Mở rộng mạng lưới thu bảo hiểm xã hội tự nguyện xuống tận thôn, bản

24/10/2018 10:00 GMT+7

Nghị quyết 28-NQ/T.Ư về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) đề cập vấn đề giảm số năm đóng BHXH tối thiểu để hưởng lương hưu xuống 15 năm, hướng tới 10 năm; từng bước mở rộng chế độ hưởng BHXH tự nguyện.

Đây là một trong những thay đổi trong chính sách nhằm thu hút lực lượng lao động khu vực phi chính thức tham gia vào BHXH tự nguyện.
Tiết kiệm 5.000 đồng/ngày để về già có lương hưu
Theo Luật BHXH, từ năm 2014, chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện đã mở rộng đến tất cả mọi người lao động từ đủ 15 tuổi trở lên. Khi người dân tham gia BHXH tự nguyện, đủ điều kiện về tuổi đời đã đóng BHXH đủ 20 năm trở lên thì được hưởng lương hưu, hưởng chế độ tử tuất.
Đặc biệt, phương thức và mức đóng theo quy định mới của luật đa dạng, tạo thuận lợi cho người lao động.
Người lao động có thể tự lựa chọn mức đóng, trong đó 22% mức thu nhập tháng do người lao động lựa chọn. Mức thấp nhất bằng mức chuẩn nghèo khu vực nông thôn, cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở. Phương thức đóng cũng được quy định linh hoạt, đóng hằng tháng, hoặc đóng theo 3 tháng, 6 tháng, 12 tháng và một lần cho nhiều năm về sau, một lần cho những năm còn thiếu.
Do đối tượng tham gia BHXH tự nguyện ở địa phương chủ yếu trong khu vực phi chính thức với đặc thù lao động tự do, thu nhập bấp bênh và không bền vững nên để khuyến khích người dân tham gia BHXH, từ ngày 1.1.2018, Nhà nước đã hỗ trợ người tham gia BHXH tự nguyện dựa trên chuẩn nghèo khu vực nông thôn (700.000 đồng) với 3 mức hỗ trợ là 30% cho hộ nghèo, 25% cho cận nghèo và 10% cho đối tượng khác.
Mức hỗ trợ 30% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ nghèo (tương ứng 46.200 đồng/tháng), người tham gia còn phải đóng 107.800 đồng/tháng. Hộ cận nghèo được hỗ trợ 25% (tương ứng với 38.500 đồng/tháng), người tham gia còn phải đóng 115.500 đồng/tháng. Các đối tượng khác được hỗ trợ 10% (tương ứng với 15.400 đồng/tháng), người tham gia còn phải đóng với mức thấp nhất là 138.600 đồng/tháng, tương đương với 4.620 đồng/ngày. Như vậy, chỉ tiết kiệm chưa đến 5.000 đồng/ngày, người lao động đã có cơ hội được hưởng lương hưu.
Mỗi thôn, bản, tổ dân phố có 1 điểm thu BHXH tự nguyện
Mặc dù đã có những thay đổi trong chính sách BHXH tự nguyện, nhưng theo các chuyên gia việc người lao động phải đóng toàn bộ 22% mức đóng là quá cao, trong khi đó người lao động trong doanh nghiệp chỉ đóng 1/3 mức này. Bên cạnh đó, nếu đóng theo mức thấp nhất là mức chuẩn nghèo nông thôn thì mức đóng thấp, thời gian tham gia dài nên chưa tạo sức hấp dẫn cho người dân tham gia.
Theo khảo sát của Viện Khoa học - Lao động và Xã hội, phần lớn nông dân, lao động tại nông thôn và lao động phi chính thức chưa tham gia BHXH tự nguyện. Đây là nhóm đối tượng tiềm năng để phát triển BHXH tự nguyện. Có tới 35,2% lao động phi chính thức chưa tham gia BHXH mong muốn tham gia. Tuy nhiên, nhóm đối tượng này lại ít được tiếp cận các thông tin, chính sách về BHXH tự nguyện.
Bà Trịnh Thu Nga, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu dân số, lao động, việc làm của Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ LĐ-TB-XH) cho biết, đặc biệt, 8,5% lao động cho biết sẽ tham gia BHXH tự nguyện nếu có sự điều chỉnh, bổ sung các quy định được cho là hợp lý và nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ của ngành bảo hiểm xã hội; 80% người lao động mong muốn giảm thời gian đóng để hưởng lương hưu; 55% mong muốn thông tin tư vấn rõ ràng, cụ thể và đổi mới thủ tục đóng hưởng thuận lợi, linh hoạt như bảo hiểm thương mại…
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Lê Quân thừa nhận, hiện nhiều người dân muốn đóng BHXH tự nguyện nhưng lại ngại chờ đợi tới 20 năm sau mới được hưởng chế độ. Ông Quân cho hay: “Điểm kém hấp dẫn của BHXH tự nguyện so với các loại hình bảo hiểm tư nhân khác là BHXH tự nguyện chỉ quy định 2 chế độ hưởng dài hạn là hưu trí và tử tuất, trong khi các chế độ ngắn hạn mà người dân quan tâm như: ốm đau, thai sải thì lại không được hưởng. Nghị quyết 28 đề cập đến vấn đề giảm dần số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng lương hưu xuống 15 năm, hướng tới 10 năm với mức tính toán phù hợp, đồng thời từng bước mở rộng các chế độ hưởng của BHXH tự nguyện”.
Theo ông Đào Việt Ánh, Phó tổng giám đốc BHXH VN Nghị quyết 28-NQ/TƯ về cải cách chính sách BHXH được coi là “luồng gió mới” tạo ra một bước chuyển biến quan trọng, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước trong việc đẩy mạnh thực hiện mục tiêu an sinh xã hội, tạo động lực để phát triển bền vững đất nước.
Với vai trò là cơ quan trực tiếp tổ chức thực hiện chính sách, ông Đào Việt Ánh, Phó tổng giám đốc BHXH VN cho biết sẽ chỉ đạo BHXH các địa phương bám sát tiến độ thực hiện Nghị quyết số 102/NQ-CP về việc giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH cho các địa phương; chủ động tham mưu với cấp ủy chính quyền địa phương thường xuyên sơ kết, tổng kết, đánh giá, kiểm điểm những tồn tại, hạn chế nguyên nhân chậm phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện; đưa ra các giải pháp nhằm tăng nhanh đối tượng tham gia BHXH. BHXH các tỉnh, thành phố tiếp tục chỉ đạo mở rộng hệ thống mạng lưới đại lý thu BHXH tự nguyện, phấn đấu mỗi thôn, bản, tổ dân phố đều có điểm thu BHXH tự nguyện, có nhân viên đại lý thu. Đồng thời, hướng dẫn, tập huấn chính sách BHXH tự nguyện đối với nhân viên đại lý thu để phối hợp tuyên truyền, tư vấn đến người dân.
Theo báo cáo kết quả khảo sát của Viện Khoa học BHXH năm 2016, chỉ có 10,9% số người được hỏi sẵn sàng tham gia BHXH tự nguyện vì có đủ khả năng tài chính; 18,5% số người được hỏi cho biết sẽ tham gia BHXH tự nguyện nếu biết nhiều thông tin hơn về chính sách và có đủ điều kiện; 21,0% số người được hỏi cho biết chỉ tham gia BHXH tự nguyện nếu nhà nước bắt buộc tham gia; 38,1% số người được hỏi cho biết sẽ tham gia bảo BHXH tự nguyện nếu được nhà nước hỗ trợ mức đóng…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.