Người về hưu ở Sài Gòn sống sao?: U.60 nhận 1,3 triệu nai lưng làm thêm

Với mức lương hưu 1,3 triệu đồng/tháng, nhiều người dù lẽ ra đang ‘hưởng hưu’ vẫn phải nai lưng đi làm thêm từ sáng đến tối mịt để kiếm sống. Vậy họ đã xoay xở như thế nào để sống được ở thành phố này?

Sau câu chuyện một cô giáo ở Hà Tĩnh chỉ nhận lương hưu 1,3 triệu đồng sau 37 năm công tác, nhiều người không khỏi giật mình vì mức lương thật sự… quá thấp so với những năm tháng cô cống hiến cho sự nghiệp giáo dục.
Nhưng đó là câu chuyện ở Hà Tĩnh, còn tại TP.HCM, TP đông dân nhất cả nước, nhà cửa còn phải đi thuê, ruộng cũng không có thì những người nhận đồng lương 1,3 triệu đồng đã phải xoay xở như thế nào?
U.60 mỗi ngày đạp xe đi phụ bán hủ tiếu từ sáng đến chiều
Dù đã có hẹn trước nhưng phải rất nhiều cuộc điện thoại sau đó chúng tôi mới liên hệ được với bà Dương Thị Tư (59 tuổi, ngụ Q.11) khi trời vừa nhá nhem tối. Ở đầu dây bên kia, bà thở hổn hển giải thích: “Xin lỗi, tại tui đạp xe đi phụ bán hủ tiếu mới về. Chạy tới lui cả ngày cho chủ có nghe điện thoại được đâu. Chứ coi lương 1 triệu 3 làm sao sống mà không kiếm chuyện làm”.
Căn phòng 16 mét vuông bức bí, chất đầy đồ đạc là nơi sinh hoạt hằng ngày của ba chị em bà Tư. Vừa lau vội những giọt mồ hôi đang lăn dài trên khuôn mặt sau cả ngày vất vả, bà bắt đầu kể về hành trình dài của mình để tới ngày được hưởng lương hưu.
Bà Tư đang nhận lương hưu 1,3 triệu đồng/tháng nên phải đi phụ quán hủ tiếu để có thêm thu nhập Ảnh: Hoài Nhân
Năm 1992, bà Tư vào làm việc cho Xí nghiệp may Hồng Phúc (Q. Tân Phú) với mức lương trên 2 triệu/tháng. Đến năm 1995 bà mới tham gia BHXH. “Năm 2009, công ty làm ăn thất bại nên bà nghỉ. Lúc đó tôi mới chỉ đóng được 13 năm 6 tháng. Đến năm 2010, tôi được vào làm bảo mẫu ở trường tiểu học Duy Tân (Q.Tân Phú) với mức lương chỉ 1 triệu đồng/tháng. Sau 5 năm thì lên được 1 triệu rưỡi, nhưng cũng là lúc người thân tui bị bệnh nặng, phải nghỉ việc để chăm sóc”.

Tôi về hưu năm 2010 với tiền lương chỉ 2 triệu/tháng. Đến nay thì lên được hơn 3 triệu. Ba chị em không chồng con, than ai nghe, đành nương nhau mà sống. Lương hưu tôi khá hơn, nên càng phải ráng sống để đỡ cho hai người kia. Tưởng Tư hưu xem như đỡ, ai ngờ có triệu mấy. Điện nước cao, cơm rau cao, Sài Gòn 1 triệu mấy coi sống làm sao?

