Với nhiều người Sài Gòn, ngồi quán cóc, vỉa hè ăn gói xôi, tô hủ tiếu để khởi đầu một ngày mới là điều quen thuộc. Nhưng vì phòng dịch Covid-19 họ phải thay đổi thói quen ấy bằng việc mua đồ ăn sáng rồi mang đi. Điều này khiến nhiều người có phần nhớ nhung những ngày đã qua.
Ăn sáng và hàng tá... nỗi nhớ
Chị Thúy Quyên (26 tuổi, ngụ Q.Thủ Đức, TP.HCM) đang đợi mua phần bánh ướt mang đi cho biết: “Mình ngồi ăn quán quen rồi, trời mưa nắng gì cũng ra quán ăn sáng rồi mới đến chỗ làm, đó là thói quen từ hồi mới ra trường. Còn cả tuần nay mình chỉ mua để mang đi thôi. Mình thấy như vậy tiết kiệm được chút thời gian buổi sáng đấy nhưng mà vì thói quen nên nhớ ngày trước thật”.
|
|
Nên duyên vợ chồng nhờ ngồi quán cóc vỉa hè và gần 10 năm nay hai vợ chồng anh Đặng Ngọc Bình (37 tuổi, ngụ Q.9) luôn giữ thói quen đó. Bởi theo anh có thể nhờ vậy mà tình yêu giữa hai người luôn mặn nồng.
Anh Bình kể: “Tôi quen vợ và chúng tôi lấy nhau cũng là nhờ những lần ngồi chung quán ăn sáng trước công ty. Gần 10 năm hai vợ chồng giữ thói quen ấy, bữa trưa bữa tối thì sẽ ăn ở nhà nhưng nhất định bữa sáng là ăn quán. May mắn, hai chúng tôi lại làm chung công ty nên tiện đường và có nhiều thời gian để ngồi với nhau, chuyện trò, tâm sự trước khi vào giờ làm. Những ngày gần đây quán ăn chỉ bán mang đi, chúng tôi cảm thấy hụt hẫng khi bắt đầu ngày làm việc, cả ngày cứ thấy thiếu thiếu và buồn buồn”.
|
Một số người có nhiều điều quan trọng trong cuộc sống gắn liền với hàng quán. Từ kỷ niệm, tình bạn đến những câu chuyện và cả công việc hằng ngày… của họ đều được xuất phát từ ngồi ăn sáng quán cóc lề đường.
Chị Thu Hường (nhân viên văn phòng, Q.3, TP.HCM) tâm sự: “Mình và 3 bạn làm chung phòng không cần hẹn, cứ nghiễm nhiên 6 rưỡi sáng mỗi ngày đến quán quen trên đường Võ Văn Tần (Q,3) gần công ty là thấy họ ở đó rồi. Ăn đôi khi không phải chỉ vì hợp khẩu vị mà còn vì câu chuyện hay, chuyện gì cũng có, vui buồn, hay dở đều tâm sự với nhau".
"Giờ thì mỗi sáng tụi mình chỉ ghé mua 1 hộp rồi lên phòng, ai bàn nấy ngồi ăn. Không gian làm việc thì dù có nói những chuyện ở quán vỉa hè cũng không thú vị nữa. Cứ tưởng thay đổi nhỏ nhưng đó là cả một vấn đề về cuộc sống hằng ngày của tụi mình", chị Hường kể.
Chủ các quán hàng ăn sáng người thì nhớ những vị khách quen, người nhớ không gian rộn ràng khi đông khách, có người lại nhớ mỗi ngày phải dậy thật sớm để chuẩn bị nhiều nguyên liệu để bán chứ không ít ỏi như bây giờ…Nỗi lo kéo dài
Dịch Covid-19 kéo dài, nhiều người bán hàng quán ăn sáng dù lo lắng cho sức khỏe bản thân nhưng vẫn mở bán bởi họ có nhiều khó khăn, khúc mắc khác nhau.
|
|
|
Với chị Phạm Thị Y (53 tuổi, bán hàng xôi mặn giá bình dân trên đường Ung Văn Khiêm, Q.Bình Thạnh), việc đóng hàng ăn là điều chị chưa dám nghĩ đến.
“Dịch nguy hiểm thế này mà vì gia đình túng thiếu nên tôi cũng đành ra đây bán để kiếm chút tiền mua đồ ăn. Cả nhà 4 người giờ ai cũng thất nghiệp, chồng tôi già yếu, không làm gì ra tiền, con cái cũng không có việc làm luôn. Chỉ còn xe xôi này nên tôi phải bươn chải để kiếm ngày 70.000 - 80.000 đồng một ngày để đi chợ thôi chứ làm gì có tiền để mua đồ ăn dự trữ. May mắn có một số nhà hảo tâm cho gia đình tôi một ít gạo chứ không thì không biết trôi về đâu”, chị Y tâm sự với Thanh Niên.
Khó khăn là thế nhưng tấm lòng của người chủ hàng xôi mặn luôn rộng mở với những người xung quanh. “Tôi bán xôi mặn, có những ngày bán không hết thì tôi đưa về cho hàng xóm hay mấy người bán vé số. Bởi vì dù sao chúng tôi cũng đều khó khăn như nhau, giúp được gì tôi phải giúp ngay”, chị Y nói thêm.
|
|
|
Còn gia đình chị Nguyễn Ngọc Tuyền (36 tuổi, ngụ Q. Bình Thạnh) lại là một hoàn cảnh khác. Chị Tuyền bộc bạch: “Mỗi ngày mình bán khoảng được 30 - 40 phần bánh ướt cho người mang đi. May mắn nhờ mùa dịch mình không phải chi nhiều, tiết kiệm được chút tiền học của con cái nên dù thu về ít nhưng cũng đủ. Còn chồng mình làm về thực phẩm cho học sinh thì nghỉ luôn rồi, giờ vợ bán chồng giao hàng”.
Bình luận (0)