Ngày Tết, nữ CSGT TP.HCM kể chuyện đo nồng độ cồn: ‘Dân nhậu xin tha thứ cho anh’

15/02/2021 08:03 GMT+7

Khi đo nồng độ cồn, nữ CSGT TP.HCM không khỏi lo lắng, thậm chí khó chịu khi mùi bia rượu phả thẳng vào mặt kèm nhiều lời cãi cùn của người nhậu xỉn. Nhưng các chị CSGT đã nhanh chóng kiểm soát được cảm xúc, thuyết phục người vi phạm nhận lỗi.

Năm 2020, lần đầu tiên nữ CSGT xinh đẹp – đại úy Nguyễn Phạm Anh Thư xuống phố đo nồng độ cồn sau 13 năm công tác. Đây cũng là năm đầu Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC08, Công an TP.HCM) ra mắt đội hình nữ CSGT dẫn đoàn kiêm thực hiện một số chuyên đề xử lý vi phạm đặc biệt. 

‘Anh biết lỗi rồi mà’

Đại úy Nguyễn Phạm Anh Thư (31 tuổi) hiện là tổ trưởng tổ xử lý vi phạm của đội CSGT Tân Sơn Nhất, thuộc PC08 Công an TP.HCM. Buổi tối đầu tiên ngồi sau mô tô một nữ CSGT khác chở ra chốt đo nồng độ cồn, dù bịt khẩu trang kín nhưng chị Thư cũng khiến nhiều người đi đường ngoái nhìn vì thấy lạ lẫm với bóng dáng nữ CSGT nhỏ nhắn, trắng trẻo.
Chị Thư cho biết, khi nhận lịch đi thực hiện chuyên đề kiểm tra nồng độ cồn, chị rất lo lắng vì sợ khi đã có rượu, bia trong người, cách hành xử của người vi phạm sẽ rất khác. Nghe nhiều đồng nghiệp nam chia sẻ kinh nghiệm, chị Thư chuẩn bị sẵn sàng tinh thần nhưng quá trình xử lý thực tế, nữ CSGT vẫn khá sốc vì những “chiêu trò” của dân nhậu. 

Năm 2020 cũng là năm đầu tiên nữ đại úy Thư đi đo nồng độ cồn

Ảnh: Độc Lập

Đại úy Thư hiện làm tổ trưởng tổ xử lý vi phạm đội CSGT Tân Sơn Nhất

Ảnh: Độc Lập

Một buổi tối, khi đang đi tuần tra kiểm soát, thấy anh X. chạy xe ngược chiều trên đường Nguyễn Đình Chiểu hướng ra Đinh Tiên Hoàng (Q.1), chị Thư đã yêu cầu người này dừng xe để kiểm tra giấy tờ.
Sau đôi ba câu nói, chị Thư nhìn vào mắt anh X. thấy lờ đờ cùng mùi bia nồng nặc nên yêu cầu anh giao xe để Cảnh sát cơ động đưa về chốt CSGT kiểm tra nồng độ cồn. Tới nơi, anh X. thừa nhận đã uống bia rồi nên không cần thổi nồng độ cồn làm gì. 
Chị Thư mất 10 phút để thuyết phục, anh X. mới đồng ý thổi theo yêu cầu. “Mức nồng độ cồn trong hơi thở của người này là 1,064mg/lit khí thở, tức là ở mức vi phạm nồng độ cồn cao nhất, nhưng anh X. vẫn kiên quyết là còn tỉnh táo, có thể chạy xe về nhà. Tôi báo cho anh ta biết tiền phạt thì ảnh chuyển qua năn nỉ “Anh xấu hổ, anh biết lỗi rồi, em hãy tha thứ cho anh, lần sau anh sẽ không tái phạm nữa”. Thành ra tôi lại phải đứng thuyết phục một hồi bằng sự khéo léo và kiên quyết ảnh mới ký biên bản”, chị Thư kể.

