Người Việt ở New York kể chuyện những đám tang buồn giữa tâm dịch Covid-19

06/05/2020 12:06 GMT+7

Đám tang bao giờ cũng mất mát, đau buồn nhưng trong đại dịch Covid-19, những đám tang ở New York (Mỹ) khiến người ta vừa buồn vừa chua xót vì không kèn không trống, không tiếng khóc, thậm chí người thân không được nhìn mặt lần cuối...

Phải sau 1 tháng mới chôn cất

Hôm qua, tôi đã không cầm được nước mắt khi một đồng nghiệp, 35 tuổi, gọi điện báo tin bố anh ấy vừa mới qua đời.
Trước khi dịch bệnh, bố anh ấy đang điều trị ở bệnh viện vì có một khối u ác tính ở ruột. Khi đại dịch xảy ra ở New York, bệnh viện đã khuyên nên đưa bố anh ấy về nhà vì với một người 78 tuổi đang bị bệnh hiểm nghèo rất dễ bị lây nhiễm, càng nguy đến tính mạng hơn.
Chỉ 2 tuần sau khi trở về nhà, bố anh ấy đã mất do thuốc men và phương tiện y khoa ở nhà không thể đầy đủ như trước.

Lễ tang, chia buồn thực hiện trên mạng

Ngày đưa xác đến nhà quàn chỉ có một mình anh ấy. Cô, dì, chú, bác đều đã trên 80 tuổi, thuộc nhóm nguy cơ nhiễm bệnh cao đều không thể đến thăm viếng hay giúp đỡ. Một mình anh ấy chạy đôn chạy đáo ở nhà quàn khu phố Tàu Brooklyn, nơi đang có hàng trăm thi thể khác của bệnh nhân Covid-19.
Việc chôn cất không thể thực hiện ngay bây giờ mà phải sau 1 tháng vì quá nhiều người chết nên dịch vụ lễ tang không lo kịp. Bố anh ấy phải nằm ở nhà quàn 30 ngày với phí dịch vụ là 10.000 USD. Nhưng anh ấy nói với tôi là vẫn còn may mắn vì nhiều chỗ khác ở Brooklyn như nhà quàn đại lộ Utica (Utica Avenue, Brooklyn) hết chỗ mà vẫn nhận nên mới xảy ra chuyện cả trăm xác chết nằm trong xe đậu vất vưởng ở ngoài nhà tang lễ như báo chí đã đưa tin.
Ngoài ra, khi đem chôn, một miếng đất ở nghĩa trang thành phố khu Bushwick là 11.000 USD. Tổng cộng một lễ tang là gần 30.000 USD. Nên mọi người nói đùa mà thật chua xót: “Cái gì mà đắt nhất ở New York lúc này, đó là dịch vụ chôn cất người chết”.
Có một số đồng nghiệp của tôi đã mất vì dịch Covid-19 tính đến thời điểm này. Chúng tôi không một ai có thể đến viếng họ. Thế là chỉ có những bài điếu văn trên trang web trường hay qua email.
Cư dân New York cũng đã quá quen thuộc với những lời chia buồn được tạo trên trang web. Mọi người có thể vào đây để chia sẻ những lời yêu thương, nhắn gửi cuối cùng đến người đã khuất và an ủi người ở lại. Giãn cách xã hội là điều phải làm nhưng trong những trường hợp này thì thật là nghiệt ngã.

Nhà tang lễ ở Brooklyn

Những đám tang vội vã

Khu phố tôi ở là khu người Do Thái chính thống. Họ rất đoàn kết và hỗ trợ nhau. Tuy nhiên trong đợt dịch Covid-19 này, những đám tang ở khu phố này vắng hoe người, một điều rất hiếm gặp trước đây. Bà hàng xóm người Do Thái gần nhà tôi nói: “Tôi biết ông cụ vừa chết ở nhà đối diện nhưng tôi không thể đi viếng được”.
New York là nơi có số người bị nhiễm và tử vong nhiều nhất nước Mỹ. Số ca nhiễm và tử vong gần đây mặc dù có dấu hiệu giảm nhưng lệnh giãn cách xã hội vẫn phải áp dụng thật chặt chẽ. Hiếm có ai rời khỏi nhà chỉ trừ những trường hợp thật cần thiết, cho nên việc đến viếng lễ tang là điều không tưởng.
Những đám tang không kèn trống, không lễ tưởng niệm, không kịp có tiếng khóc, không hoa tiễn đưa, chỉ có vài người thân vội vàng đến làm dịch vụ chôn cất và thủ tục giấy tờ ở nhà quàn.

"Kìm chế thương cảm lại": câu chuyện những phụ nữ lo hậu sự nạn nhân Covid-19 tại New York

Thậm chí, những người chết vì dịch bệnh, chỉ có duy nhất một hành trình: từ nhà đếnh bệnh viện, từ bệnh viện đến nhà quàn. Người thân không được gặp mặt giây phút cuối cùng, cơ may chỉ được từ giã qua điện thoại và thế là những cái xác được chôn vội vã, hàng loạt. Ra đi trong lặng lẽ và tất cả chỉ là sự lặng lẽ. Đây là tình trạng chung của những đám tang ở New York, cũng là của nhiều nơi trên đất Mỹ và của cả thế giới khi đại dịch Covid-19 hoành hành.
Cuối cùng, tôi muốn khép câu chuyện buồn bằng một suy nghĩ tích cực. Tối hôm qua, khi người bạn đồng nghiệp khóc nức nở vì ngồi cô đơn trong căn nhà trống không, đã không còn có người bố như mọi khi. Tôi an ủi: “Bố bạn sẽ hiểu cho bạn. Tất cả chúng ta sẽ đến tiệm đồ nướng BBQ mà bố bạn ưa thích ở khu phố Hàn Quốc sau khi hết dịch để tưởng niệm ông nhé!”.

New York! Hãy mạnh mẽ để chống chọi qua đại dịch, rồi mọi thứ sẽ ổn!

Tất cả những cư dân New York ơi! Hãy cố gắng chống chọi để sống sót qua đại dịch này. Những điều khủng khiếp đang xảy ra rồi sẽ qua đi. Chúng ta chờ một mùa đoàn viên tốt đẹp… sau dịch Covid-19. 
Đến sáng ngày 6.5.2020, nước Mỹ đã có 1,2 triệu người nhiễm Covid-19 và 71.043 người tử vong vì đại dịch. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.