Bầu cử tổng thống Mỹ luôn là cột mốc lịch sử lớn của nước này. Mỹ là cường quốc nên chính sách chính trị, kinh tế… của tổng thống mới và ban nội các… có ảnh hưởng sâu sắc đến các quốc gia khác trên toàn thế giới.
Trong 4 năm làm ông chủ Nhà Trắng, Tổng thống Donald Trump - một người không có kinh nghiệm chính trường, từng bị đánh giá thấp năm 2016 đã làm nên một kỳ tích ngoạn mục: thay đổi nhiều các chính sách kinh tế, chính trị, đối ngoại, đối nội… ví dụ như chính sách cứng rắn đánh thuế vào mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và khuyến khích người dân Mỹ dùng đồ Mỹ “Made in America”.
Được xem là một làn gió lạ trên chính trường Mỹ, ông Trump với những phát ngôn “thẳng như ruột ngựa” và cách ban hành các nghị định, luật dưới dạng “executive order” (lệnh tối cao từ Nhà Trắng, không cần đợi quốc hội bỏ phiếu) làm cho dân Mỹ yêu ghét rõ ràng với ông.
|
Những cử tri ủng hộ ông thì quyết "sống chết" cùng ông, còn những người không thích thì sẵn sàng bỏ phiếu cho ông Joe Biden hay bất cứ một ứng viên nào khác miễn không phải là Trump với tuyên bố “Vote him out”. Sự khác biệt về các chính sách Covid-19, một vấn đề rất nhức nhối bây giờ ở nước Mỹ cũng là cơ sở cho các cử tri chọn lựa tổng thống của họ.
|
Lượng người bỏ phiếu sớm ở New York năm nay ở mức kỷ lục, dòng người xếp hàng để bỏ phiếu kéo dài hàng chục dãy phố. Các học sinh, giáo sư, nhân viên Đại học Brooklyn đã bỏ phiếu từ sớm, còn hô hào gia đình và bạn bè đi bỏ phiếu. Thậm chí còn khuyến khích cho học sinh nghỉ học để đi bầu cử ngày 3.11.
New York: Ủng hộ ông Trump vì muốn trở lại trường
Giới doanh nhân New York rất thích ông Trump vì họ tin rằng các chính sách của ông hữu ích cho kinh tế từ kinh nghiệm của một doanh nhân lâu năm.
Anh Mike (46 tuổi) - chủ cây xăng ở Long Island, bang New York hơn 20 năm nói: “Cả gia đình tôi đều bỏ phiếu bầu cho Trump. Các chính sách thuế của ông ấy rất tốt cho việc kinh doanh cây xăng”.
|
Cô Sarah (39 tuổi ) - giáo viên hợp đồng (adjunct faculty) của trường Đại học bang SUNY Old Westbury rất mong trường mở cửa lại để được gia hạn hợp đồng vào năm sau “vì nếu không tôi phải thất nghiệp vào năm sau dù đã có tấm bằng tiến sĩ. Cả năm nay, trường đại học và cao đẳng cộng đồng bang New York học trực tuyến nên khoảng 25% đến 100% các giáo viên bị cắt hợp đồng. Tôi mong ông Trump thắng cử để mở cửa lại nền kinh tế.”
Anh Jason Chan (43 tuổi) - giám đốc tài chính ngân hàng thì thổ lộ: “Kinh tế New York xuống quá mức. Cướp bóc đập phá ngang nhiên khắp Manhattan hồi tháng 5 - 6 thật sự quá mức tưởng tượng vì ẩn nấp dưới dạng biểu tình không được kiểm soát. Tôi lo lắng đêm bầu cử và nhiều ngày sau sẽ là những ngày không an toàn.”
Các em học sinh đại học Brooklyn cũng không còn ủng hộ đảng Dân Chủ như trước: “Em muốn quay lại trường học. Em trước dây làm việc bán thời gian ở trường mà giờ thất nghiệp do trường đóng cửa từ tháng 3.”
Các khu của người Do Thái như Midwood và Borough Park treo đầy các bảng “Trump 2020 ”. Đây là một hiện tượng là vì trước đây New York là đại bản doanh của đảng Dân Chủ.
Houston: Ngay trong gia đình chia làm 2 phe
Cộng đồng người Việt định cư tại Houston (Texas) chưa bao giờ phân hóa sâu sắc như lần bầu cử Mỹ 2020 này. Ngay trong cùng một gia đình, cùng một nhóm bạn bè cũng có những quan điểm khác nhau.
|
Em Jenny Nguyễn (25 tuổi) sinh ra ở Mỹ chia sẻ: “Em chở ba đi bầu sớm (ngày 28.10) ba em bỏ phiếu cho Trump còn em ủng hộ Biden. Cô chú em ai cũng bỏ phiếu cho Trump còn tụi trẻ chúng em thì ủng hộ Biden”
Gia đình ông bà Thuận - Nga kinh doanh nhà hàng quán ăn cả gia đình cũng chia làm 2 phe, ông bà ủng hộ Trump vận động bạn bè đi bỏ phiếu cho ông Trump còn các con lại bỏ phiếu cho ông Biden.
Gia đình bác sĩ Hùng Cao luôn ủng hộ các ứng cử viên đảng Dân Chủ. Năm nay, gia đình họ cũng bỏ phiếu cho ông Biden vì họ đồng tính với “chính sách ông Biden bảo vệ quyền lợi của người nghèo ở Mỹ”.
Anh Trung (44 tuổi) - chủ tiệm cắt tóc cùng tên ở khu Bellaire nói: “Khu shopping này cuối tuần nào cũng tổ chức sự kiện ủng hộ Trump. Người Việt bên Houston công khai ủng hộ đảng Cộng hòa bao năm này. Lần này lại khác, nhiều cử tri Việt có chút tiếng tăm trong cộng đồng ra mặt ủng hộ đảng Dân chủ… Nên cộng đồng mình cũng có chút xào xáo”.
|
Ngày 3.11 là 24 giờ căng thẳng của ngày bầu cử và kiểm phiếu. Bầu cử tổng thống Mỹ là dịp để mọi người cá cược như là các sự kiện thể thao. Người dân Mỹ thích tụ tập tại nhà hay quán bar để xem kết quả. Năm nay vì lệnh giãn cách xã hội nên không khí xem bầu cử tại các quán cũng khá yên tĩnh.
Nhiều người còn chọn phương pháp an toàn là xem bầu cử cùng bạn bè hay gia đình qua Zoom hay Facetime. Họ vừa bàn tán rôm rả về kết quả bầu cử qua mạng trực tuyến, vừa xem qua màn hình ở nhà.
Bình luận (0)