Bắt buộc hay tự nguyện cách ly?
Câu chuyện bà N.T.D (44 tuổi, ngụ H.Thủy Nguyên, Hải Phòng) bỏ trốn khỏi khu vực cách ly phòng chống dịch Covid-19 tại Trung đoàn 124 thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Lạng Sơn với lý do “em còn một đống hàng đây này” gây xôn xao mạng xã hội.
Từ đó, nhiều người đặt câu hỏi việc cách ly để phòng chống dịch Covid-19 là tự nguyện hay bắt buộc? Sau khi Hàn Quốc bùng phát dịch Covid-19, những người đến từ tâm dịch của Hàn Quốc hay người Việt trở về từ đất nước kim chi có phải bị cách ly để theo dõi hay không, là câu hỏi chung của nhiều người.
LS Phát nhận định các văn bản quy phạm pháp luật cho vấn đề này rất chi tiết, kể cả quy định về xử phạt vi phạm hành chính nếu vi phạm, cụ thể là Nghị định 176/2013 trong lĩnh vực y tế.
Nhiễm Covid-19 được phân loại vào “bệnh viêm đường hô hấp cấp nặng” được phân loại vào nhóm A theo quy định tại Điều 3 của “Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm” vì thế để phòng chống sự lây lan của bệnh, luật đã cho phép áp dụng hoạt động giám sát bệnh, cách ly y tế.
Việc áp dụng biện pháp cách ly vì nghi nhiễm hoặc đi qua vùng dịch Covid-19 về cơ bản sẽ được phân loại vào sự đánh giá của các cơ quan chuyên môn nhằm giảm thiểu tối đa sự lây lan dịch bệnh theo các quy định trong luật.
Có những biện pháp cách ly nào?
Theo LS Phát, biện pháp cách ly y tế tại nhà được áp dụng đối với các trường hợp:
- Người đang lưu trú tại vùng có bệnh dịch, trừ người mắc dịch bệnh thuộc nhóm A và một số bệnh dịch thuộc nhóm B theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.
- Người xuất phát hoặc đi qua vùng có bệnh dịch thuộc nhóm A và một số bệnh thuộc nhóm B.
- Người tiếp xúc với người mắc bệnh dịch thuộc nhóm A và một số bệnh thuộc nhóm B.
LS Phát thông tin, biện pháp cách ly tại cơ sở y tế áp dụng đối với các trường hợp là người đang khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở y tế và người mắc dịch bệnh thuộc nhóm A và một số bệnh thuộc nhóm B đang lưu trú tại vùng có bệnh dịch; Người đang bị áp dụng biện pháp cách ly y tế theo quy định nhưng có dấu hiệu tiến triển thành mắc bệnh truyền nhiễm.
|
Biện pháp cách ly y tế tại cửa khẩu áp dụng đối với các trường hợp:
- Người, phương tiện, hàng hóa xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh Việt Nam, hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh Việt Nam có khai báo của chủ phương tiện vận tải hoặc có bằng chứng rõ ràng cho thấy trên phương tiện vận tải, người, hàng hóa có dấu hiệu mang mầm bệnh dịch thuộc nhóm A.
- Người xuất phát hoặc đi qua vùng có dịch thuộc nhóm A và một số bệnh thuộc nhóm B xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh Việt Nam.
Biện pháp cách ly y tế tại các cơ sở, địa điểm khác áp dụng đối với các trường hợp số lượng người xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh Việt Nam vượt quá khả năng tiếp nhận cách ly của cửa khẩu hoặc số lượng người mắc bệnh truyền nhiễm vượt quá khả năng tiếp nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tại vùng có dịch.
Cách ly có nhận được tiền hỗ trợ?
Như Thanh Niên đã đưa tin, ngày 17.2, ở tỉnh Quảng Ngãi có trường hợp bà H.T.H (63 tuổi) đi từ vùng dịch Covid-19 ở Vĩnh Phúc về địa phương nhưng không hợp tác cách ly 14 ngày. Bà H. cho biết mình mưu sinh bằng việc bán rau ở chợ, mỗi ngày kiếm được 250.000 đồng nên yêu cầu chính quyền hỗ trợ đúng số tiền trên để “toàn tâm” cách ly phòng chống Covid-19.
|
Về trường hợp này, LS Phát cho rằng dịch bệnh Covid-19 là điều không ai mong muốn nên người dân không thể đặt vấn đề đòi tiền hỗ trợ. Riêng các trường hợp cách ly cả xã ở Vĩnh Phúc, chính quyền mới có chế độ hỗ trợ 40.000.000 đồng/người/ngày.
LS Phát cũng cho biết thêm, trường hợp đang cách ly để phòng chống dịch Covid-19 mà bỏ trốn thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 10 NĐ 101/2010 với số tiền phạt từ 2 đến 10 triệu đồng, bị áp dụng biện pháp cưỡng chế cách ly.
Phân loại bệnh truyền nhiễm:
- Nhóm A gồm các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh.
- Nhóm B gồm các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có khả năng lây truyền nhanh và có thể gây tử vong.
- Nhóm C gồm các bệnh truyền nhiễm ít nguy hiểm, khả năng lây truyền không nhanh.
Trong đó, dịch bệnh Covid-19 được phân loại vào nhóm A.
|
Bình luận (0)