Giữa đêm đi trả lại tiền, vàng
Kết thúc một ngày đi thu mua phế liệu nhưng chẳng có hàng nhiều, anh Lư Ngọc Duy (32 tuổi, ở thôn 6, xã Đức Nhuận, H.Mộ Đức, Quảng Ngãi) rệu rã dắt bộ chiếc xe máy cũ mèm, bị hỏng máy đi trên QL 1A. Đang rầu, nghĩ ngày mai lấy tiền đâu mua rau mắm cho cả nhà, thì anh Duy thấy một chiếc tủ sắt cũ đã mục để ngay trước nhà một gia đình.
"Người ta bán, mình mua về chắc kiếm được ký gạo, mớ rau", anh Duy nghĩ bụng rồi dừng xe lại hỏi. Chủ nhà ấy liền vui vẻ bán với giá 20.000 đồng.
Sửa xe xong, anh Duy chở cái tủ sắt ấy về nhà. Lúc khui tủ sắt, anh Duy thấy có một túi ni lông đen, mở ra thấy tiền và vàng rơi xuống. Không đắn đo, anh Duy cùng người nhà quyết định mang đến công an xã trình báo để trả lại tiền, vàng cho chủ tủ sắt này.
|
Lúc 20 giờ 30 tối 26.4, ông Phạm Nê (Trưởng công an xã Đức Nhuận) tiếp một khách muộn, đó là anh Lư Công Duy. Anh trình báo mình mua phế liệu, phát hiện túi ni lông đen đựng đầy tiền mặt và vàng, "sợ" quá nên đến nhờ công an xã giúp.
“Cháu không dám mở ra vì sợ mang tiếng tham. Nhờ chú mở ra coi rồi trả lại chủ nhân của nó. Bị mất của, chắc họ đang xót của lắm", anh Duy trình bày với ông Nê.
Ông trưởng công an xã bán tín bán nghi, mở gói ni lông ra rồi choáng váng khi thấy số tiền khá lớn đối với một vùng quê nghèo: 180 triệu đồng tiền mặt, còn các loại nhẫn, vòng vàng tổng cộng hơn 1,3 lượng.
Sau khi kiểm đếm, ngay trong đêm, ông Nê đã đưa anh Duy đến trao cho gia đình mất của nguyên vẹn số vàng và tiền.
Cầm số tài sản xem như đã bị mất, giờ bỗng nhiên trở về, vợ chồng anh Nguyễn Tiến Phúc và chị Đinh Thị Nữ (cùng ở xã Đức Nhuận) nghẹn ngào. Chị Nữ nói: “Lúc phát hiện mất của, vợ chồng tôi như người mất hồn, mà giờ nhận lại của cũng như người mất hồn, vì không tin người ra trả lại cho mình. Tiền, vàng ấy, là từ hơn 10 năm làm thuê ở các lò gạch, vợ chồng tôi dành dụm được, cất vào tủ sắt này".
Mấy ngày nay chị Nữ tính lấy tiền ra sửa lại nhà, phần còn lại để dành nuôi 2 con ăn học. Ai ngờ khi chị Nữ đi làm, anh Phúc lại mang tủ đi bán cho đỡ… chật nhà. “Nếu là người khác thì coi như tui mất trắng. Phúc đức lắm mới gặp được anh Duy. Tấm lòng của anh thật đáng quý! Tôi không biết nói gì hơn ngoài lời cảm ơn”, chị Nữ rưng rưng nói.
Nghĩa cử của một người nghèo, bệnh tật
Ông Phạm Nê nói rằng, ông làm cán bộ ở xã đến nay đã 22 năm, chứng kiến việc người dân trình báo nhặt được của rơi cũng nhiều, nhưng vài trăm nghìn hay vài triệu đồng là cùng. Lần này, trường hợp anh Duy, một hộ nghèo, nhặt được số tiến lớn ngần ấy, lại tự nguyện mang đi tìm chủ trả lại, thì là lần đầu tiên và rất đáng khâm phục. Ông Nê bảo, người giàu có, bình thường thì khác, còn như anh Duy, lại càng quý hơn.
