Moscow ở phía trước mũi tàu: Vượt Trường Giang, Hoàng Hà tới Bắc Kinh

Đỗ Hùng
Đỗ Hùng
06/06/2018 10:06 GMT+7

Chặng thứ ba của hành trình, chúng tôi đi tàu từ Nam Ninh tới Bắc Kinh, một hành trình xuyên qua giữa lãnh thổ Trung Quốc. Núi cao, sông rộng và những miền đất đậm dấu ấn lịch sử lần lượt lướt qua ngoài cửa sổ.

Lỡ chuyến tàu cao tốc từ ga Nam Ninh Đông đi Bắc Kinh không hẳn là một điều xui xẻo. Thay vì ngồi tàu cao tốc 13 tiếng, tôi có 23 tiếng ngồi tàu để vừa ngắm nhìn đất nước, con người Trung Quốc, vừa tương tác với cái xã hội thu nhỏ trên tàu.
Lúc 17 giờ 54 tại ga Nam Ninh Đông, tàu trôi đi nhẹ nhàng lúc nào không biết, thành Ung Châu dần lùi lại phía sau. Đây là loại tàu chạy bằng điện trên đường sắt tiêu chuẩn khổ 1.435 mm, rất êm. Tại các ga, hành khách rất đông, tôi quan sát ở ga Nam Ninh và Nam Ninh Đông bèn rút ra kết luận như thế, nhưng khách trên tàu không đông lắm. Vẫn còn nhiều giường trống vào thời điểm tôi lên nên cũng không hình dung được cuộc “xuân vận” mỗi năm của Trung Quốc khủng khiếp thế nào, khi có trên 2,7 tỉ lượt người đi lại.
VIDEO: Trạm Bắc Kinh trong hành trình
Tôi mua vé giường nằm trong một khoang có bốn giường, khá rộng rãi với chăn nệm trắng tinh như khách sạn 3 sao. Khi tôi vừa xếp hành lý xong, cô tiếp viên xuất hiện nơi cửa đưa cho tôi thẻ giường nằm. “Nếu các anh cần giúp đỡ, hãy tới phòng nhân viên ở cuối toa, ở đó cũng có máy nước nóng. Ở đầu kia toa thì có nhà vệ sinh và bồn rửa mặt”. Tôi hỏi có nhà ăn không, cô chỉ về phía đuôi tàu, bảo rằng ở toa số 13. Tiện nghi đầy đủ thế này, tôi có thể ngồi tàu tới tận Moscow, thậm chí tới tận châu Mỹ, nếu có tàu chạy được đến đó.
Moscow ở phía trước mũi tàu: Vượt Trường Giang, Hoàng Hà tới Bắc Kinh1
Khi tàu ra khỏi Nam Ninh, tôi đi dọc các toa. Tàu này cơ bản sang trọng, với phòng ốc rộng rãi, nhà vệ sinh sạch sẽ. Hôm tôi đi tàu SE8 từ ga Sài Gòn, thấy nhà vệ sinh đã được nâng cấp, không còn cảnh “tống thẳng xuống đường” như trước. Tuy nhiên, sau đó, trên chuyến tàu liên vận Gia Lâm - Nam Ninh mà tôi đã đi để vượt qua biên giới Việt - Trung, nhà vệ sinh vẫn kiểu cũ, nhìn qua bồn cầu thấy đường sắt đang “lao ngược” về phía sau vun vút chóng hết cả mặt.
Trên tàu Z286, nhà ăn đủ chỗ cho 40 người. Tôi gọi một phần ăn 35 tệ (125.000 đồng) và 1 lon bia 6 tệ (21.000 đồng). Phần ăn gồm cơm, một đùi vịt, sáu miếng chả cá, một lát trứng mỏng như tờ giấy, ít thịt gà kho và thêm phần cà rốt xào. Tôi vừa ăn xong thì tàu đến Liễu Châu, một đô thị quan trọng khác ở Quảng Tây. Từ Liễu Châu, tàu tiếp tục đi giữa vùng non xanh đang nhuốm màu hoàng hôn. Núi ở đây là loại núi đá lởm chởm nhấp nhô kiểu vịnh Hạ Long chứ không đồ sộ như dãy Alps mà trong quá khứ, mỗi khi đi tàu từ Zurich xuống Bellizona và Locarno ở miền nam Thụy Sĩ tôi đều có cảm giác ngộp thở.
Trời tối rất nhanh khi tàu đang tiến về phía Quế Lâm, một trong bốn thành phố được liệt vào danh sách bảo vệ đặc biệt về di sản văn hóa và lịch sử, cùng với Bắc Kinh, Tô Châu, Hàng Châu. “Thượng hữu thiên đàng, hạ hữu Tô Hàng”, người Trung Quốc có câu này để nói về Tô Châu, Hàng Châu như thiên đàng hạ giới.
Trời tối hẳn, bên ngoài cửa sổ là một khoảng không gian bao la, vô tận, xa xa đèn nhà ai vừa thắp lên dưới chân đồi. Núi xanh giờ trở thành những gã khổng lồ im lìm màu đen hiện lên sừng sững ở hai phía thân tàu. Tôi ngồi nói chuyện với một anh chàng đi từ Liễu Châu xuống Vũ Hán. Tôi bảo anh ta rằng tôi có bạn ở Vũ Hán, ý nhắc đến anh chàng Zhou mà tôi quen trên chuyến tàu liên vận từ Gia Lâm đi Nam Ninh của đêm hôm trước và tôi cũng biết đến Hoàng Hạc Lâu qua bài thơ hồi học phổ thông. Hoàng Hạc Lâu ở Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc), anh chàng Zhou hôm trước cũng ở Vũ Hán và anh chàng tôi mới gặp hôm nay cũng ở Vũ Hán. Đôi khi cuộc nói chuyện bắt đầu bằng cái cớ không đâu vào đâu, nhưng đấy là một phần của những cuộc gặp không hẹn trước và cũng chẳng hẹn gặp lại trên những chuyến tàu.
