Los Angeles ngày…, khát khao của con...
Bố đã ngủ chưa! Con vừa từ phòng thu về nhà. Những lúc như thế này con lại thấy nhớ Bố. Lúc này, Bố có đang trên phòng thu làm việc không nhỉ? Mẹ thường kể, những khi không phải chạy show mẹ vẫn nằm nhìn về ánh đèn hắt ra từ ô cửa phòng thu để thức chờ Bố. Nhiều năm sống cạnh Bố, ánh sáng phòng thu đã trở thành đèn ngủ thân thuộc của mẹ.
Con vẫn rất thích hát. Lúc rảnh con hát, tập guitar và sản xuất nhạc cho dự án solo mới của mình. Nhưng chỉ những khi con ở trong phòng thu và mix (phối - PV) một bài hát, cũng như Bố, con mới được là chính mình, làm đến quên cả thời gian. Con nhận ra khát khao của con là trở thành một nhà sản xuất âm nhạc, như chính công việc bố đang làm....
|
Los Angeles ngày…, Bố mãi là người Thầy…
Bố ạ! Con chúc mừng Bố Mẹ và các chú trong ban nhạc ngày hôm nay chính thức công bố đĩa Chat với Mozart 2. Tiếp tục là một “đứa con tinh thần” tâm huyết của Bố sau 13 năm ấp ủ.
Bố nhớ những ngày đầu con chập chững sang đây học không? Con đã rất hứng thú chia sẻ những gì con học được với bố. Tất nhiên toàn là những thứ mà bố đã biết rồi. Càng học con càng thấy nể phục Bố hơn vì Bố đã tự học về tất cả mọi thứ liên quan đến công việc phòng thu qua sách. Con vẫn nhớ Bố đọc say sưa từ đầu đến cuối, rồi tự mày mò.
Là một nhà sản xuất, Bố đã thay đổi thành công hướng nhạc cho mẹ. Người ta thậm chí từng khép cho Bố tội "hủy hoại diva”. Con luôn cảm thấy hãnh diện khi Bố là một trong những người đầu tiên mang một làn gió mới vào đời sống âm nhạc Việt Nam, trái sở thích và thẩm mỹ của số đông khán giả. Đó không phải là một điều dễ làm.
Hai năm ở Los Angeles con học được cách làm việc, về thị trường âm nhạc, nhạc phim cho đến những bài học về chính bản thân mình. Mỗi khâu trong chuỗi sản xuất âm nhạc đều buộc phải tính toán kỹ lưỡng và bài bản. Ngày làm việc của con kéo dài từ 10 - 12 tiếng. Lúc nào con cũng thấy mình như đang trong một cuộc đua, chỉ cần lơ là sẽ bị tụt lại phía sau. Con chỉ là một con cá nhỏ trong biển rộng. Bố mãi là người Thầy của con...
Bố là bài học về tính kiên trì. Sau này khi đã bắt tay vào công việc của một kỹ sư âm thanh, con mới hình dung những khó khăn của Bố khi làm sản xuất ở Việt Nam. Gu thưởng thức, bản quyền đặt ra nhiều thách thức cho những nhà sản xuất âm nhạc đương đại. Chúng ta chưa có thị trường âm nhạc đúng nghĩa. Nhưng con nghĩ thế hệ của Bố đã giúp gây dựng một môi trường âm nhạc tốt hơn cho thế hệ trẻ, trong đó có cả con...
|
Los Angeles ngày…, cảm ơn gia đình
Bố ạ, ngày hôm nay con nhận được vô số lời chúc mừng ở nhà... sau chia sẻ của Mẹ trên trang cá nhân về việc con và nhạc phim Frozen 2. Con cảm ơn Mẹ! Nhưng con phải giải thích rõ hơn là con không phải người mix phim nhé! Trong một bộ phim có rất nhiều kỹ sư mix. Lần này con mix và edit (chỉnh sửa - PV) nhạc của 10 thứ tiếng (trong đó có cả Frozen tiếng Việt).
