Moscow ở phía trước mũi tàu: Chào Moscow! Chào World Cup!

Đỗ Hùng
Đỗ Hùng
13/06/2018 09:10 GMT+7

Sau 17 ngày và hơn 10.000 km, cuối cùng Moscow hiện ra bên ngoài cửa sổ con tàu. Sân Luzhniki và mùa hè bóng đá, những ngày sôi động ở ngay trước mặt tôi.

Qua khỏi Novosibirsk, tôi không còn bắt gặp những cánh rừng lá kim nữa. Dãy Sayan hùng vĩ đã lùi lại phương nào xa lắc. Ở đây đồng bằng nối tiếp đồng bằng, trải dài cả ngàn cây số và trên dải đất bằng phẳng đó là những vạt bạch dương nối nhau dài vô tận, thi thoảng mới chịu giãn ra để chừa chỗ cho sông hồ, làng mạc và phố xá.
Giữa vương quốc bạch dương
Chuyến tàu tôi đi là tàu xuyên Siberia thứ thiệt, mang số 099, có ga đầu tiên là Vladivostok và ga cuối là Moscow. Tôi lên từ Novosibirsk để đến Ekaterinburg, thành phố nằm ngay ranh giới giữa hai châu lục Á - Âu; hành trình này kéo dài 22 tiếng. Ekaterinburg cũng là điểm nằm xa nhất về phía đông trong số 11 thành phố đăng cai World Cup 2018. Đến được nơi đây là coi như tôi đã chạm vào mùa hè bóng đá theo đúng nghĩa đen.
VIDEO: Tây tiến Ekaterinburg giá lạnh
Buổi trưa tàu khởi hành từ ga Novosibirsk, tôi ngồi xem cảnh phố xá lùi lại phía sau, trong khi ruộng đồng và những cánh rừng bạch dương bạt ngàn đón chào phía trước. “Bereza”, anh chàng Gustav ở giường bên chỉ ra bên ngoài, nơi những thân bạch dương ánh lên trong nắng. Tôi lặp lại “bereza” trước khi nghe anh ta nói một thôi một hồi về loại cây này, rằng đây là linh hồn của nước Nga. Tôi nghĩ thầm, anh này nói vống, thế nhưng ngày hôm sau thì tôi lại thay đổi lập trường.
Tàu chạy một hồi, tôi bèn đi ngủ sau khi thấy ra toàn cảnh lặp lại suốt một chặng đường dài: những cánh đồng, những vạt hoa vàng bồ công anh và những rừng bạch dương xanh trắng. Đến một lúc nào đó, nghe có vẻ như tàu dừng và anh bạn Gustav mang vào toa một con cá, bóc bao ni lông ăn ngon lành. Tôi nhìn ra ngoài, thấy một sân ga tràn nắng, biển hiệu cho biết đây là ga Barabinsk, chỉ là một thị trấn nhỏ ven đường. Ga tàu nằm giữa cánh đồng vàng rực hoa bồ công anh trên thảm cỏ xanh mơn man. Ở giữa vạt hoa, người ta đặt một đầu máy hơi nước và vài chiếc ghế cho hành khách ngồi nghỉ chân, hít thở khí trời trước khi tiếp tục cuộc hành trình thiên lý. Trên sân ga, một nhóm mấy bà, mấy chị tranh thủ đem đồ tới bán. Tôi đếm có bốn bà béo tròn xách từng xâu cá một nắng màu nâu đã mổ bụng làm sạch ruột, mời mọc hành khách. Tôi nhảy xuống tàu, quay phim vu vơ liền bị một bà áo xanh la lối om sòm. Về sau, hỏi chị phục vụ trên tàu, tôi mới biết người ta cấm bán cá trong sân ga nên mấy bà dễ dị ứng với cảnh quay phim, chụp hình.

Sau 30 phút, tàu tiếp tục đi về phía tây. Lại là những cánh rừng bạch dương vun vút ngoài cửa sổ. Tôi chợt nhớ ra rằng từ vài ngày qua, từ lúc rời Irkutsk, khi những rừng thông lá kim lùi lại phía sau, bất kể lúc nào nhìn ra cửa sổ tàu, tôi đều thấy những cây bạch dương thân trắng, thẳng như bạch đàn nhưng lá mỏng và nhỏ hơn.
Nhìn trên bản đồ phân bố rừng của Nga thì những cánh rừng bạch dương trải dài từ Siberia cho đến tận biên giới các nước vùng Baltic và Ukraine. Bạch dương mọc thành rừng ở chân núi, ở miền đồng bằng, bạch dương tiến tới làng mạc, đô thị làm bạn với con người. Người ta ví bạch dương như nàng thiếu nữ, tôi nghi điều này liên quan tới “làn da” trắng đặc trưng của loài cây này.
“Cây bạch dương trắng muốt/Bên cửa sổ nhà tôi/Tuyết choàng lên cành lá/Chiếc áo bạc sáng ngời”. Nhà thơ yểu mệnh Sergei Yesenin đã viết như thế về bạch dương, và không chỉ một lần: “Tôi muốn được ôm chặt, ghì sát/Những ngực trần trắng mịn của bạch dương...”. Hơn 100 năm sau, tôi qua đây bạch dương vẫn sáng ngời như trong thơ của Yesenin, như trong tranh Igor Grabar, Isaac Levitan. Nhưng không chỉ dành cho thơ họa, bạch dương còn mang lại giá trị kinh tế cao. Người Nga khai thác gỗ bạch dương để làm nhà, làm giấy, tinh dầu để làm hương liệu, chiết xuất nước từ thân bạch dương dùng để uống, làm rượu.
Tàu qua Omsk vào cuối buổi chiều, tôi xuống ga mua thêm đồ ăn để dành đấy bởi anh chàng Gustav bảo rằng Omsk là ga cuối cùng tàu dừng trên 20 phút trước khi tới Ekaterinburg vào sáng hôm sau. Sau đó tôi ngủ một giấc, sáng ra đã thấy Ekaterinburg sừng sững mà duyên dáng trước mặt. Thành phố chào đón tôi bằng cái lạnh se sắt.
Bạt ngàn bạch dương ngoài cửa sổ
'Chiều thanh vắng là đây'
Tới Ekaterinburg là đã thấy không khí World Cup. Trên sân ga cảnh sát dày đặc, hình ảnh quảng bá World Cup xuất hiện khắp nơi, một vài người dân thấy tôi lọ mọ đồ nghề trên phố, biết ngay là tôi đến đây vì World Cup. “Bóng đá, bóng đá”, họ chào như vậy, tôi gật đầu, giơ ngón tay lên: “Vâng, bóng đá dẫn dắt tôi tới đây”.

