường hợp người ngay mà khi bị hù vẫn nộp tiền. Phải chăng họ cứ sợ hãi vu vơ một điều gì đó, hoặc bị bọn xấu dắt dẫn câu chuyện từ không có tội thành có tội nên hoảng sợ. Do vậy, sự cảnh báo từ bài viết trên Thanh Niên là rất cần thiết. Mặt khác, cơ quan chức năng cũng phải là nơi tin cậy của người dân, bởi trong thực tế không ít trường hợp “được vạ thì má đã sưng”, mà lý do là vì sự phản ứng chậm của nhà chức trách.
Lê Thị Lệ (Q.Gò Vấp, TP.HCM)
       
Chỉ vài cuộc gọi điện thoại mà nạn nhân có thể chuyển cho kẻ gian vài trăm triệu đến vài tỉ đồng thì cũng thật lạ. Nhưng theo tôi, khi tiền đã chuyển đến một tài khoản nào đó thì ngân hàng cũng có thể truy ra dòng tiền đã chạy đi đâu, từ đó xác định được danh tính của người thụ hưởng số tiền. Như vậy không khó để truy tìm kẻ phạm tội. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất vẫn là người chủ tài sản phải luôn cảnh giác, không vội vàng cả tin.
Nguyễn Đăng Khoa (Q.12, TP.HCM)
       
Điều ngạc nhiên là vì sao tình trạng lừa đảo qua điện thoại lại ngày càng nhiều trong khi các phương tiện thông tin đại chúng vẫn thường tuyên truyền về hiện tượng này. Hành vi này rõ ràng đã vi phạm pháp luật hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, vì vậy cần phải được điều tra và xử lý nghiêm khắc. Về phía người dân, khi gặp tình huống này cần bình tĩnh không làm theo lời chiêu dụ, đồng thời báo ngay cơ quan công an để có biện pháp xử lý kẻ lừa đảo.
Trần Ngọc Điểm (TP.Đà Lạt, Lâm Đồng)
An Phong - Sơn Hải (thực hiện)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.