Người Việt Nam ăn thịt chó thứ 2 thế giới với 5 triệu con mỗi năm

14/10/2016 11:28 GMT+7

Số liệu trên vừa được Liên minh bảo vệ chó châu Á (ACPA) công bố: trung bình mỗi năm có khoảng 20 triệu con chó bị tiêu thụ ở Trung Quốc, 2-3 triệu ở Hàn Quốc và khoảng 5 triệu con ở Việt Nam.

Thông tin từ Liên minh bảo vệ chó châu Á (ACPA), cơ quan này vừa tổ chức chương trình đào tạo kỹ năng quản lý trạm lưu trú cho chó để hỗ trợ cho chiến dịch chấm dứt nạn buôn bán thịt chó ở VN.
Theo số liệu khảo sát và ước tính của ACPA, trung bình mỗi năm, có khoảng 20 triệu con chó bị tiêu thụ ở Trung Quốc, 2-3 triệu ở Hàn Quốc và khoảng 5 triệu ở Việt Nam.
Trong đó, đáng lo ngại là phần lớn chó đều bị bắt sống từ các nước khác như Lào, Campuchia.
VIDEO: Nhiều con chó đã bị đánh bã chết để bắt trộm
Số liệu này cũng chưa được xem là hoàn toàn chính xác vì buôn bán thịt chó là hoạt động phi pháp (ở Philippines, Đài Loan, Thái Lan và Hong Kong) hoặc hợp pháp nhưng phần lớn không được kiểm soát (ở Trung Quốc, Việt Nam và Hàn Quốc).
Theo ACPA, thịt chó phổ biến rộng rãi nhất ở châu Á và “ngành sản xuất thịt chó” được phát triển từ đây bằng mô hình kinh doanh hộ gia đình, biến nghệ giết mổ thành nền công nghiệp trị giá hàng tỉ đô la. Chính quá trình thương mại hóa đã dấy lên nhiều lo ngại về vấn đề phúc lợi động vật và sức khỏe con người.
Thực tế, đã có rất nhiều cuộc điều tra ở khắp châu Á đã ghi nhận “sự tàn nhẫn trong tất cả các giai đoạn của hoạt động bán thịt chó, thu mua, vận chuyển và giết mổ”. ACPA cho rằng, nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam thường biện hộ rằng thịt chó là “nền văn hóa” hoặc “truyền thống”, nhưng xét về khía cạnh nhân đạo và phúc lợi, thịt chó vẫn là vấn đề gây nhiều tranh cãi, bức xúc.
Liên minh bảo vệ chó châu Á (ACPA) được thành lập bởi tổ chức bảo vệ động vật Humane Society International, Animals Asia, Soi Dog Foundation và Change For Animals Foundation. Trong chiến dịch nhằm chấm dứt nạn buôn bán thịt chó ở Việt Nam, nâng cao nhận thức nhân đạo và phúc lợi, ACPA đã tổ chức chương trình đào tạo kỹ năng quản lý trạm lưu trú.
Tại sự kiện có hơn 50 đại biểu, bao gồm 15 nhóm, mỗi nhóm 2 đại diện tham dự. Đây đều là những người quản lý lưu trú trên toàn Việt Nam, có cùng mối quan tâm chống nạn buôn thịt chó, tập trung lại để thảo luận các vấn đề liên quan đến lưu trú động vật để nâng cao tính bền vững và tiêu chuẩn phúc lợi cho động vật nói chung và chó nói riêng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.