Tiếng chổi đêm ở Sài Gòn

02/07/2017 09:18 GMT+7

Đêm xuống, bên dòng xe và người hối hả ở TP.HCM, những anh chị công nhân vệ sinh môi trường vẫn cần mẫn với công việc của mình để đường phố sạch đẹp.

Chúng tôi theo chân những công nhân (CN) trực tiếp làm công việc này để hiểu rõ hơn công việc của họ.
Thường bị la mắng, xe va quệt
Tai nạn giao thông, bị người dân la mắng vì quét rác gây bụi là những điều mà các CN vệ sinh phải đối diện hằng ngày.
 
Tâm sự người công nhân 20 năm quét rác
Ông Nguyễn Văn Chí (58 tuổi, CN vệ sinh ở khu vực Bến xe Miền Tây, Q.Bình Tân, TP.HCM), dáng người lom khom, nhanh nhẹn luồn lách khắp vỉa hè, từng gốc cây xanh, đi dọc tuyến đường Kinh Dương Vương để quét, tém rác lại. Tay kéo, tay đẩy hai xe rác cồng kềnh theo sau là đồng nghiệp Bùi Văn Thanh (48 tuổi, có 13 năm làm nghề). Tiếng chổi quét không ngừng, các động tác của ông Chí thoăn thoắt bởi đã qua 21 năm làm nghề.
Ông Chí trải lòng: “Làm nghề này bị chửi hoài, nhưng mình phải biết nhẫn nhịn. Chỗ nào có người thì quét đứng chổi và chậm lại để bụi ít bay. Làm ban đêm bị xe tông, quệt, sưng tấy chân tay là chuyện thường...”.
Chiếc đèn cảnh báo trên xe đẩy rác chớp chớp dừng trước một quán nhậu, khi CN đặt cây chổi trước mớ rác pha lẫn với nước bẩn thì một phụ nữ trong quán chạy ra la lối: “Quét gì mà quét! Không thấy khách khứa người ta đang ăn uống hả!”. Dường như đã quá quen với những lời thiếu tế nhị kiểu như thế, ông Chí nhẹ nhàng dùng tay nhặt những túi rác to bỏ lên xe rồi tiếp tục cuộc hành trình.
Đang quét trên một đoạn đường, bỗng một chiếc xe máy nẹt pô ầm ầm phóng vụt tới. Rất nhanh, hai CN nhảy vội lên vỉa hè. “Tôi bị va quệt nhiều lần trong lúc quét đường nhưng may mắn chỉ bị nhẹ thôi. Phải cảnh giác với mấy ông say xỉn để kịp chạy tránh. Có CN từng bị người chạy xe say xỉn tông khiến phải nằm viện”, ông Chí kể về hiểm nguy luôn rình rập khi quét đường ban đêm.
0 giờ ngày 29.6, đại lộ Võ Văn Kiệt (Q.5) trở nên thênh thang khi xe cộ đã vắng. Anh Lê Minh Anh (24 tuổi, CN vệ sinh thuộc Công ty dịch vụ công ích Q.5) oằn lưng đẩy chiếc xe rác giữa đêm khuya. Quệt mồ hôi trên gò má, Anh tâm sự: “Mình mới vào nghề được 2 năm. Việc va chạm khi quét đường, dọn dẹp vệ sinh ban đêm xảy ra gần như hằng ngày. Cho nên mình phải ý tứ, thấy người ta đang ăn uống phải quét chậm lại. Có gia đình họ ra nói nhỏ nhẹ, kêu mình ngưng quét, tí nữa họ sẽ quét giùm phần rác trước nhà. Nhưng gặp nhóm người đang nhậu nhẹt, say xỉn thì bị chửi bới, đe dọa. Lúc ấy mình cũng phải nhịn, chứ ngoài đường lời qua tiếng lại sẽ không hay...”.
Vừa lúi cúi gom “núi rác” trên đường Lương Hữu Khánh (Q.1) do các hàng quán tống ra, anh Đề (CN vệ sinh thuộc Công ty dịch vụ công ích Q.1) kể: “Tôi làm từ 15 giờ 30 tới rạng sáng hôm sau mới về nhà. Quét rác trên các đường Nguyễn Trãi, Cống Quỳnh, Lương Hữu Khánh... có nhiều hàng quán nên lúc nào cũng tràn ngập rác. Đuối sức lắm nhưng đó là nghề của mình, cũng đã quen việc”.
Với các chị em, đêm hôm đội sương, dầm mưa quét rác cực khổ hơn. Đêm 21 rạng sáng 22.6, cơn mưa lớn trút xuống. Lúc này trên tuyến đường Đồng Văn Cống (Q.2), hai chị CN đội mưa làm nhiệm vụ của mình. “Ớn nhất lúc quét trên cầu Giồng Ông Tố 2, làn đường xe máy chỉ rộng vừa đủ hai chiếc xe. Đường lại vắng, mấy tay say xỉn cứ nhắm mắt nhắm mũi mà chạy. Sợ lắm, lúc ấy chỉ biết nhảy qua làn đường xe lớn để tránh, trong khi những chiếc container chạy sát rạt”, một nữ CN nói.
Chị Nhi, CN làm trên đoạn đường này, kể: “Làm từ 22 giờ đến 4 giờ sáng hôm sau mới nghỉ. Trời nắng thì bụi mịt mù, mưa thì ướt nhẹp, lạnh lẽo. Ngang qua các gia đình, thấy người ta quây quần, ấm êm, nhiều lúc mình cũng cảm thấy chạnh lòng...”.
Tiếng chổi đêm ở Sài Gòn
Tiếng chổi đêm không ngưng nghỉ để đường phố được sạch sẽ

