Miệt quê nghèo, Bàu Năng (Tây Ninh) ban đầu làm tôi hơi chán vì chỉ có màu xanh ruộng lúa, vạt mì, rừng cao su hòa cùng màu xám của ruộng hay sắc đỏ của rẫy. Tất cả đều trầm tịch, u buồn trong cơn gió lao xao…
Thế rồi, một thoáng tình cờ, Bàu Năng - Truông Mít mang đến cho tôi một trải nghiệm vui vui với tô cháo chay trong một quán nghèo.
Ghé vệ đường làm tô cháo chay giải cơn đói, chú bán cháo mời tôi ăn thêm cái quẩy đặng no bụng và nâng tầm vị cháo ngon hơn. Tôi lẩn thẩn hỏi thăm về cái tên Bàu Năng ngồ ngộ, chú bán cháo thật thà kể: “Theo ông cố tui thì thuở xa xưa đất vùng này là các bàu nhỏ chi chít, trong bàu mọc đầy cây năng, loại cỏ trời có thân rất dai, đem đập dập phơi khô đan giỏ lác, mần đệm lót phơi lúa lẫn cái nóp đi ruộng là nhứt xứ…
Tiếng lành đồn xa, cứ tới mùa, cư dân khắp nơi rùng rùng kéo tới đốn năng. Họ chở về các huyện trong tỉnh Tây Ninh và các vùng lân cận như: Thủ Thừa, Long An, Mộc Hóa đan thành đồ gia dụng như giỏ, chiếu, túi, nóp… Sau đó cư dân chèo ghe đem lên cửa khẩu Mộc Bài, Xa Mát để bán cho các thương lái”.
Câu chuyện Bàu Năng nghe kể thấy xa xôi diệu vợi vì tới đây tôi chẳng thấy ruộng năng nào còn sót lại để làm chứng tích.
tin liên quan
Nhớ tiếng vó ngựa chiều BaganTôi không biết mình còn ám ảnh bởi tiếng vó ngựa của một chiều Bagan buồn tĩnh mịch đến bao giờ. Mỗi khi nghe đâu đó tiếng lộc cộc, tôi lại nhớ Bagan đến nao lòng.
Khi nghe chủ quán tính tiền tô cháo ngon ngọt, mát lành, tôi mới bật ngửa vì giá cả ở quê nghèo này rất rẻ. Cùng nhóm bạn ăn 4 tô cháo, 4 cái quẩy, 5 ly rau câu dừa, 3 ly nước mía no tràn bụng mà chỉ hết có 66.000 đồng. Nhìn cả gia đình cùng xúm xít bưng bê phục vụ, hỏi thăm gia cảnh, vui miệng chị chủ quán cho biết: “Quán cháo chay của tui đã có 26 năm bán buôn. Thời mới bán, tô cháo chỉ 500 đồng... Bây giờ là 5.000 đồng, tăng giá gấp 10 lần rồi đó”.
Cháo chay được bán bởi gia đình chị theo đạo và khấn ăn chay 1 tháng 10 ngày. “Nồi cháo này do bà ngoại truyền dạy cho mẹ rồi tới tui. Bà ngoại tui khó tính lắm, nấu cháo chay mà bắt canh lửa hầm rau củ phải 4 tiếng cho ngọt nước.
Chưa kể bà tui có bí quyết nêm lá bép do người dân tộc chỉ dạy, do vậy nồi cháo chay hổng cần bột ngọt vẫn ngon nóng, thơm mát, ăn giải nhiệt chữa bịnh tốt lắm… Năm ngoái, tui chuyển giao việc canh ông Táo cho con gái, bây giờ vợ chồng tôi phụ con mần lặt vặt thôi. Rảnh thì mình đi chùa. Tui tự mần giá và trồng rau thơm để nêm nếm cho nồi cháo luôn. Không cần tốn tiền chợ nhiều đâu”.
Bình luận (0)