Chị Trần Thị Quỳnh Mai (37 tuổi, bà chủ quán bún riêu, canh bún ở địa chỉ 135A đường Nguyễn Văn Tạo, huyện Nhà Bè, TP.HCM) đang mang bầu ở tháng thứ 4. Trước đây chị Mai làm công nhân ở công ty chế biến suất ăn công nghiệp. Sau này lấy chồng, chị nghỉ làm và mở quán này, duy trì tới nay cũng được 7 tháng.
“Hồi trước hai vợ chồng hai quán, nhưng giờ có em bé rồi tôi không làm một mình nổi. Thành ra anh xã phải đóng cửa quán bên kia để sang phụ tôi”, chị Mai nói.
Nấu bún riêu mời người nghèo
Mỗi ngày, quán bún riêu của mẹ bầu Quỳnh Mai sáng đèn từ 4 giờ để chuẩn bị đồ đạc, đến 6 giờ kém đã bắt đầu đón những vị khách đầu tiên. Chị cho biết, công thức nấu ăn được mẹ chồng truyền dạy.
“Trước đó, mẹ chồng mở quán đầu tiên ở Thủ Đức cũng được gần 2 năm. Sau đó tới quán của ông xã, mở được 1 năm và hiện tại mới là quán của mình”, chị kể.
|
“Lúc mở quán được 1 tuần, tôi thấy con đường này có nhiều người khó khăn, như các cô chú lớn tuổi, tàn tật, người khiếm khuyết bán vé số, bán hàng rong, thậm chí đi nhặt chai nhựa hoặc giấy vụn. Thấy họ cũng tội và vất vả nên muốn hỗ trợ phần nào, quan trọng hơn là chia sẻ họ trên tinh thần đùm bọc nhau. Nên tôi có ý tưởng mời họ một bữa ăn để tạo cho họ động lực, niềm vui, quan trọng nhất là họ có bữa ăn ngon và no để tiếp tục công việc của ngày hôm đó”, chị Mai kể.
|
Những ngày cô chú bán vé số cầm trên tay còn nhiều vé số, chị Mai đoán ngày hôm đó họ buôn bán không được tốt, có thể họ cũng không dám ăn vì sợ tăng thêm chi phí nên muốn mời họ một bữa ăn.
“Tôi cũng không suy nghĩ nhiều đâu, tôi cũng không nghĩ mọi người quan tâm nhiều như vậy đâu. Tại vì mình thấy giúp được ai thì mình giúp. Nó nằm trong khả năng kinh tế của mình thôi” chị Mai chia sẻ.
Khi hỏi chị có “tiêu chí” để chọn ai mời miễn phí, ai trả tiền không? Chị Mai đáp: “Cái đó là do cảm quan của tôi thôi, chứ tôi cũng không chắc là họ nghèo hay không nghèo đâu. Ví dụ người già tôi thấy họ khắc khổ, hoặc người tật nguyền. Đối tượng chủ yếu của tôi là người già và tàn tật, những người ốm yếu khắc khổ”.
“Người càng nghèo càng tự trọng”
Mặc dù tấm lòng chân thành, nhưng không phải lúc nào mời thì mọi người cũng đồng ý ăn miễn phí. “Tôi mời và cũng nhiều người từ chối lắm. Thường mọi người vào đây ăn, tôi cảm thấy vậy nên không lấy tiền nhưng họ vẫn đưa và không chịu ăn miễn phí”, chị kể.
“Họ thật sự muốn ăn thì họ vào, có nhiều người mời vào nhưng họ vẫn trả tiền và tặng tôi 1 tờ vé số như để chúc tôi may mắn vậy đó. Thật ra tôi cảm nhận được rằng, người càng nghèo thì càng tự trọng”, chị Mai nói.
|
Có những người thật sự bán chậm, ế, không có thu nhập thì mới nhận lời mời của bà chủ quán bún riêu. Có ngày họ bán được nên trả tiền cho bà chủ sòng phẳng. Bà chủ kể, có người đến ăn còn nói: “Ở đây cũng nhà thuê cửa mướn cũng cực khổ, không sao cầm tiền đi. Tôi vẫn nhận bởi vì đó tấm lòng của họ, mình không nhận sợ họ tự ái lần sau họ không dám ăn nữa. Còn hôm nào họ bán chậm thì nhận lòng tốt của tôi”.
Chị Mai cho biết khu vực xung quanh chủ yếu là công nhân sinh sống, vì vậy khi mở quán chị phải làm sao cho tô bún riêu có giá bình dân nhất. Hai vợ chồng phải đi chợ đầu mối để mua nguyên liệu với giá thành rẻ. Mặc dù rẻ nhưng vẫn phải no và ngon chứ không thể làm qua loa, kém chất lượng.
|
“Tất nhiên với giá này thì lợi nhuận không nhiều. Mình giúp đỡ người khác thì ít doanh thu, nhưng nhận được sự cảm kích, yêu thương của mọi người thì bản thân cũng vui và hạnh phúc với việc mình đang làm”, chị Mai chia sẻ.
Hiện tại, quán ăn của bà bầu Quỳnh Mai bán hai món chính là bún riêu, canh bún. Một tô bún riêu 22.000 đồng có chả, riêu cua, đậu hũ, huyết, da heo. Ngoài ra, khách có thể gọi thêm ốc, giò hoặc thịt nạc... tùy giá thành. Chị Mai còn bán nước sâm và nha đam tự nấu.
Vì chủ yếu bán cho khách vãng lai nên doanh thu không ổn định, ngày cao điểm được khoảng 120 tô, thấp điểm 70 - 80 tô. Những tô bún miễn phí cũng tùy ngày, có ngày mời 5 - 7 tô, có ngày mười mấy tô nhưng cũng có ngày không mời được tô nào cả vì “thường chủ nhật ít cô chú nào ở lại đây”, bà chủ chia sẻ.
|
Khi hỏi đang mang bầu mà vẫn làm lụng sớm khuya như thế, bà chủ quán bún riêu có đảm đương được hết công việc không? Chị Quỳnh Mai vui vẻ đáp: "Trộm vía chắc em bé cũng quen với việc mẹ bận rộn rồi, thành ra cũng ổn. Trời thương, hai mẹ con vẫn khỏe. Cũng có thể do mình làm việc thiện nên mọi thứ rất suôn sẻ với mình”.
|
Chị Mai có thói quen giúp đỡ người khác, làm việc thiện từ lúc còn đi làm công ty. Mỗi ngày cuối tuần thường rủ đồng nghiệp và các anh chị quản lý mua rau củ hoặc nấu đồ chay cho người già, trẻ em ở chùa, phát cơm ở cổng bệnh viện, lâu lâu lại quyên góp quần áo cũ. Với chị, mỗi lần làm vậy là lại cảm thấy vui vẻ, thoải mái.
Hai bàn tay đặt lên bụng, bà chủ quán bún riêu mỉm cười nói: “Tôi bắt đầu làm những công việc thiện từ lúc chưa có em bé, đến bây giờ khi có em bé rồi thì mong con mình sẽ thừa hưởng được lòng thương người từ mẹ”.
Bình luận (0)