“Nghề tuy nhỏ bé nhưng lương thiện”
Mặc dù lương dăm ba triệu đồng, mình mẩy lúc nào cũng mồ hôi nhễ nhại, nhưng nhờ nghề đó mà CN có thu nhập, lo cho con cái đến trường.
“Tiếng chổi đêm góp phần cho con cái các CN được cắp sách đến trường, đặng sau này có công việc khác, ổn định và đỡ vất vả hơn”, ông Chí nói và kể thêm: “Nhờ nghề này mà tôi đã nuôi nấng đứa con gái học hết đại học, đã làm việc được 3 năm cho một ngân hàng tại TP.HCM”.
Ông Thanh cho biết, mười mấy năm trước ông đi phụ hồ, ngày làm ngày nghỉ, thu nhập thất thường. Giờ ban đêm quét rác, ban ngày ông làm các công việc lặt vặt khác kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống. “Hai đứa con tôi, đứa đang học lớp 11, đứa học lớp 7, vẫn ngon lành như bao gia đình khác”, ông Thanh cười.
Đặc biệt hơn là trường hợp của bà Phạm Thị Hường (48 tuổi, tổ trưởng tổ 1 - thuộc Đội vệ sinh Bình Tân, Q.Bình Tân). Bà kể, thời con gái lúc 17 tuổi, cuộc sống quá khó khăn nên bà bắt đầu… cầm chổi xuống đường, tiếp nối công việc mẹ mình đang làm. Từ đó đến nay đã 31 năm gắn bó với nghề, có những lúc cuộc sống túng quẫn vì đồng lương ít ỏi từ việc quét rác nhưng bà Hường vẫn chưa bao giờ có ý định từ bỏ nghề.
Bà Hường chia sẻ: “Thấy mẹ làm thì tôi cũng tập làm theo. Nhiều lúc thiếu thốn quá nhưng tôi vẫn chưa có ý định chuyển qua bán buôn hay làm việc khác. Làm lâu với nghề cũng có những tình cảm gắn bó, nên dù khó khăn cũng bám trụ lâu nay. Cái nghề tuy nhỏ bé nhưng lương thiện mà. Mỗi người một công việc, mỗi lựa chọn trong cuộc sống của mình”.
Qua làm nghề, bà Hường gặp và kết hôn với người đàn ông đồng nghiệp. Đứa con gái út của bà hiện đang học năm 3 đại học, tương lai xán lạn hơn đang chờ phía trước.
Trời về sáng, khi tiếng chổi tạm ngưng cũng là lúc những chiếc xe rác đã đầy tràn. Những CN làm sạch phố phường như ông Chí, ông Thanh, bà Hường… tranh thủ ghé quán cà phê “cóc” ven đường nghỉ một lát. Họ nói đủ chuyện trên đời để xua đi cơn buồn ngủ, cái mệt. Đêm sau, tiếng chổi của họ lại vang lên, tiếp tục cuộc hành trình để đường phố được sạch, đẹp…
Ông Nguyễn Văn Công, Giám đốc Xí nghiệp vận chuyển số 1, Công ty TNHH một thành viên môi trường đô thị TP.HCM (Citenco), cho biết: Riêng Xí nghiệp quản lý 108 CN quét đường, phụ trách 101 tuyến đường tại quận Bình Tân, Tân Phú. Ngoài ra, Xí nghiệp số 2 (cũng thuộc Citenco) quản lý khoảng 200 CN và các công ty dịch vụ công ích các quận huyện khác cũng quản lý hàng trăm CN. Mức lương trung bình của CN quét đường chỉ khoảng 5 triệu đồng/tháng.
Ông Công cho biết, chuyện CN quét đường bị chửi bới, hăm dọa thường xuyên xảy ra. Đặc biệt là các tuyến đường có nhiều quán nhậu, khi CN đến quét là người của quán thường gây gổ vì cho rằng CN làm bụi bay vào thức ăn. Bên cạnh đó, do đặc thù của nghề là làm vào ban đêm nên CN gặp rủi ro bị tai nạn khá cao. “Tại Xí nghiệp số 1 đã từng có CN bị tai nạn gãy chân do xe máy tông trúng khi đang quét đường; trên địa bàn TP cũng từng có CN bị tai nạn tử vong”, ông Công nói và chia sẻ thêm: “Nhờ có họ mà bộ mặt TP được sạch sẽ, dù ai có nói gì. Không có nghề nào là xấu cả, nghề nào cũng vinh quang nếu làm với cái tâm và đạo đức”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.