Những chuyến đò giữa Bangkok

15/10/2017 09:10 GMT+7

Giữa lòng Bangkok phồn hoa dày đặc cao ốc, trung tâm mua sắm khổng lồ, tàu điện ngầm, tàu trên không... vẫn len lỏi con kênh Xén Xẹp (Saen Saep) cũ kỹ cùng những chuyến đò ngược xuôi như một dòng ký ức về thành phố của mấy mươi năm trước.

Trong khi buýt đường sông ở Sài Gòn (dài 11 km, 12 bến) đến nay mới bắt đầu đưa vào hoạt động thì dịch vụ đò tốc hành ở Bangkok đã được... 27 tuổi.
Kênh Xén Xẹp được xây dựng hồi nửa đầu thế kỷ 19 để vận chuyển binh lính và vũ khí. Từ năm 1990, một phần con kênh trong nội đô Bangkok này được sử dụng phục vụ giao thông công cộng, giảm tải nạn ách tắc vào giờ cao điểm.
Đi đò như dân Thái
“Rã- wăn, rã-wăn nà krap!” (Cẩn thận, làm ơn thật cẩn thận!), anh nhân viên tay dìu khách xuống đò, miệng không ngớt nhắc nhở.
Sau gần 30 năm vận hành, đò tốc hành trên kênh Sản Sệp được xem như tuyến giao thông huyết mạch của thành phố. 100 chiếc đò 40 - 50 chỗ liên tục phục vụ trên tuyến đường 18 km, 28 bến kể cả ngày cuối tuần và lễ. Tại mỗi bến đều có bản đồ lộ trình, thời gian đò chạy, giá vé và cả những tuyến xe buýt hoặc bến tàu điện ngầm gần bến đò để người dân dễ dàng chuyển phương tiện đi tiếp.
Mời các bạn xem video clip đặc biệt:
“Đò ở đây chạy liên tục từ 5 giờ 30 sáng đến 8 giờ 30 tối, khoảng 10 - 20 phút có một chuyến. Trông cũ kỹ vậy mà đến... 60.000 người đi đò mỗi ngày đấy”, anh nhân viên cho biết.
Sở dĩ đi đò ở Bangkok vẫn được người dân Thái ưa chuộng vì đò chạy nhanh, không sợ kẹt xe, giá vé rất rẻ, chỉ từ 10 - 20 baht (khoảng 7.000 - 13.000 đồng) tùy theo đoạn đường ngắn, dài và rất tiện lợi vì con kênh đi qua hầu hết những trọng điểm của thành phố.
Cạnh đó, đi đò không sợ nắng mưa vì đã có mái che, mạn đò được phủ bạt nên chẳng sợ nước văng. Dù đò chở nhiều người nhưng khách cũng không quá lo lắng vì phao cứu sinh được trang bị đầy đủ.
Chợ xép gần bến đò
Steve, doanh nhân Mỹ làm việc tại Bangkok, nói: “Tôi luôn đi lại bằng đò vì không sợ bị kẹt xe và rất thích khi trải nghiệm việc đi lại như người bản xứ. Chạy trên nước tốc độ cao nên gió lồng lộng vì thế trời dù nắng cũng không nóng bức như khi di chuyển bằng đường bộ”.
Tôi mua chiếc vé đi tuyến dài nhất, giá chỉ 20 baht (khoảng 13.000 đồng). Hôm đó là ngày trong tuần, vào giờ cao điểm nên bến đò đông nghẹt. Dù vậy, người Thái vẫn đi đò điềm đạm như dòng chảy của con kênh. Đến bến họ tự động xếp hàng trong trật tự. Những thanh niên dù vội cũng không quên dìu đỡ người già, phụ nữ lên xuống đò cho an toàn. Lên đò cũng chỉ ngồi lặng ngắm sông hoặc lấy điện thoại ra sử dụng. Đến khi đò cập bến vào trung tâm, họ mới vội vã bước lên hòa cho kịp vào nhịp sống hối hả của thành phố năng động này.
Có một Bangkok khác
Di chuyển bằng taxi, xe buýt hay tàu điện trên không, bạn luôn bị bao vây bởi không khí ồn ào, náo nhiệt, tầm mắt luôn bị choáng ngợp bởi những pano quảng cáo khổng lồ, trung tâm mua sắm rực rỡ đèn màu. Đi đò trên kênh Sản Sệp mang lại một không khí khác hẳn.
Khi đò chạy bạn sẽ chẳng nghe thấy gì khác ngoài tiếng máy nổ đều đều và tiếng nước rào rạt. Dọc hai bên bờ kênh là những cụm hoa giấy nhiều màu sắc, những tán cây xanh mát rủ bóng, và cả những bức tường được sơn vẽ graffiti sống động. Men theo con đường hẹp ven bờ là những khu xóm nhỏ yên bình, những ngôi nhà cũ kỹ phơi đầy áo quần. Ở đó người dân nhẩn nha đạp xe, ngồi tám chuyện, dắt chó đi dạo, có bà lão đang tắm cho chồng, có ông bố đang dỗ con ăn, có đám con nít đang đùa giỡn...
“Chọn đi đò bởi vì chúng tôi có thể nhìn được những góc khác của Bangkok, thú vị hơn rất nhiều so với đi taxi, tàu điện ngầm, tàu trên không”, vợ chồng du khách Canada Chris và Mary nói.
Hoàn toàn không dự định trước, tôi ngẫu hứng hòa cùng dòng người bước lên bờ. Chỗ tôi đang đứng là bến Thong Lor, bên kia bờ người ta đang nhóm chợ. Đó là một cái chợ xép chừng mấy chục sạp hàng bán đồ ăn như cá nướng muối, gỏi đu đủ, trái cây, giày dép nhựa, đồ lạc xoong... Chợ chỉ dành cho người dân trong vùng nên không bán lúc nhúc đồ lưu niệm cho du khách như các chợ thường gặp ở đường phố Bangkok.
Những chuyến đò giữa Bangkok