Tôi lưu lại Ekaterinburg một ngày để đi tham quan thành phố, sân vận động và gặp ban tổ chức World Cup để nhận thẻ tác nghiệp rồi lại lên đường. Chặng cuối của hành trình TP.HCM - Moscow của tôi dài gần 2.000 km, tàu chạy trong 30 giờ.
Ngồi chung phòng với tôi là Bek (thực ra là Behruz), một gã có lai lịch rất phức tạp. Anh ta vốn là dân Uzbekistan di cư tới Tajikistan, khi biết tôi từ VN đến thì đã nhắc tới trận chung kết U.23 châu Á làm tôi một phen nhói lòng. Hiện Bek làm đầu bếp ở Moscow, trong một nhà hàng mì Nhật Bản. “Vợ con tôi vẫn sống tại Tajikistan”, anh ta nói tên thành phố quê nhà là gì đấy mà tôi phải lên mạng mới dò ra được cái tên này: Qurghonteppa.
Tại Nga, đặc biệt là Moscow, dân từ các nước Trung Á vốn từng thuộc Liên Xô, như Uzbekistan, Kyrgyzstan, Tajikistan tới kiếm sống rất nhiều do điều kiện khó khăn ở quê nhà. Bek đi làm xa, khoảng 2 - 3 năm mới về quê thăm vợ con. “Mỗi lần về tốn kém lắm”, anh bảo thế. Là dân đạo Hồi, mỗi ngày đều đặn một lần, anh đóng cửa lại, leo lên giường ở tầng trên đọc kinh và vái lạy chừng 15 phút, khi tàu đang lao nhanh giữa miền bạch dương. Trong toa tôi còn có cô gái Kazakhstan tên Tanzilya, làm nhân viên bán hàng ở Moscow.
Sau Ekaterinburg, tàu đến thành phố Perm nằm giữa khoảng đứt gãy của rặng Ural, rồi tiếp tục tiến sâu vào phần châu Âu của nước Nga. Ở miền này, bạch dương vẫn bạt ngàn. Tôi nhận thấy có vẻ vỏ cây ở đây không sáng như bạch dương miệt Siberia, có thể là khác giống, có thể do thổ nhưỡng, hoặc giả sau nhiều ngày lạc vào cõi bạch dương, giác quan tôi có sự loạn nhịp nào đó.
Tác giả cùng anh chàng Bek đến từ Tajikistan
Những ngày nắng của Irkutsk, của hồ Baikal, của Novosibirsk đã lùi lại phía sau. Càng đi về phía tây trời càng âm u. Đến buổi trưa ngày hôm sau, khi nhìn ra cửa sổ, thấy mênh mông sóng nước Volga ở quãng thành phố Yaroslavl, tôi bắt đầu cảm nhận thủ đô nước Nga đã rất gần. Ấy vậy mà phải tới tầm cuối chiều thì ngoại ô Moscow mới hiện ra ngoài cửa sổ. Tiếc là chiều nay không có chút nắng nào rải trên những khoảng xanh mênh mông của cây lá. “Kìa em ngước nhìn ai đôi cặp mắt nâu huyền/Dường như bao lưu luyến mối tơ duyên/Sao không nói nên lời, trong lòng bao trìu mến/Matxcova trong chiều vắng thanh bình”, lời bài hát cứ vang lên trong tôi.
VIDEO: Không khí lễ hội bóng đá ở thủ đô Moscow
Khi Moscow hiện ra, cũng là lúc tôi khép lại một chuyến đi rất dài và vất vả. Từ ga Sài Gòn, lúc 7 giờ 04 phút ngày 26.5, tôi lên tàu SE8 để bắt đầu hành trình tới Moscow. Hôm nay tôi đã tới đây, đích đến của tôi và cũng là trái tim của mùa hội bóng đá.
Qua 17 ngày trên đường, với bao vất vả nhưng nhiều trải nghiệm nhớ đời, phút giây chạm đích có chút xốn xang khó tả.
Tôi sẽ rất nhớ mỗi nhịp rung lắc của tàu, cô phục vụ cau có trên tàu SE8, cô nhân viên xinh xinh trên tàu Z286 từ Nam Ninh đi Bắc Kinh, những gói trà sữa trên tàu xuyên Mông Cổ, và đây, những phụ nữ Nga béo tròn trên tàu xuyên Siberia.
Chia tay trên sân ga, Tanzilya và Bek đi về phía mưu sinh. Còn tôi, lại lọc cọc ba lô, máy móc đi vào ngày hội. Moscow bủa vây lấy tôi. World Cup thì đã ở trước mặt.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.