Chiều 13.3, 5 người có họ hàng với nhau ngồi trên chiếc ô tô Hyundai 5 chỗ di chuyển từ khu dân cư Vũ Xá, phường Ái Quốc, thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương ra quốc lộ 5. Khi xe đến điểm giao cắt với đường sắt Hà Nội - Hải Phòng thì bị tàu hỏa LP8 chạy hướng Hải Phòng - Hà Nội đâm phải.
Vụ tai nạn khiến 2 người trên ô tô tử vong, 3 người còn lại bị thương rất nặng. Chỉ 8 ngày sau, cũng tại địa bàn phường Ái Quốc lại xảy ra tai nạn đường sắt khiến 2 người tử vong.
Đánh giá về nguyên nhân xảy ra tai nạn, ông Nguyễn Duy Do, Phó chủ tịch UBND phường Ái Quốc, cho biết: “Nguyên nhân chủ yếu là do người điều khiển phương tiện đường bộ không quan sát khi băng qua đường sắt. Ngoài ra, những đường ngang này không được phòng vệ bằng cần chắn tự động”.
Theo ghi nhận của Thanh Niên, đường ngang vào khu dân cư Vũ Xá có biển báo, đèn và chuông tự động, còn đường ngang vào khu dân cư Vũ Thượng chỉ có biển báo. Trong khi đó, mật độ người và phương tiện di chuyển qua những đường ngang rất nhiều.
Ông Đoản Văn Tịch (Đội trưởng Đội dân phòng phường Ái Quốc), người mới được bố trí gác cảnh giới tại đường ngang vào khu dân cư Vũ Xá từ ngày 25.3, cho biết: “Ở đây năm nào cũng có va chạm với tàu hỏa. Hầu hết là người ở nơi khác đến. Thương tâm lắm!”.
Ngoài ông Tịch, còn có ông Nguyễn Văn Cương cũng mới được bố trí gác ở đường ngang vào khu dân cư Vũ Thượng. Những người này được trang bị cờ hiệu và sẽ ra cảnh giới khi tàu chạy qua.
“Quy định là có tàu mới phải ra, nhưng tôi ra đây cả ngày. Cứ lo có ai bị tai nạn thì hối hận lắm!”, ông Tịch chia sẻ. Được biết, mỗi điểm gác sẽ được Sở GTVT Hải Dương hỗ trợ 3 triệu đồng/tháng.
Theo thống kê của Ban An toàn giao thông tỉnh Hải Dương, trên địa bàn tỉnh này có 3 tuyến đường sắt chạy qua, gồm: tuyến Hà Nội - Hải Phòng, tuyến Kép - Bãi Cháy (chạy qua thành phố Chí Linh) và tuyến Yên Viên - Cái Lân. Trong đó, tuyến Hà Nội - Hải Phòng dài 45,3 km chạy song song với quốc lộ 5 là hay xảy ra tai nạn. Trong năm 2018, trên tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng chạy qua tỉnh Hải Dương đã có 8 vụ tai nạn làm 6 người chết, 5 người bị thương.
Đi dọc tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng có thể nhận thấy vô số lối đi tự mở băng qua đường sắt. Có những điểm chỉ 100 m mà có cả chục lối đi tự mở, rất nhiều lối dẫn từ vào… nhà dân. Hầu hết những lối đi này chỉ có biển cảnh báo sơ sài, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn rất cao. Theo báo cáo của UBND tỉnh Hải Dương trong tháng 3 vừa qua, trên tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng có 170 lối đi tự mở, 36 đường ngang dân sinh.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Lê Quý Tiệp, Phó giám đốc Sở GTVT tỉnh Hải Dương, cho biết: “Theo nguyên tắc, việc đảm bảo an toàn giao thông tại đường ngang qua đường sắt là của ngành đường sắt. Tuy nhiên, vì an toàn của người dân, chúng tôi cũng đã tổ chức cảnh giới tại 29 lối tự mở và 2 đường ngang”.
Ngoài ra, sau 2 vụ tai nạn liên tiếp vào tháng 3 vừa qua, UBND tỉnh Hải Dương đã có văn bản đề nghị Bộ GTVT và Tổng Công ty đường sắt Việt Nam rà soát, nâng cấp các đường ngang chỉ có biển báo thành đường ngang có cần chắn tự động, hoặc có người canh gác. Tỉnh Hải Dương cũng khẩn cấp bố trí thêm người canh gác tại 2 điểm mới xảy ra tai nạn.
Tuy nhiên, để giải quyết triệt để tình trạng mất an toàn giao thông tại nút giao giữa đường bộ và đường sắt tại Hải Dương, ông Lê Quý Tiệp cho rằng, cần sớm triển khai xây dựng đường gom dân sinh.
“Đã có một đề án xây dựng đường gom dân sinh với mức đầu tư khoảng gần 100 tỉ đồng. Tuy nhiên, đến nay T.Ư vẫn chưa bố trí được kinh phí làm. Chúng tôi rất mong dự án này sớm được triển khai vì có thể xóa được ít nhất 70 lối đi tự mở qua đường sắt”, ông Tiệp cho biết.
Bình luận (0)