Nữ CSGT nhanh chóng kiểm soát được cảm xúc khi gặp dân nhậu "nhây"

Ảnh: Độc Lập

Sự xuất hiện của nữ CSGT gây chú ý với người đi đường

Ảnh: Độc Lập

Trường hợp khác chị Thư gặp phải là một người đàn ông tỏ ra hợp tác khi được yêu cầu thổi nồng độ cồn nhưng chỉ ngậm ống, phùng miệng chứ không thổi dù tự thú rằng mới nhậu về. Sau 3 lần không ra kết quả, dù được chị Thư thuyết phục thổi lại và một nam CSGT khác hướng dẫn tận tình cách thổi nhưng người này không đồng tình và bỏ ra một góc khác gọi điện thoại. Tiếp tục thuyết phục không được, tổ công tác đành gọi công an phường đến để hỗ trợ xử lý người đàn ông này. 
Theo lời nữ CSGT, nhiều trường hợp vi phạm nồng độ cồn mà chị xử lý có thái độ không đồng ý, chống đối, bỏ xe, tự ý bỏ đi để ngăn cản việc bị CSGT giam xe, lập biên bản. Nhưng nhìn chung, sự chống đối của dân nhậu xỉn với nữ CSGT không quá gay gắt như khi làm việc với nam CSGT.

Khối lượng công việc nhiều, đại úy Thư phải cân đối để có thời gian chăm lo cho gia đình

Ảnh: Độc Lập

Có chồng làm cùng ngành, nữ CSGT cho biết chị nhận được sự chia sẻ, động viên lớn từ người bạn chung nhà

Ảnh: Độc Lập

“Mới đầu tiếp xúc với người vi phạm say xỉn cãi cùn hoặc có lời lẽ không hay mình cũng khó chịu nhưng mình tự kiểm soát được, kìm chế được cảm xúc để tập trung thuyết phục họ ký biên bản dù mức phạt cồn là rất cao”, đại úy Thư chia sẻ.

Giây phút chạnh lòng của nữ CSGT

Nói về cơ duyên đến với nghề, chị Thư tự hào kể, ba chị là một người lính bộ đội cụ Hồ nên hình ảnh ấy dần ăn sâu vào tâm trí của chị. Khi trưởng thành, chị hiểu ra ngoài bộ đội thì còn có lực lượng khác tham gia bảo vệ tổ quốc, lại yêu hình ảnh nữ CSGT đứng giữa phố điều hòa dòng phương tiện đông đúc nên chị quyết tâm trở thành một nữ CSGT.
Là tổ trưởng tổ xử lý vi phạm, khối lượng công việc khá nhiều nhưng đôi khi được Ban chỉ huy Phòng phân công đi dẫn đoàn hay đi thực hiện chuyên đề kiểm soát ở mặt đường chị Thư đều sẵn sàng.

Sau giờ hành chính, chị tranh thủ về chăm sóc con

Ảnh: Độc Lập

Chị Thư kể: “Ví dụ 8 giờ tối phải đi kiểm tra nồng độ cồn thì chiều hôm đó sau giờ làm ở đơn vị tôi phải chạy về nhà ngay để nấu cơm, cho con ăn. Có những hôm kẹt xe về không kịp thì phải gọi nhờ người thân trong gia đình hỗ trợ. Nhiều hôm kẹt tới mức chỉ kịp về nhà ủi sẵn cho con bộ đồ để hôm sau con đi học rồi tôi chạy ngược lại đơn vị để đi đo nồng độ cồn”. 
Nhiều lần, chị Thư cũng chạnh lòng khi nghe con gái học lớp 1 thủ thỉ “Mẹ ơi hôm nào mẹ mặc đồ cảnh sát di đón con nhé”. Dù đó là việc đơn giản với bao người nhưng với khối lượng công việc khá nhiều, chị Thư cũng không biết khi nào là khi nào…

Đến 20 giờ lại ra đường đo nồng độ cồn

Ảnh: Độc Lập

“Có hôm đi làm về đến nhà đã là gần 11 giờ đêm, nhìn con say giấc ngủ mà tôi thấy chạnh lòng, thương con thiệt thòi hơn bạn bè một xíu. Vì thế khi có thời gian rảnh tôi thường dành trọn vẹn cho con. May là ông xã tôi làm cùng ngành nên hiểu và thông cảm, khi trống lịch trực, anh hỗ trợ tôi rất nhiều trong việc chăm sóc con cái, dọn dẹp nhà cửa”, chị Thư xúc động kể. 

