Cơm tặng cũng phải đẹp, ngon
Đúng 11 giờ trưa mỗi ngày, các phần cơm với đầy đủ món mặn, canh, dưa leo được bày trên bàn đặt trước một quán ăn chuyên món Nhật ở số nhà 62B Bà Hom (P.13, Q.6, TP.HCM). Phía dưới là tờ thông báo như trên.
Anh Trương Xuân Bách (28 tuổi, đại diện nhóm tặng cơm) cho biết từ sáng, 3 đầu bếp của quán vừa chuẩn bị nguyên liệu để làm cơm trưa bán cho khách, vừa tranh thủ nấu những phần cơm để tặng.
Chuyện tặng cơm ban đầu chỉ dự kiến 30 phần mỗi bữa dành tặng shipper, nhưng nếu không phải shipper mà là người bán vé số, người nhặt ve chai, xe ôm truyền thống, hay bất kể làm nghề gì đi ngang mà có nhu cầu đều có thể ghé vào nhận một phần. Số người ghé đến quán mỗi lúc một nhiều hơn, những người đầu bếp chuyên nghiệp phía trong lại tất bật nấu nướng, đóng gói để tiếp tục đặt ra trước quán.
|
Anh Bách chia sẻ: “Mùa dịch, quán ăn chỉ bán mang về nên shipper rất quan trọng, là cầu nối giữa quán và thực khách. Chúng tôi gặp họ còn nhiều hơn gặp khách, cũng hiểu tâm sự, khó khăn của tài xế lúc này. Vì thế, quán quyết định nấu cơm để chia sẻ với shipper. Dự định ban đầu là vậy, nhưng người đến nhận mà không phải shipper thì cũng không sao cả, họ khó khăn mới tìm tới”.
Mỗi phần cơm được đóng gói cẩn thận trong chiếc hộp, để đồ ăn riêng, nhìn bắt mắt. Theo anh Bách, những phần cơm miễn phí này sẽ tiếp tục được duy trì đến khi nào quán hết khả năng thì mới thôi. Để người nhận cơm thay đổi khẩu vị, mỗi ngày quán sẽ nấu một món mặn và món canh khác nhau.
Chia sẻ, giúp nhau mùa dịch
Các phần cơm ở đây không có người đứng phát, ai có nhu cầu thì ghé nhận tự nhiên. Anh Hứa Minh Đức (35 tuổi, tài xế GrabBike) lần đầu đến nhận cơm, ngại ngùng chỉ vào những hộp đồ ăn hỏi: “Có phải cơm dành cho shipper không anh chị?”. Phía bên trong, thấy nhân viên quán mời hối hả: “Anh lấy đi”, anh Đức mới cầm lấy một phần cơm, gật đầu lia lịa cảm ơn. Anh cho hay thu nhập mùa dịch giảm gần một nửa dù số thời gian anh ở ngoài đường nhiều hơn.
“Tôi thường giao đồ ăn bên Bình Tân, mà giờ bên đó dịch phức tạp nên đơn hàng giảm, giao hàng khó khăn rồi tâm lý mình cũng sợ nữa. Nhờ anh em giới thiệu tôi mới biết quán này phát cơm, trên mạng thấy đã ngon rồi mà ở ngoài nhìn còn ngon hơn. Nhờ vậy tiết kiệm được nhiều chi phí”, anh cười nói.
Nhiều người bán vé số, lao động tự do biết đến quán cũng ghé lấy cơm. Ban đầu, có người còn ngại khi thấy bảng thông báo dành cho shipper nên hỏi: “Tôi có được nhận cơm không?”. Thấy người trong quán gật đầu, họ vui mừng mang về một phần. Bà Trương Thị Oanh (52 tuổi, bán vé số) chia sẻ sau lễ 30.4, dịch diễn biến phức tạp, mỗi ngày bà chỉ bán được 100 vé, lời 115.000 đồng. “Bán lời 115.000 đồng thì tôi bỏ ống 50.000 đồng, còn nhiêu lo ăn uống. Cuối tháng rút ống, bù thêm 100.000 đồng nữa là đủ tiền nhà trọ”, bà Oanh nói.
|
Chưa đầy 30 phút, những phần cơm đặt trước quán đã được trao hết, quán lại tiếp tục làm những phần cơm mới để “dành tặng”. Dịch Covid khó khăn nhưng không ngăn nổi tấm lòng của người Sài Gòn - TP.HCM lúc này.
Bình luận (0)