Tôi hỏi anh làm sao để vào mạng wifi trên tàu, anh ta kiểm tra một lát rồi bảo: “Mạng trên tàu yếu lắm, nhưng nếu anh muốn thì mở WeChat rồi quét mã QR này.” Lại WeChat, hèn gì hôm trước anh chàng Zhou bảo cứ cài WeChat là ổn. Càng đi sâu vào Trung Quốc, tôi càng nhận ra rằng hóa ra người ta vẫn có thể ổn khi không có Facebook, Gmail, mà “người ta” ở đây là gần 1,4 tỉ dân cơ đấy. Tất nhiên với tôi thì không ổn chút nào, sau khi tới cửa khẩu Bằng Tường, bắt đầu bước đi giữa bốn bề Vạn lý Tường lửa, coi như tôi bị mất một phần “năng lực hành vi”. Không Facebook, Gmail, Google Maps, tìm kiếm thì phải chuyển qua Bing, gọi điện thì chuyển qua Skype... mới thấy rằng lâu nay mình bị phụ thuộc vào internet và “ứng dụng” đến mức nào. Sự phụ thuộc đó đã khiến tôi đánh mất nhiều kỹ năng, từ xác định phương hướng cho đến khả năng ghi nhớ.
Tới mỗi ga, tàu dừng chừng 10 phút. Thi thoảng tôi tuột xuống, quay phim trên sân ga hoặc thực hiện một đoạn quay có hiện dẫn, nói rằng mình đã tới nơi này, nơi nọ.
Đường còn dài, sự háo hức còn nguyên
Chạy lên chạy xuống cũng mệt, tôi quyết định lên giường đọc sách, được tầm 10 trang thì ngủ thiếp đi lúc nào chẳng hay. Đó là một đêm ngủ rất ngon, phần vì tàu chạy êm, phần bởi tôi mệt sau khi gần như đi một mạch từ TP.HCM sang tới Nam Ninh, bao gồm một đêm trắc trở ở Quảng Nam. Sáng ra thức dậy, nhìn qua cửa tàu thấy bát ngát Hán Thủy, Trường Giang. “Quê hương khuất bóng hoàng hôn/Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai” (Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu, Tản Đà dịch). Hoàng hôn cổ nhân mênh mang buồn ly biệt, còn tôi đến đây trong thời khắc khởi sự một ngày mới với nhiều bất ngờ đón đợi thì có gì đâu mà buồn.
Sau Vũ Hán, tàu tiến lên phương bắc, tới Trịnh Châu bên bờ Hoàng Hà. Theo sử liệu, hình thái dân cư đầu tiên của thành phố này bắt đầu từ 10.000 năm trước nhưng qua cửa sổ con tàu, tôi nhìn ra một Trịnh Châu trẻ trung, hiện đại. Ga tàu ở đây, cũng như những nơi tôi đi qua, có cả tiếng Trung lẫn tiếng Anh trên bảng chỉ dẫn, với tầm mức phổ biến hơn nhiều so với những lần trước tôi đến Thượng Hải và Trạm Giang. Mở lòng ra với thế giới là một yêu cầu và là nhu cầu, kể cả đối với thực thể 10.000 năm tuổi.
Xế chiều, tàu dừng lại một thành phố có cái tên nhuốm màu xưa cũ, cứ như thể là ngôi làng nằm đâu đó dưới chân Thái Hành Sơn. Thạch Gia Trang khởi thủy là làng, đã vươn mình trở thành đô thị sầm uất kể từ khi đường tàu được xây dựng qua đây vào thập niên 1950. Cho đến Thạch Gia Trang, tôi nghiệm ra rằng đa phần các chung cư ở ngoại ô các thành phố lớn đều y hệt nhau, cứ như thể người ta dùng cùng một bản vẽ rồi in 3D hàng loạt vậy. Những căn hộ tầm 20 tầng, màu cà phê sữa hoặc nâu sậm, thẳng tuột từ dưới lên trên, trông tẻ nhạt và không hiểu sao làm tôi liên tưởng tới những tòa nhà tập thể kiểu Liên Xô.
Qua Bảo Định khoảng 2 tiếng, đã thấy Bắc Kinh sừng sững trước mặt. Thoạt tiên, Bắc Kinh là một tháp chùa nhiều tầng nằm kế bên đường tàu, tiếp theo là những bãi đất chuẩn bị xây dựng được phủ bạt lên cho khỏi bụi. Tiếp đó là những khẩu hiệu to đùng bằng tiếng Trung và tiếng Anh. Tàu lướt đi giữa những tòa nhà của đô thị đông dân nhất nhì hành tinh của quốc gia đông dân nhất hành tinh. Một chốc sau, ga Bắc Kinh Tây đã ở ngay trước mặt. Đó là một ga rất đông đúc, được kiểm tra an ninh nghiêm ngặt như ga tàu ở Mỹ. Ngay ở Paris trong những ngày nước Pháp giới nghiêm do khủng bố và để bảo vệ Euro 2016 cũng không kiểm tra như thế này.
Đến Bắc Kinh, chúng tôi dự định sẽ nghỉ lại một vài ngày, đi thăm những Thiên An Môn, Tử Cấm Thành, Di Hòa Viên, Bắc Hải Viên, Vạn Lý Trường Thành... trước khi tiếp tục ngược lên phương bắc, lên vùng đại mạc mênh mông nắng gió và những thảo nguyên từng in vó ngựa Thiết Mộc Chân.
Đường vẫn còn dài và sự háo hức vẫn còn nguyên… 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.