Mở hàng 'sang xịn mịn' trong biệt thự cổ

25/08/2019 10:09 GMT+7

Nhiều biệt thự Pháp cổ ở Hà Nội đã được cải tạo toàn bộ hoặc từng phần để làm cửa hàng, nhà hàng. Dù lớn dù nhỏ hoặc phải leo gác, những nơi này đều thể hiện cá tính của chủ, rất “sang xịn mịn” và hút khách.

Thảm gạch xưa, ổ khóa cũ

Bà Phạm Bích Hạnh, chủ của thương hiệu Ngon Garden và Quán ăn Ngon, vẫn nhớ mối tình sét đánh với hai biệt thự Pháp mà giờ đây đã là thủ phủ của hai thương hiệu trên.
Bà vốn yêu biệt thự Pháp, muốn tìm biệt thự để mở hàng ăn. Bạn bè giới thiệu có, chủ biệt thự tìm đến cũng có. Nhưng chỗ thì không muốn cho thuê làm quán ăn vì sợ bị sửa hết vóc dáng cũ, chỗ lại đã bị sửa và biến dạng rồi. “Cả hai biệt thự bây giờ với tôi đều là yêu từ cái nhìn đầu tiên, yêu từ kiến trúc đến khuôn viên. Cho đến khi sửa để sử dụng thì tôi luôn tôn trọng vẻ đẹp vốn có của nó. Nói tôi tôn tạo thì đúng hơn vì không sửa bất cứ gì liên quan đến kiến trúc vốn đã rất đẹp, rất chuẩn tỷ lệ từ từng hoa văn. Tôi chỉ làm sao cho tôn vẻ đẹp đó lên”, bà nói.
Chính vì thế, Quán ăn Ngon trên phố Phan Bội Châu vẫn giữ màu vàng xưa cũ. Những cầu thang gỗ vẫn nguyên vẹn. Còn Ngon Garden ở Phan Bội Châu cũng được giữ từng cánh cửa ra vào đến ô cửa kính. “Tôi thậm chí còn giữ nguyên khung cửa, khóa cửa. Dù có người nói đã cũ rồi tôi vẫn cương quyết giữ lại. Đôi khi những khách hàng từng ở trong những biệt thự Pháp như vậy họ rất xúc động. Họ nói, tôi không muốn đứng dậy nữa vì nhìn thấy cái cửa phòng này giống hệt căn nhà cũ mình ở trước đây. Chỉ có thời Pháp mới có những ổ khóa cửa như vậy”, bà Hạnh nói, giọng không giấu nổi xúc động.
Trong khi đó, biệt thự số 8 Chân Cầm (Q.Hoàn Kiếm) lại là nơi rất nhiều quán hàng tụ lại. Khách hàng leo lên một cầu thang và ba lựa chọn hiện ra một lúc. Một quán cà phê. Cửa hàng gốm Hiên Vân với rất nhiều bát, đũa, ngựa, bình hoa sáng tạo trên vốn cổ, đẹp lịm tim. Một cửa hàng bán thảm đẹp mê hồn. Trước khi bán thảm, đây là cửa hàng Flora còn bán cả những đồ may ghép vải như ba lô, túi chống sốc cho máy tính…
“Quán đẹp, cửa hàng phong cách. Nếu bạn lên đó bạn sẽ muốn lên đó lần nữa. Vì đều là những không gian mang cá tính riêng của chủ nhân”, chị Hồng Minh, một người thích lang thang chụp ảnh, chia sẻ. Tại Chân Cầm, chị đã ngồi rất lâu ở dưới hàng hiên trước để đón nắng chiếu vào bộ đôn sứ mà quán cà phê bày biện.

Được lòng dân nghệ, bền vững khách hàng

Trong khi đó, bà Vũ Ngọc Trâm cũng có một không gian biệt thự cổ đáng tự hào trên phố Phan Huy Ích. Không gian Manzi của bà sau khi sửa cũng giữ được vẻ đẹp của kiến trúc cũ, nhưng có một nội thất theo cách bà muốn. Ở đó, bà Trâm chọn bộ bàn ghế salon của những năm 1980 để khách hàng có cảm giác thời gian ngừng trôi. “Tôi muốn giữ các đường nét cũ để ai cũng có thể ngắm tòa biệt thự. Nhưng bên trong, chúng tôi cần một không gian thoáng hơn để trưng bày tranh tượng và cho các buổi tọa đàm văn hóa. Cũng có những không gian sẽ được làm mới hơn, chẳng hạn khu vệ sinh được làm rộng hẳn và chúng tôi cũng trang trí như một phòng có phong cách”, bà Trâm nói.
Hiện tại, Manzi là một không gian văn hóa mở có nhiều hoạt động văn hóa từ triển lãm, hội chợ nghệ thuật đến tọa đàm giới thiệu sách, tọa đàm văn học - lịch sử - kiến trúc. Bên cạnh đó, cũng nhiều người tìm đến đây để chụp ảnh kỷ niệm vì quá thích không gian biệt thự xưa này.
Bà Bích Hạnh cũng chia sẻ sự đồng cảm của kiến trúc sư và nhiều người Hà Nội xưa với việc tôn tạo biệt thự của bà. “Bản thân kiến trúc sư khi thiết kế cũng thích vì mình không phá gì cả. Cả hai đều đồng cảm với vẻ đẹp của biệt thự xưa. Có những người khi chúng tôi sửa xong, họ nói, ôi may quá, tôi chỉ sợ sẽ bị sửa đi không còn như cũ, nhưng hóa ra vẫn còn nguyên hồn cốt”, bà Hạnh nhớ lại. Ngon Garden của bà nhờ lợi thế kiến trúc này đã đón tiếp nhiều đoàn khách cao cấp. Chẳng hạn, đoàn khách của Triều Tiên khi sang đây dự Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều, và mới đây nhất là đoàn của Thủ tướng Armenia.
Quán Old Hà Nội ở số 4 Tôn Thất Thiệp của Chủ tịch Hội Đầu bếp Nguyễn Quân cũng giữ nguyên nét đẹp của biệt thự cũ. Ông Quân chỉ sửa một chút mặt tiền để làm biển nhận diện quán. Do không gian đẹp và người chủ thạo nghề, Old Hà Nội từng được lên truyền hình BBC hồi 2015. Đó là khi giám khảo chính của cuộc thi MasterChef Mỹ, ông Gordon Ramsay chọn để quay chương trình truyền hình thực tế Gordon’s Great Escape.
Họa sĩ Lê Thiết Cương, một người Hà Nội gốc, chia sẻ cái khó của việc mở hàng trong biệt thự chính là việc sở hữu biệt thự còn phức tạp. Chẳng hạn, nhiều biệt thự hiện tại đang có quá nhiều người ở, có quá nhiều chủ sở hữu nên thu về một mối khá khó khăn. Tuy nhiên, điều đó lại mở đường cho các cửa hàng nhỏ nhắn như Flora, gốm Hiên Vân. Chúng đều mang đậm phong cách sáng tạo của chủ nhân.
Theo ông Cương, việc thuê biệt thự rồi sang sửa mở hàng sẽ càng ngày càng nhiều. Một phần do vị trí đẹp, phần nữa do chính khí quyển nghệ thuật ở đó tạo ra. “Nó có sự yên tĩnh từ xưa cũ vọng về. Các gian phòng cũng có chiều cao tốt, bố trí cửa và ánh sáng hợp lý. Chính vì thế, nó tạo thiện cảm ngay từ đầu với những người đến mua sắm và hưởng dịch vụ”, ông Cương nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.