Tối nay, Mẹ nhắn cho con kể về không khí thật vui và ấm áp ở nhà. Mẹ bảo, hôm nay cả nhà quây quần chúc mừng Anna, Bố nghẹn ngào đấy. Bình thường, Bố là người ít khi bộc lộ cảm xúc. Bố ít cười, người khác thường nghĩ Bố khô khan và có phần khó tính. Con cảm thấy mình cũng lặng đi một lúc.
Mẹ vẫn hay nhận xét, Bố luôn dành tình cảm cho Anna nhiều nhất, vì Anna là con đầu. Thế nên khi Anna quyết định theo học để trở thành nhà sản xuất, Bố đã rất lo lắng. Nhưng phản ứng của Bố giống lo ngại hơn là phản đối.
|
Los Angeles ngày…, con vừa trải qua một ngày thấm mệt, Bố ạ!
Tuần này con làm cả bảy ngày. Sẽ còn như vậy đến hết tháng hai. Nhiều dự án mới con không được phép nhắc tên. Năm nay con cũng tham gia sản xuất một số dự án riêng của các nghệ sỹ indie (nghệ sĩ độc lập - PV). Con thức nhiều đêm trắng, ngồi lì trong phòng thu. Con đã hiểu vì sao Bố lại lo lắng khi con chọn theo nghề này. Nó đòi hỏi quá nhiều: khả năng bao quát, sự hiểu biết sâu sắc về âm nhạc lẫn kỹ thuật phòng thu, tư duy nghệ thuật lẫn tư duy thị trường… Và quan trọng là phải chịu trách nhiệm từ đầu đến cuối mọi công đoạn hoàn thiện sản phẩm.
Nhiều lúc con tưởng mình sắp bị đánh bại vì sức nặng của công việc. Nhưng con hiểu để trở thành nhà sản xuất giỏi, cần sự chuyên nghiệp. Chuyên nghiệp tức là theo đuổi đến cùng.
Los Angeles ngày…, không có gì mà phụ nữ không làm được, phải không Bố!
Thực ra, trước khi đến Berklee, con chưa từng được gặp hay biết đến một người phụ nữ nào làm nghề sản xuất và kỹ sư âm thanh này. Con không hề nghĩ có một ngày mình rẽ hướng đó... Nhưng khi vào phòng thu xem bạn bè làm dự án của trường, con nhớ mình đã hứng thú đến thế nào. Không phút chần chừ, con đã nộp hồ sơ để vào được khoá học Music Production and Engineering.
Con có ước mơ cho riêng mình - trở về Việt Nam đào tạo thêm những người phụ nữ làm sản xuất và kỹ sư âm thanh. Không phải ngẫu nhiên mà rất ít phụ nữ lựa chọn công việc như bố đang làm và con đang theo đuổi.
Tại Mỹ, Grammy foundation thống kê rằng phái nữ chỉ chiếm gọn 2% trong danh sách làm nghề. Con nghĩ, con số đó cần phải tăng lên ở khắp nơi.
Bố bảo con say mê thì cứ làm thôi. Không có gì mà phái nữ không làm được, phải không Bố? Con tin rằng đó sẽ là một điều tích cực để phát triển công nghiệp âm nhạc Việt Nam trong tương lai, như Bố đã từng.
Tại thời điểm đang là ca sỹ đầy triển vọng nhờ bệ đỡ của bố mẹ (nhạc sỹ Trương Anh Quân và diva Mỹ Linh), Anna Trương quyết định du học và chọn khoa Music Production and Engineering (đào tạo về sản xuất âm nhạc - PV) tại Berklee College of Music. Cú rẽ đó khiến ngay cả Anh Quân cũng bất ngờ và lo lắng.
Chọn một công việc vất vả với phụ nữ, Anna Trương muốn bơi ra biển để mặn mòi hơn, để làm gì đó cho nhạc Việt - như bố đã làm.
Anna lúc này đã tốt nghiệp và trở thành kỹ sư âm thanh cho Igloo Music. Phòng thu nổi tiếng nước Mỹ này từng đạt được 24 giải Grammy.
|
Bình luận (0)