Đến nhà anh Duy, hỏi chuyện bà con hàng xóm, mới biết đời sống khốn khó của anh thanh niên này. Vốn bị bệnh tim bẩm sinh, hằng ngày anh Duy "cày" trên chiếc xe cũ mua bán ve chai nuôi mẹ già 70 tuổi, vợ thì thất nghiệp, vừa sinh con nhỏ; đứa con lớn 7 tuổi thì bị bị tự kỷ thể tăng động.
Bà Lê Thị Huệ, mẹ anh Duy cho biết, anh Duy mua bán ve chai, lời được 50.000 - 70.000 đồng/ngày, đủ mua rau mắm nuôi cả nhà. Cũng theo bà Huệ, anh Duy bị bệnh hở động mạch vành tim từ năm anh 13 tuổi, thường hay khó thở rồi ngất xỉu. Thương con nhưng vì chẳng có tiền để làm phẫu thuật nên bà Huệ ứa nước mắt nhìn con sống chung với bệnh tật triền miên.
Thật ra, năm 2004, bà Huệ dã bán nhà ở TT.Mộ Đức, H.Mộ Đức để chữa bệnh cho con, giành giật sự sống với thần chết. Từ khi đó, gia đình bà phải khăn gói đi ăn nhờ, ở đậu nhà họ hàng vì chẳng còn nhà để về nữa. Căn nhà bây giờ đang tá túc là nhà Đại đoàn kết do xã xây cho, nhiều năm nay cũng ọp ẹp. Đến hôm nay, dù bác sĩ dặn sau mổ, phải tái khám 6 tháng/lần ở TP.Hồ Chí Minh, nhưng nghèo quá, lo đủ cơm, gạo đã toát mồ hôi, nên anh Duy không thể xoay sở tiền để kiên trì điều trị. Thay vì đi tái khám, thì khi mệt, anh Duy nhờ người chở đi khám và xin thuốc ở Bệnh viện tỉnh Quảng Ngãi.
Vì sức khỏe yếu, nên sau khi được mổ tim, anh Duy không thể làm công việc nặng, đành vì gánh nặng gia đình, xoay xở đi thu gom rác, thu mua phế liệu trong vòng hai năm nay. Cũng kết hôn và sinh con như bao người khác, nhưng số phận vẫn chưa thể mỉm cười với anh: Một nửa số người trong gia đình cùng bị bệnh tật.
Bà Phạm Thị Minh Nghĩa, cán bộ Hội LHPN xã Đức Nhuận, là một trong những người thường xuyên gần gũi với hoàn cảnh vợ chồng anh Duy, chia sẻ: “Gia đình Duy là một trong những gia đình khó khăn nhất của xã. Thế nhưng, vượt qua tất cả, anh và người thân vẫn đang sống với thái độ vô cùng lạc quan, tích cực. Mỗi ngày, sau khi giúp cha mẹ già và vợ làm công việc nhà và đồng áng, anh lặng lẽ dắt xe rời nhà tiếp tục công cuộc mưu sinh mệt nhọc.”
"Sao không giữ lại số ấy để lo cho mình, cho cả nhà?", chúng tôi hỏi anh Duy. Anh cười hiền, trả lời: “Sao giữ lại được. Mình có hồi mất có 500.000 đồng, mất ngủ cả tháng. Họ mất hơn 200 triệu đồng sẽ như thế nào nữa. Số tiền lớn, nhưng chẳng phải mình làm ra, mình giữ cũng chẳng có ý nghĩa gì hết!”
Tối 27.4, ông Huỳnh Văn Ảnh, Chủ tịch UBND xã Đức Nhuận, cho biết, sáng 28.4, xã sẽ tổ chức tặng giấy khen và biểu dương gương người tốt việc tốt cho anh Lư Ngọc Duy. Ông Ảnh tỏ ra vô cùng xúc động rồi nói: "Em Duy quá thật thà, tốt bụng. Thực chất, gia đình người mất của cũng không biết mình có bao nhiêu vàng, tiền trong ấy. Còn em Duy, khi phát hiện tiền, vàng, lại ôm đi hết để trả cho người ta. Đây là trường hợp đầu tiên trên địa bàn xã có người nhặt được số tiền có giá trị lớn như vậy và đã tự nguyện trả lại cho người mất. Trong khi gia đình anh Duy thì nghèo, bản thân bị bệnh, rồi đến mẹ, con trai cũng bệnh. Vậy mà em ấy lại có hành động thật đáng trân trọng, đáng quý!”.
|
Bình luận (0)