Nữ CSGT – phải mạnh mẽ!

Dịp Đại hội Đảng bộ Công an TP.HCM và Đại hội Đảng bộ Công an TP.HCM vừa qua, đại úy Nguyễn Phạm Anh Thư cùng đội hình nữ CSGT dẫn đoàn của PC08 được phân công nhiệm vụ dẫn đoàn, tham gia bảo vệ.
Để thực hiện được công việc này, chị Thư đã trải qua 3 tuần tập luyện điều khiển mô tô và các kỹ năng xử lý tình huống khi dẫn đoàn nghiêm ngặt dưới nắng nóng. Chị Thư nhớ lại: “Khi được học trong trường cũng có được giới thiệu qua xe mô tô nhưng dừng ở mức tiếp xúc làm quen, tập huấn chuyên sâu hơn thì không có thời gian. Đối với quá trình tập huấn kỹ năng lái xe mô tô, tôi cảm thấy các bài tập tình huống tương đối khó, phải điều khiển xe qua các sa hình đã được hướng dẫn, tập tình huống phanh gấp, dựng gã xe để có thể đối mặt các tình huống xảy ra trong quá trình dẫn đoàn. Chiếc xe nặng tới hơn 100kg trong khi mình chưa tới 50kg nên cũng chật vật lắm, nhưng khi quen rồi thì mọi thứ trở nên đơn giản. Mình là nữ CSGT nên phải mạnh mẽ”.

Đại úy Thư trong đội hình nữ CSGT dẫn đoàn của Phòng CSGT đường bộ - đường sắt

Ảnh: Độc Lập

13 năm vào ngành, nữ đại úy luôn tự hào với màu áo khoác trên mình

Ảnh: Độc Lập

3 tuần tập luyện dưới nắng, lại chỉ được phép sử dụng khẩu trang y tế và găng tay da chống nắng, thỉnh thoảng mặc áo dài tay nên chị Thư cùng nhiều nữ CSGT khác phải chấp nhận sự khắc nghiệt của thời tiết. Kết thúc tập luyện, đa số chị em nữ CSGT đều bị cháy nắng, lộ rõ hai màu da trên mặt và cổ, và phần cổ cũng là phần bị cháy nắng nhiều nhất. 
Sau khi PC08 ra mắt đội hình nữ CSGT dẫn đoàn, chị Thư và nữ đồng nghiệp còn được phân công tham gia một số chuyên đề xử lý vi phạm khác như: nồng độ cồn, xe quá tải trọng, bắn tốc độ, đi vào đường cấm,… Đây cũng là lần đầu nữ CSGT tham gia công tác xử lý vi phạm mặt đường sau nhiều năm làm công tác tại đơn vị.
Nữ đại úy tâm sự: “Xử lý vi phạm mặt đường áp lực hơn trong nhà rất nhiều, ngoài sự khắc nghiệt cảu thời tiết, còn phải đối mặt với người vi phạm. Đa số người vi phạm khi bị phạt đều khó chịu hoặc xin bỏ qua lỗi vi phạm cũng như tìm lý do biện minh cho lỗi của mình, chưa kể làm dưới nắng nóng, khói bụi cũng là một thử thách với nữ CSGT”.
Chị Thư bộc bạch, 13 năm vào ngành, chị luôn tự hào về màu áo đang khoác trên mình. Niềm vui với nữ CSGT như chị Thư đơn giản chỉ là khi nhìn người dân di chuyển thông suốt, an toàn, đúng luật, đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên đường.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.