Hôm nào ăn cơm thấy ngon thì ông buột miệng: “Đm, bữa nay cơm ngon bây!”, còn hôm nào ăn không vừa miệng ông càm ràm: “Đm, cơm nước kiểu gì mà dở ẹc vầy nè”. Cô bạn ấy bảo, em trai cô ấy vì nhiễm tính hay chửi thề của ba nên cũng y chang ông, mở miệng ra là nói như một phản xạ tự nhiên.
Bạn lo sợ rằng đứa con gái nhỏ đang tuổi học nói sẽ bắt chước những câu chửi của ông ngoại và cậu thì sau này rất khó sửa.
2 Câu chuyện thứ hai: Người bạn thân của tôi là chủ một cơ sở karaoke khá lớn kể rằng, có lần bạn chứng kiến một câu chuyện hy hữu như sau: Người mẹ và đứa con gái tầm mười tám, mười chín tuổi khá xinh xắn và cao ráo vào quán, nằng nặc đòi gặp chủ quán mới chịu. Nhân viên gọi cho bạn, đưa họ lên phòng quản lý để gặp mặt.
tin liên quan
Đừng đẩy con vào 'trầm cảm' vì yêu không đúng cáchHàng ngày, trên các trang tin bạn thỉnh thoảng bắt gặp tin trẻ em tự tử vì trầm cảm, viết thư hoặc nhật ký tuyệt mệnh do một áp lực nào đó… bạn có nghĩ rằng vì thương con không đúng cách đã hại con ?
Người mẹ hỏi thẳng bạn rằng quán có hình thức karaoke “ôm” hay “đèn mờ” gì không. Khi bạn khẳng định với bà rằng ở đấy không có tình trạng tệ nạn hay vi phạm pháp luật như thế, bà mới hỏi: “Vậy thì làm gì có tiền “boa”, phải không?!”. Bạn trả lời rằng vì không phải là hình thức karaoke trá hình nên ít khi có tiền típ hay những khoản tiền tặng/cho từ khách hàng mà chỉ thỉnh thoảng gặp khách hàng quen thì được thưởng cho ít tiền thừa thay vì lấy lại tiền thối, chỉ có vậy thôi. Thế là người mẹ vội vàng đứng dậy chào bạn, cùng con gái ra về.
Trước khi đi, bà còn nói với bạn một câu mà mãi cho đến tận bây giờ bạn vẫn không sao quên được: “Vậy mà chị cứ tưởng quán lớn vầy phải có ba cái vụ “này kia kia nọ” chớ!”. Rồi quay sang con gái: “Thôi kiếm chỗ khác con!”.
3 Câu chuyện thứ ba: Dáng bạn cao và chuẩn như người mẫu, lại khéo ăn khéo nói nên dù đã một lần gãy đổ và có con nhưng xung quanh bạn vẫn không thiếu những đại gia săn đón. Nhớ những ngày ở trọ cùng nhau khi cả hai mới chân ướt chân ráo đến mảnh đất Sài Gòn phồn hoa lập nghiệp... trong khi tôi phải vất vả với việc chính việc phụ mà vẫn không khá nổi thì bạn luôn rủng rỉnh tiền bạc, vàng vòng và xe tay ga đắt tiền dù không hề đi làm.
Những đêm nằm cạnh nhau, bạn kể cho tôi nghe về miền quê nghèo và mẹ của bạn - người đã thổi vào bạn quyết tâm kiếm tiền bằng mọi giá. Mẹ bạn dạy: Đàn bà có tiền mới có nhiều thứ khác.
Bạn hồn nhiên kể, năm bạn 9 tuổi, có một hôm đi chợ cùng mẹ, hai mẹ con đạp xe sau một người đàn bà. Từ xe bà ấy rơi xuống một túi nhưng bà không hề hay biết, có lẽ vì phải chở quá nhiều đồ đạc. Hai mẹ con bạn dừng lại nhặt cái túi, mở ra thấy bên trong có rất nhiều tiền.
Khi bạn chỉ mới vừa cất giọng gọi “cô ơi...” thì bị mẹ lấy tay bịt chặt miệng lại, vẻ mặt giận dữ: “Đồ dở hơi! Mày có bị điên không hở con. Mày có muốn được áo đẹp, ăn bánh kẹo không mà phản chủ thế?!”. Sau đó hai mẹ con bạn ghé chợ mua con ngan về giết thịt từ chính túi tiền nhặt được.
Sau mười năm quen biết nhau, giờ bạn đã là chủ của hai căn hộ và một chiêc siêu xe - những món quà của người tình đại gia xấp xỉ tuổi bố bạn. Bạn bảo bạn yêu ông ta và yêu cả tiền của ông ta. Bạn bảo tôi ngu ngốc khi từ chối một người đàn ông thành đạt đã theo đuổi tôi nhiều năm. Bạn nói: “Tao chưa thấy ai ngu như mày khi anh ta giàu sụ, đẹp lồng lộng và yêu mày nhiều vậy mà lại từ chối chỉ vì lý do không yêu. Không yêu thì lấy rồi sẽ yêu, sợ gì!”.
Đi cà phê cùng nhau, bạn cười khi tôi giành trả tiền: “Mày vẫn sĩ diện... mà mấy đứa sĩ diện thường không giàu nổi”. Rồi bạn triết lý: “Ngẫm nghĩ tao càng thấy mẹ tao nói đúng: Kiếm tiền bằng cách nào không quan trọng, quan trọng là mình có tiền, vì nó là chìa khóa mở mọi cánh cửa”.
Chia tay bạn, tôi cứ nghĩ mãi về người mẹ ấy. Tự hỏi mình mai này sẽ dạy con thế nào về những giá trị trong cuộc sống này, để chúng không phải sống cuộc đời nghèo cả vật chất lẫn tinh thần...
Bình luận (0)