Miền Nam ứng phó mưa trái mùa; miền Bắc, miền Trung đề phòng sâu bệnh trên mạ

04/02/2017 08:36 GMT+7

Thời tiết miền Bắc từ hôm nay (4.2) đến giữa tuần sau chỉ còn rét đêm và sáng. Ban ngày nắng ấm, tiết trời xuân khá đẹp và dễ chịu.

Tuy nhiên, do không khí lạnh suy yếu và di chuyển ra phía đông, đem hơi ẩm từ biển vào nên sương mù nhiều nơi, vùng ven biển và vùng núi có tầm nhìn xa giảm thấp do sương mù khá dày đặc.
Từ thứ năm tuần sau (9.2), sẽ có không khí lạnh tràn về với cường độ mạnh và có thể kéo dài nên nhiệt độ miền Bắc giảm nhanh, trời chuyển rét cả ngày và đêm, nhiệt độ thấp nhất hầu hết 12 – 15 độ C, vùng núi dưới 10 độ C, các điểm du lịch như Sa Pa, Sìn Hồ, Mẫu Sơn có thể giảm còn 5 – 8 độ C, thời tiết chuyển xấu hơn, có mưa nhỏ mưa phùn.
Miền Trung mưa cũng không nhiều trong hai ngày cuối tuần, mưa nhỏ về đêm và sáng. Sau đó mưa sẽ giảm dần, trời có nắng dịu. Gần cuối tuần sau khi không khí lạnh tràn về trời chuyển rét và mưa nhỏ, nhiệt độ thấp nhất ở nửa phía bắc là 16 – 19 độ C, còn từ Đà Nẵng trở vào 19 – 20 độ C.
Miền Nam sau tết thời tiết khá bất thường, ngay giữa mùa khô đã xuất hiện 1 đợt mưa trái mùa dị thường chưa từng xảy ra, mưa lớn trên diện rộng, đặc biệt là TP.HCM, Cần Thơ, Bình Dương có nơi mưa 50 - 120 mm. Mưa vẫn còn trong hai ngày cuối tuần nhưng có xu hướng giảm và xảy ra về chiều tối, ĐBSCL mưa nhiều hơn miền Đông, vùng ven biển vẫn có nơi mưa khá lớn.
Sau đó trong 3 ngày đầu tuần sau, trời có nắng trở lại với cường độ không quá mạnh, thời tiết tốt hẳn lên, hầu hết không mưa hoặc chỉ mưa nhỏ vài nơi. Đêm về sáng trời se lạnh và có sương mù trên diện rộng, có lúc đến gần trưa mới tan hẳn. Nhiệt độ thấp nhất ở miền Đông 21 – 23 độ C, miền Tây 23 – 25 độ C, ban ngày cao nhất cũng chỉ 30 – 33 độ C.
Đối với ngư dân ra khơi đầu năm chú ý gió mùa đông bắc hoạt động mạnh từ ngày 10 đến 15.2 (tức từ 14 đến 19 tháng giêng âm lịch). Riêng khu vực biển nam Biển Đông, quần đảo Trường Sa, từ Bình Thuận đến Cà Mau có mưa rào và giông mạnh cuối tuần, sau sẽ giảm dần.
Với hình thái thời tiết như trên, sản xuất nông nghiệp những ngày đầu xuân ở miền Bắc cần chủ động lấy nước đợt 3 gieo cấy vụ đông xuân và chuẩn bị các biện pháp chống rét cho mạ khi cần thiết. Thời tiết nắng mưa xen kẽ cũng cần chú ý sâu bệnh phát sinh gây hại có xu hướng tăng trên lúa xuân trà sớm mới gieo cấy như sâu đục thân, sâu cuốn lá, bọ trĩ, rầy nâu - rầy lưng trắng.
Miền Trung thời tiết có xu hướng thuận lợi hơn, nên tập trung vào các diện tích lúa đông xuân ở giai đoạn mạ - đẻ nhánh bởi các đối tượng bọ trĩ, sâu keo, sâu năn có thể gây hại trong quá trình sinh trưởng phát triển. Cần theo dõi chặt chẽ để có biện pháp ứng phó kịp thời nếu thời tiết bất lợi xảy ra như mưa ẩm, rét kéo dài.
Mưa trái mùa bất thường vẫn còn xảy ra xen kẽ với những ngày khô ráo, nên nhiều diện tích lúa đông xuân trong giai đoạn làm đòng - trổ ở ĐBSCL bị đổ ngã, cần tranh thủ lúc triều kém để tăng cường diệt ốc bươu vàng, chuột đồng cắn phá.
Trong 7 ngày tới, bệnh đạo ôn có thể gia tăng nên nông dân cần thăm đồng thường xuyên, khi phát hiện bệnh nên sử dụng các loại thuốc đặc hiệu, không phối trộn nhiều loại thuốc hoặc sử dụng phân bón lá, hạn chế việc bón thêm phân đạm, luôn giữ đủ nước trong ruộng đồng...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.