Bà Dương Thị Ba

Sau thời gian đó, bà Tư tiếp tục tìm việc khắp nơi, bà xin được vào trường tiểu học Tân Sơn Nhì (Q. Tân Phú) làm bảo mẫu. Cuối cùng, đến hết tháng 5.2017, bà Tư nhận được sổ hưu. Cầm sổ hưu trên tay mà bà Tư không tin vào mắt mình: “Trời ơi nhìn con số 1 triệu 3 mà tôi rớt nước mắt. Bữa đó tay chân bủn rủn hết muốn đạp xe về…”
Gọi là nghỉ hưu nhưng bà Tư đâu có được nghỉ hưu, bà bắt đầu đi làm đủ nghề kiếm sống. Hiện tại, hằng ngày bà phải đi phụ bán hủ tiếu từ 6 giờ sáng đến 5 giờ chiều ở một quán gần nhà, tiền công mỗi ngày 100.000 đồng.
Trong căn nhà nhỏ của ông bà để lại, gia đình người anh trai bà Tư ở dưới, còn bà (thứ 9) cùng 2 người chị ở tầng trên. Người chị thứ bảy vì sức khỏe yếu nên chỉ ở nhà làm nội trợ.
Còn người chị thứ 8 - bà Dương Thị Ba (60 tuổi), từng là công nhân ở Công ty thủy hải sản Sài Gòn (Q. Tân Bình) khi nghe chúng tôi tâm sự với bà Tư về lương hưu cũng ngậm ngùi: “Tôi về hưu năm 2010 với tiền lương chỉ 2 triệu/tháng. Đến nay thì lên được hơn 3 triệu. Ba chị em không chồng con, than ai nghe, đành nương nhau mà sống. Lương hưu tôi khá hơn, nên càng phải ráng sống để đỡ cho hai người kia. Tưởng Tư về hưu xem như đỡ, ai ngờ có triệu mấy. Điện nước cao, cơm rau cao, Sài Gòn 1 triệu mấy coi sống làm sao?”
Chị em bà Tư đang nương vào nhau để sống những năm tháng tuổi già Ảnh: Hoài Nhân
Đi làm mới đủ cơm ăn
Trong số những trường hợp chúng tôi có được về những người đang nhận mức lương hưu 1,3 triệu đồng, dù đã liên lạc rất nhiều nhưng không ai có thời gian để dành cho chúng tôi hẹn gặp vào ban ngày. Và ai cũng vậy, đều chung một lý do… phải đi làm mới đủ cơm mà ăn!
Ông Phạm Trọng Bảng (61 tuổi, Q.11) cũng trong tình trạng tương tự, dù đã hẹn gặp lúc 7 giờ tối nhưng vừa gặp chúng tôi ông đã nói: “Tôi chỉ có vài chục phút giải lao, mình ráng trao đổi nhanh rồi tôi vô làm việc lại”, khiến chúng tròn xoe mắt ngạc nhiên.
Ông Bảng như hiểu chúng tôi định hỏi gì, ông nói tiếp: “Lương hưu của tôi 1 triệu 3 nội mà ma chay, cưới hỏi, cà phê đã thiếu rồi chứ nói gì tới sống”. Hiện tại, ông Bảng đang làm thời vụ cho công ty cũ, ngày nào có hàng thì tăng ca đến tận khuya mới về.
Ông Bảng may mắn sau khi nghỉ hưu vẫn được làm thời vụ ở công ty cũ. Ông còn tranh thủ tăng ca để kiếm thêm thu nhập, không phải phụ thuộc vào con cái Ảnh: Hoài Nhân
Ông Bảng kể, tháng 2.1975 ông lên đường nhập ngũ, đến năm 1982 thì chuyển ngành, về làm việc cho Liên hiệp các xí nghiệp dệt may Thành phố (H. Nhà Bè). Đến năm 1992, ông chuyển về Công ty TNHH Sài Gòn may mặc xuất nhập khẩu, giữ chức Tổ trưởng sản xuất và tham gia BHXH tại đây.
“Lương tôi ăn theo sản phẩm, trung bình được khoảng 5 triệu/tháng. Ít nhiều tùy vào lượng hàng của công ty. Ngoài ra tôi còn giữ chức Chủ tịch Công đoàn. Cách đây 2 năm, khi công ty thành lập Chi bộ thì tôi làm Bí thư Chi bộ”, ông cho biết. Cũng chính vì còn hoạt động ở Công đoàn cơ sở mà sau khi chính thức nghỉ hưu vào tháng 7.2017 vừa qua, ông vẫn được ở lại làm thời vụ cho công ty đến nay.
Hai người con trai của ông Bảng đều đã ổn định công việc và có thể chăm lo phần nào cho vợ chồng ông. Nhưng như bao cha mẹ khác không muốn phụ thuộc con cái mình, ông bảo: “Lo được cho chúng cái nghề tự nuôi thân là tôi mừng rồi, còn tôi với bả thì cứ lương hưu mà sống khỏe, già ăn bao nhiêu đâu! Ai ngờ có 1 triệu 3, nên thôi già thì già chứ ráng làm thêm, tụi nó cũng cực thấy mồ”.
Ông Bảng cũng tâm sự, sức khỏe ông không mấy tốt. Ông bị vảy nến khi qua các vùng độc hại lúc chiến tranh, lại mắc tiểu đường mạn tính mười mấy năm nay, phải thuốc thang mỗi ngày.
Chia sẻ thêm về mức lương hưu của mình, ông chỉ biết đùa: “Chúng tôi hưu 1 triệu 3 là thuộc dạng nghèo rồi chứ còn gì”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.