Cánh đồng chết
Đi dọc theo bờ ruộng lúa khô khốc, chết dần trên ruộng ở vùng ven đầm Lâm Bình (xã Phổ Cường, TX.Đức Phổ, Quảng Ngãi), ông Võ Cương (Phó chủ tịch UBND xã Phổ Cường) vạch chân lúa đã có bông rồi thông báo: "Chân ruộng còn ẩm, chỉ 1-2 đợt nước nữa là có ăn rồi".
Ông Cương bảo, đám ruộng này chưa chết là nhờ người dân chạy mô tơ, đưa nước từ giếng nhà cách đây hàng trăm mét để cứu lúa. Ở xung quanh đây, nhìn những đám lúa đã cúi bông, nông dân đều làm như vậy.
Người nào có ống nhựa dài để bơm thì nước đỡ thất thoát. Nếu bơm nước chảy qua mặt mương nội đồng khô khốc, 2 phần nước đã thấm vào lòng đất, phần còn lại mới vào ruộng, nên có khi tiền điện bơm nước còn nhiều hơn cả tiền lúa bán cả đám ruộng. Thế nhưng, họ cũng phải làm, bởi thấy lúa trổ bông, ngậm sữa mà không có nước tưới, xót lòng.
|
|
Cả cánh đồng hàng trăm ha đều như vậy, từ lúa ngậm sữa hoặc ngắn ngày hơn đã chết đứng trên đồng. Phía trên, nắng gay gắt như đổ lửa.
Quanh các kênh mương nội đồng, ốc và cá chết khô. "Ham chi ba miếng ruộng đầm/Nắng lên thì hóp, mà mưa dầm thì mất ăn". Hai câu hát hố dân gian mà dân xã Phổ Cường nói về cái đầm Lâm Bình này là vậy.
Đầm rộng khoảng hơn 400 ha. Mùa mưa, nước đầm mênh mông, nông dân mưu sinh bằng cách đánh cá, hải sản. Mùa nắng, vùng triền ven đầm này sản xuất lúa đông xuân và đến vụ hè thu thì cả triền lẫn trong hồ đều sản xuất lúa.
|
Ông Huỳnh Đình Chạm (ở xã Phổ Cường) ngày nào cũng lang thang qua những cánh đồng cháy nắng dưới trời chiều. "Người trẻ bỏ quê đi, người già bám lại quê, bám nghề nông, làm ruộng mà ruộng vầy thì đói thôi chứ biết làm gì ăn", ông Chạm than.
"Các năm trước, xã Phổ Cường sạ 1.100 ha lúa hè thu. Năm nay chưa phải là cao điểm của nắng nóng, nhưng sông, suối trên địa bàn đã cạn khô, phải bỏ hoang 700 ha ruộng lúa, còn 400 ha ruộng ở đầm Lâm Bình này đang có nguy cơ chết đứng trên đồng", ông Cương cho biết.
|
|
Trong 400 ha lúa ở đầm Lâm Bình, có gần 100 ha lúa đông xuân đã thu hoạch, không sản xuất lại được, còn lại là diện tích lúa đang trổ, ngậm sữa, lúa sạ 1 tháng… đang chết dần chết mòn trên đồng. Hiện nay, nếu nước về từ 10 - 15 ngày mới cứu được lúa.
Vừa qua, xã Phổ Cường xin đưa nước về 5 ngày, cấp trên chỉ cho 3 ngày. "Với chừng này nước, xã tập trung cứu một số diện tích đã trổ đều bông và lúa đã cúi, còn lại đành bỏ chết. Tuy nhiên, đến hết tháng 5, nếu không mưa, khó mà cứu được lúa trổ bông kia", ông Cương cho biết.
'Không có nước thì đi... bán hủ tíu'
Bà Dương Thị Thúy (ở thôn Mỹ Trang, xã Phổ Cường) vài tháng nay khốn đốn do không có nước cho cả nhà, gia súc và gia cầm. Cái giếng đóng sâu đến gần 50 m, giờ mỗi ngày vét được vài lít nước, lại bị nhiễm phèn, không thấm gì so với cơn khát của bò, heo và đàn gà nuôi.
"Mình thì đi chở thùng về nấu nướng, giặt đồ đạc, còn bò, heo, gà thì mỗi ngày cho uống một lần", bà Thúy nói.
Ông Dương Hiển Bình, cùng thôn bà Thúy cũng khó không kém: 5 sào lúa đã bỏ hoang, lại thêm 2 cái hồ nuôi cá đã trơ đáy.
Các năm trước, ông Bình kiếm được 40 - 50 triệu đồng/năm ở ao cá này, chưa kể tận dụng nuôi đàn vịt. Chỉ xác cá, ốc chết phơi mình la liệt, vài con cá rô ngáp chết dưới lớp bùn, ông Bình thở dài, đi xuống hồ vét mấy cọng rau muống còn sót lại, vài con cá rô giãy giụa dưới bùn non mang lên bờ, tiếc đứt ruột gan.
|
Thống kê sơ bộ của UBND xã Phổ Cường, đến giờ có khoảng vài trăm hộ thiếu nước sinh hoạt cục bộ. Cách cứu khát duy nhất là đóng giếng, nhưng không phải dễ.
Năm 2019, chính quyền đóng cho dân 2 cái giếng, nhưng phải khoan sâu 80 mét, còn người dân bỏ tiền ra đóng 10 cái giếng nữa. Có nơi, khoan xuống gặp toàn đá bàn đành bó tay. Hoặc nhiều nơi như cánh đồng ở đầm Lâm Bình, khoan mấy mét, nước mặn đã xì lên, không thể nào tưới, uống được.
"Đến hết tháng 5, nếu không có mưa, sẽ xin nước về thả xuống suối, ao cho dân sinh hoạt. Không có nước, dân của xã bơm tát, làm mọi cách cứu khát, cứu lúa. Còn không, chỉ còn cách đi… bán hủ tíu thôi. Ở đây sống chủ yếu nhờ cây lúa, giờ lúa má kiểu này, hàng ngàn lao động chắc phải du Nam mưu sinh thôi", ông Cương buồn thiu.
Ông Võ Minh Vương (Phó chủ UBND TX.Đức Phổ) cho biết, toàn huyện có 1.200 ha bỏ hoang, không sạ được, chủ yếu rơi vào xã Phổ Cường. Hiện đang gieo sạ 3.500 ha lúa vụ hè thu, nhưng chỉ đạo người dân thực hiện tưới luân phiên, khuyến cáo dân tiết kiệm, chia sẻ, người đầu nguồn tiết kiệm nước để giúp người cuối nguồn cùng hưởng lợi. Nhiều diện tích khuyến cáo, nếu chủ động được nước mới sạ lúa, nếu không chuyển sang trồng đậu, mè, bắp… và thị xã sẽ hỗ trợ 50% giống. Ông Nguyễn Mậu Văn (Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ngãi) cho biết, cả tỉnh Quảng Ngãi có gần 1.400 ha phải bỏ hoang trong vụ lúa hè thu. Ngành NN-PTNT tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu các địa phương rà soát từng vùng, từng tiểu vùng, để bố trí diện tích sản xuất không vượt quá năng lực phục vụ của các công trình thủy lợi. Để có kinh phí phòng chống hạn, tỉnh Quảng Ngãi đã xin các bộ, ngành trung ương hỗ trợ 150 tỉ phòng chống hạn, xâm nhập mặn, cấp nước sinh hoạt cho dân. |
Bình luận (0)