Phá đường dây ‘lừa đảo kiểu mới’

23/07/2016 07:42 GMT+7

Phòng CSĐT tội phạm về kinh tế và tham nhũng (PC46) - Công an TP.HCM vừa bắt khẩn cấp Phan Văn Ngoan (57 tuổi, ngụ H.Củ Chi) và Trần Thị Tuyết Phong (36 tuổi, ngụ Q.7) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Ngoài các nạn nhân trong bài Mánh lừa mới qua điện thoại (Thanh Niên ngày 21.7 đã đăng), còn có 2 nạn nhân ở TP.Cần Thơ cũng sập bẫy, vừa đệ đơn tố cáo Ngoan, gồm: L.T.H.B (59 tuổi) và D.Ng (61 tuổi).
Ngoan sau khi bị bắt giữ
Ngoan sau khi bị bắt giữ
Giả Việt kiều mượn tiền
Theo thông tin ban đầu, sáng 16.6, một người đàn ông giả người thân tên “Hạnh” của bà B. đang định cư ở Mỹ gọi đến điện thoại bàn hỏi mượn 45 triệu đồng vì có con bị tai nạn giao thông (TNGT) nằm viện tại VN. Bà B. chuyển 45 triệu đồng vào tài khoản ghi tên Đoàn Kim Thi theo yêu cầu của “Hạnh”. Chiều cùng ngày, “Hạnh” hỏi mượn thêm 55 triệu đồng cũng được bà B. chuyển tiếp. Hôm sau, “Hạnh” gọi điện cám ơn, rồi mượn thêm 250 triệu đồng để chữa trị. Bà B. tiếp tục chuyển 250 triệu đồng, lần này là vào tài khoản mang tên Bùi Minh Thành mở ở một ngân hàng tại TP.HCM.
Đến ngày 20.6, bà Ng. nhận được cuộc gọi của một người đàn ông nói gọi từ Mỹ về, tự nhận là “dượng Hải” của bà. “Dượng Hải” nói vừa về VN, đang ở Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM nuôi đứa cháu bị TNGT trong tình trạng nguy kịch, cần gấp 50 triệu đồng chữa trị. Tin lời, bà Ng. chuyển 50 triệu đồng vào tài khoản mang tên Trần Thị Thanh Bình. Sau đó, “dượng Hải” mượn thêm 150 triệu đồng của bà Ng. để “lo” cho công an và viện phí nhưng phát hiện bị lừa, nên bà Ng. không chuyển mà đến công an trình báo…
Lừa đảo trót lọt tiền tỉ
Từ thông tin do nạn nhân cung cấp, lực lượng công an sau 3 tháng đã phát hiện Ngoan là tên cầm đầu đường dây lừa đảo, nên bắt giữ và từ lời khai của hắn, bắt giữ Tuyết Phong.
Tuyết Phong tại trụ sở công an. Ảnh: Nguyên Bảo
Tuyết Phong tại trụ sở công an. Ảnh: Nguyên Bảo

Khám xét nơi ở của Ngoan và Phong, cơ quan điều tra thu giữ nhiều tài liệu liên quan, đặc biệt là hàng ngàn trang thông tin cá nhân về “con mồi”... Ngoan khai để thực hiện các phi vụ trên, Ngoan ra khu vực Bến xe Miền Tây mua hàng chục thẻ ATM, trong đó Phong bán 8 thẻ ATM với giá 2 triệu đồng/thẻ. Đáng chú ý, Phong sử dụng nhiều CMND mang tên của người khác (bị mất) nhưng không hiểu sao vẫn làm được thẻ ATM (!?). Tất cả số thẻ ATM này đều mở tại một ngân hàng thương mại cổ phần. Sau đó, Ngoan lên mạng thu thập số điện thoại bàn, thông tin cá nhân của các nạn nhân hoặc mua tờ rơi có in số điện thoại bàn, tên, địa chỉ của các nạn nhân đăng ký thuê bao, rồi gọi đến lừa như nói trên.
Tính từ tháng 4.2016 đến nay, Ngoan thực hiện trót lọt hơn 10 phi vụ, chiếm đoạt hàng tỉ đồng.
Rút tiền tại Trung Quốc
Tại Cần Thơ, đại tá Trần Ngọc Hạnh, Giám đốc Công an TP cho biết, gần đây trên địa bàn xuất hiện kiểu lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng cách gọi đến số điện thoại bàn của bị hại thông báo còn nợ cước điện thoại rồi hướng dẫn chủ thuê bao gọi vào số điện thoại của đồng bọn chúng (đóng giả công an). Đồng bọn thông báo bị hại có liên quan đến một tổ chức tội phạm, nên yêu cầu chuyển các nguồn tiền gửi ngân hàng để “bảo lãnh” trong quá trình xác minh. Theo đại tá Hạnh, qua xác minh một số tài khoản mà bọn lừa đảo yêu cầu bị hại chuyển tiền vào, thì hầu hết số tiền trên được rút tại Trung Quốc.
Mai Trâm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.