Người Việt vô tư xài túi nilon, không hề biết có ngày The Nature Day' 9.9

09/09/2018 12:26 GMT+7

“Ngày không túi nilon - The Nature Day” là hoạt động thường niên được tổ chức vào ngày 9.9 tại Việt Nam. Tuy nhiên, đã 9 năm kể từ ngày phát động ở Hội An, số người biết đến ngày này chỉ… đếm trên đầu ngón tay.

Có thể nói, Việt Nam là một trong những đất nước sử dụng túi nilon nhiều nhất trên thế giới. Một kết quả khảo sát của Bộ Tài nguyên và Môi trường mới đây cho thấy, bình quân mỗi hộ gia đình Việt Nam sử dụng 223 túi/tháng, tương đương 1 kg túi nilon/hộ/tháng. Như vậy, ước tính có hàng triệu túi nilon được sử dụng và thải ra môi trường hàng ngày. Và con số này tăng theo từng năm.
Một điểm tập kết rác tại Q.Tân Phú, TP.HCM tràn ngập bao nilon. Chỉ riêng 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM, trung bình một ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và túi nilon. Ảnh: Tiểu Thiên
Túi nilon xuất hiện ở khắp nơi, từ chợ cho đến siêu thị, cửa hàng tiện lợi, từ cửa hàng bán lẻ cho đến khu trung tâm thương mại, mua sắm lớn. Chúng "gánh" chức năng chứa đựng đồ vật, thực phẩm, thức ăn… bởi có giá thành rất rẻ, rất tiện dụng và có nhiều kích cỡ và màu sắc khác nhau.
Chị Hoàng Thanh An (27 tuổi, nhân viên văn phòng) cho biết: “Đi chợ thì mua cái gì cũng đựng trong túi nilon, từ thịt, cá, rau củ, trái cây, gia vị hay cả đồ ăn nấu sẵn cũng được cho vào túi nilon, rồi thêm túi nilon lớn ở ngoài nữa. Cứ tính trung bình một lần tôi đi chợ mua đồ về nấu ăn thì cũng xách từ 5 - 6 túi nilon lớn nhỏ các loại rồi”.
Túi nilon được sử dụng rất phổ biến trong sinh hoạt của người dân. Ảnh: Hoài Nhân

Túi chồng túi... bởi thực phẩm khi bán được chứa trong túi nilon, sau đó lại được bỏ vào một túi lớn hơn để xách. Ảnh: Lưu Trân
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, rác thải nilon nếu chôn lấp sẽ gây ô nhiễm môi trường đất và nước, cản trở sự sinh trưởng và phát triển các loại thực vật, ngăn cản việc đưa nước từ đất đến các loại thực vật làm các loại này kém phát triển, ảnh hưởng đến hệ sinh thái... Ảnh: Hoài Nhân
Túi nilon mất đến hàng trăm năm để phân hủy trong môi trường tự nhiên. Thậm chí khi đốt, nilon sẽ tạo ra khí thải có chất độc dioxin và furan gây ngộ độc, ảnh hưởng đến tuyến nội tiết, giảm khả năng miễn dịch... và nguy hiểm hơn là có khả năng gây ung thư. Ảnh: Phương Hà
Khi đặt ra câu hỏi bạn có biết tác hại của túi nilon đối với môi trường không, chúng tôi đều nhận được câu trả lời “có”. “Túi nilon rất khó phân hủy, thời gian phân hủy cực kỳ lâu khiến lượng rác thải nilon ra môi trường ngày càng nhiều. Hiện trạng này khiến đất đai khô cằn, hay có thể nói nôm na là “không thở được”, Minh Hoàng (22 tuổi, sinh viên ĐH Nông Lâm TP.HCM) cho biết.
Thế nhưng rất nhiều người dường như “phớt lờ” và mặc nhiên dùng túi nilon như một vật dụng khó có thể từ bỏ hoặc thay thế, bởi vô số lý do. Nào là “túi nilon tiện lợi là điều không thể chối cãi, có thể do giá rẻ nên túi nilon cũng được cho không mỗi khi mua một món đồ hay thức ăn, nước uống gì đó", "việc dùng túi nilon để chứa đựng đã có từ rất lâu rồi, nếu không dùng túi này thì thật sự chẳng biết cầm nắm kiểu gì. Chưa kể các túi nilon có kích cỡ lớn, dày dặn còn có thể tận dụng để làm túi đựng rác”...
Trước tình trạng này, mỗi quốc gia đều có các chiến dịch và hoạt động kêu gọi sử dụng sản phẩm thay thế túi nilon để giảm thải rác nhựa ra môi trường.
Ở Việt Nam, ngày 9.9 hằng năm được gọi là “Ngày không túi nilon - The Nature Day". Hoạt động này được tổ chức lần đầu tiên vào ngày 9.9.2009 tại Phố cổ Hội An (Quảng Nam) với mục đích giúp người dân thay đổi nhận thức, thói quen sử dụng túi nilon để bảo vệ môi trường sống xanh, sạch cho nhiều thế hệ sau.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.