“Nỏn, nỏn, pla pảo may khá? (Em ơi, mua cá nướng không em?), vừa rao bà bán cá mập ù, cười chân chất vừa chỉ tay vào mấy con cá rô phi to ướp đầy muối hột đang nướng trên than tỏa mùi thơm phức. Đằng xa, một bà mẹ với đứa con đang loay hoay xỏ thử mấy đôi dép nhựa...
Cái không khí “quê mùa” này làm tôi nhớ đến bãi chợ nhỏ ngay bến đò gần nhà bà dì ở quê. Sáng sáng, dì lại xách cái làn ra bến đò mua đồ ăn, khi thì bánh canh ngọt của bác Ba, khi thì bánh tằm của chị Mén, khi thì chút thịt cá tươi, rau củ để về nấu ăn. Ở bến đò người ta biết nhau hết, mỗi lần đi qua đều nghe kêu í ới “Chị Hai mua cá lóc về nấu canh đi, cá bữa nay bự lắm nè!”... Không ngờ ngay trong lòng thành phố Bangkok nổi tiếng hiện đại này tôi lại được gặp bến đò ngày xưa. Tự nhiên thấy thương thiệt thương...

tin liên quan

Mở tuyến tàu khách cao tốc Sài Gòn - Cần Giờ trong năm nay
Ngày 10.9, ông Trần Song Hải, Tổng giám đốc Công ty TNHH GreenlinesDP, cho biết công ty vừa đề xuất Sở GTVT TP.HCM việc mở tuyến tàu chở khách cao tốc Sài Gòn - Cần Giờ - Vũng Tàu, Sài Gòn - Củ Chi, và một số tuyến buýt đường sông khác.
Qua nhiều điểm thú vị
Lộ trình đò có hai tuyến, nối nhau ở bến trung tâm là Pratunam (gần khu thương mại Big C và Central World vốn khá quen thuộc với du khách VN). Tuyến Núi Vàng chạy từ Pratunam tới bến Panfa Leelard gần khu phố Tây Khao San nổi tiếng. Tuyến này có trạm dừng ở chợ bán sỉ quần áo Bo Bae (nơi dân buôn VN thường “đánh hàng”) và trạm dừng gần khu thương mại Siam sầm uất nhất Bangkok. Ngoài ra, tuyến này cũng ngang qua một điểm tham quan nổi tiếng là khu nhà Jim Thompson.
Tuyến còn lại đi xa hơn về phía đông, từ Pratunam đến tận chùa Sriboonreung ở Bangkapi với 22 bến. Tuyến này cũng kết nối với nhiều khu thương mại như: Chitlom, Nana, Asok, Thong Lor và Ramkhamhaeng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.