Đúng 0 giờ 30 phút ngày 31.7, chúng tôi nhận được cuộc gọi của CSGT tham gia dẫn đoàn 500 người về từ miền Nam: “Bà con đã về đến đường dẫn vào hầm Hải Vân, địa phận Đà Nẵng”.
Thực ra trước cuộc gọi của người dẫn đường tận tụy ấy, tôi cùng các anh em tình nguyện viên của nhóm thiện nguyện Hiếu Hạnh và Quỹ xe vạn tình Đà Nẵng đã có mặt ở điểm dừng chân trước trạm trung chuyển qua hầm Hải Vân, sẵn sàng tiếp sức cho đoàn người.
Ngay khi có thông tin về thời gian đoàn đến và số lượng người về, các thành viên nhóm thiện nguyện đã tất cả chuẩn bị nguyên liệu nấu khoảng 500 phần súp nóng, hàng chục thùng sữa cho trẻ em, nước tăng lực cho các “bác tài”...
|
“Súp nóng ngon lắm, chú ăn đi cho lại sức”
|
Khi đoàn người dừng chân và chọn chỗ nghỉ trên mặt đất, các tình nguyện viên mặc bảo hộ bắt đầu tiếp cận họ, tiếp sức nào súp, nào sữa, nước tăng lực...
Nhiều người trong số họ mệt lả đến nỗi không nhận nổi đồ ăn. Các tình nguyện viên phải động viên: “Chú ơi, đây là súp còn nóng lắm, chú húp một miếng cho đỡ mệt”; “Chị ơi, súp nóng ngon lắm, chị ăn đi cho lại sức”...
|
|
“Chúng tôi mệt lắm vì đường dài, phải đi chậm vì có nhiều trẻ con, có đứa nhỏ còn chưa được một tuổi. Biết vượt đường xa về quê sẽ vất vả, nhưng dịch bệnh như vậy chúng tôi không còn tiền để trọ, không còn tiền mua sữa cho con”, anh Trần Hà, một người dân Thanh Hóa, trở về từ TP.HCM nói.
Gần chỗ anh Hà, một nhóm thanh niên khác, mặt bê bết bụi đường và mệt mỏi. Họ từ chối dùng súp mà đón lon nước tăng lực trên tay các tình nguyện viên để uống cho tỉnh táo. “Ăn không nổi đâu bạn ơi, chúng tôi mệt quá, cần tỉnh một chút”. Anh tình nguyện viên lẳng lặng giữ khoảng cách tối thiểu và đặt những hộp súp đủ cho cả nhóm người...
|
Đoàn gần 500 người mệt mỏi nằm bên đường, ngay trước trạm trung chuyển qua hầm Hải Vân. Tại đây lực lượng chức năng hỗ trợ họ qua hầm và bàn giao cho địa phương giáp ranh là Thừa Thiên - Huế. Có người sẽ dừng lại Huế để khai báo y tế và được cách ly. Những người còn lại thì rải rác về các tỉnh Quảng Trị, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa...
Chúng tôi nhận ra rằng, phần nhiều họ không có thông tin về tình hình kiểm soát dịch bệnh ở địa phương. Thậm chí, nhiều người lao động lam lũ, ở những xã vùng cao còn không có điện thoại, việc cập nhật thông tin và khai báo y tế trực tuyến đối với họ quá xa lạ... Các nhóm tình nguyện Hiếu Hạnh và Quỹ xe vạn tình, ngoài việc hỗ trợ thực phẩm tận tay, còn tận tình cung cấp cho họ thông tin về điều kiện qua các chốt kiểm dịch.
Một chút tình của người Đà Nẵng
Chị Nguyễn Thị Trà Liên, Trưởng nhóm Hiếu Hạnh Đà Nẵng, cho biết ngay khi nhận được thông tin chia sẻ từ lực lượng CSGT (Công an TP.Đà Nẵng) về số lượng đoàn người và giờ dự kiến dẫn dắt người qua địa phận Đà Nẵng, 2 nhóm thiện nguyện là nhóm Hiếu Hạnh và Quỹ chuyến xe vạn tình đã rất nhanh quyết định nấu hơn 500 hộp súp hỗ trợ bà con. Vì đoàn người có nhiều trẻ nhỏ và phụ nữ, chắc chắn họ sẽ đuối sức trên chặng di chuyển quá dài bằng xe máy nhiều ngày liền.
|
Chị Liên lý giải vì đoàn đến sẽ rất khuya nên nhóm quyết định nấu súp bắp, chả cua và trứng để tặng, vừa nóng hổi vừa bổ dưỡng. “Vì họ là chị em phụ nữ và trẻ mà đi đường dài quá, tới thì tới ban đêm. Ăn súp vô thì nó nhẹ nhàng mà đầy chất dinh dưỡng, nhóm mình nấu rất là chất lượng, với mong muốn rằng qua một đoạn đường dài, tới trạm dừng chân Đà Nẵng thì có một chút tình của người Đà Nẵng gửi tới các anh chị em đồng bào đang trên đường về quê. Tiếp sức để đoàn yên tâm tiếp tục lên đường an toàn...", chị Liên nói.
|
Anh Hồ Ngọc Thanh, Quỹ chuyến xe vạn tình Đà Nẵng, thì mong muốn nỗ lực này của anh chị em Đà Nẵng sẽ góp phần an ủi, động viên bà con trên đường về quê, giảm bớt áp tải của dịch Covid-19 ởTP.HCM. Họ đi chặng đường dài mà đồ ăn, thức uống dọc đường không bán.
“Chúng tôi tiếp sức cho bà con, chỉ mong bà con khi di chuyển giữ khoảng cách, về nhà cách ly theo quy định, tuân thủ 5K, khai báo y tế cùng địa phương, chung tay chống dịch”, anh Thanh hy vọng.
Bình luận (0)