Những người miền Tây tốt bụng bán xe mua thuyền hơi sống giữa vùng lũ miền Trung

Lê Ngọc Thảo
Lê Ngọc Thảo
01/11/2020 12:36 GMT+7

Vượt hơn 1000 km cùng 30 tấn hàng hóa do bà con miền Tây quyên góp, Đội Thanh niên xung kích tỉnh Trà Vinh đã đến hỗ trợ, cùng ăn, cùng ở với bà con vùng lũ Quảng Trị trong 10 ngày qua. Chuyến đi còn có sự phối hợp của CLB Công tác xã hội Hóc Môn.

Chuyến đi lần này do đội trưởng Trần Huỳnh Hoài Phong (33 tuổi, ngụ Trà Vinh) dẫn đoàn, phối hợp cùn CLB Công tác xã hội Hóc Môn xuất phát hôm 21.10 với hơn 30 tấn hàng hóa gồm: quần áo, gạo, dầu gió, thuốc men, đặc biệt là hơn 1000 đòn bánh tét Trà Cuôn và 1000 cái bánh ú đặc sản của Trà Vinh. Cái tình của người miền Tây gửi người miền Trung của các anh em trong nhóm luôn dạt dào, ấm áp.

‘Đói tự ăn, xăng tự đổ, khổ tự chịu’

Đó là tinh thần mà 4 anh em của Đội Thanh niên xung kích (TNXK) tỉnh Trà Vinh mang theo ra vùng lũ Quảng Trị trong hơn một tuần qua.
Theo anh Phong, chuyến cứu trợ lần này của đội không nhận tiền mặt mà chỉ nhận hàng hóa do bà con đến đóng góp. “Công sức bà con cầm món đồ đến tận nơi tiếp nhận mới là điều ý nghĩa nhất, cũng như ai có gì góp nấy, một chai dầu ăn, một thùng mì, một lốc sữa đoàn của mình đều nhận hết”, anh nói.
10 ngày sống cùng bà con vùng lũ Quảng Trị của những ‘hảo hán miền Tây’ 1
Đội TNXK tỉnh Trà Vinh thành lập được 5 năm, hiện tại có 34 thành viên nhưng chuyến đi lần này chỉ có 5 người tham gia. Đặc biệt, những ai tham gia đội đều phải “viết đơn” theo tiêu chí “Đói tự ăn. Xăng tự đổ. Khổ tự chịu” – tất cả đều tự nguyện làm vì bà con.
Đến thời điểm hiện tại, đội của anh Phong đã ngấm mưa miền Trung được hơn một tuần, hỗ trợ phát hơn 3000 phần quà cho bà con ở các huyện Hướng Hóa, Đakrông, Hải Lăng ở tỉnh Quảng Trị. Đặc biệt trong đợi lũ 28.10 vừa qua, đội của anh Phong còn phối hợp với thanh niên tình nguyện địa phương để thành lập đội SOS Hải Lăng (Quảng Trị) để đề phòng trường hợp bà con cần hỗ trợ ngay trong đêm bão vào.
Hiểu được mong muốn và tinh thần của chồng, chị Trì Thị Mai Trinh (25 tuổi, ngụ Trà Vinh) ở quê có lo lắng nhưng cũng vô cùng ủng hộ. “Chồng mình thẳng tính, hào sảng và tốt bụng lắm. Ba má và mình đều ủng hộ và theo dõi anh suốt. Mình hỏi nào anh về thì anh nói phải xong bão anh mới về, người dân ở ngoài đó còn khổ lắm. Cũng như bà con miền Tây trong này tin tưởng thì mình phải ráng làm tới nơi tới chốn”, chị Trinh chia sẻ.
10 ngày sống cùng bà con vùng lũ Quảng Trị của những ‘hảo hán miền Tây’ 2

Đội của anh Phong gặp vất vả trên đường vào cứu trợ Bản 4, xã A.Vao, huyện Đak Rông (Quảng Trị)

ẢNH: NVCC

10 ngày sống cùng bà con vùng lũ Quảng Trị của những ‘hảo hán miền Tây’ 3

Bà con ở Thôn Trung Đơn, xã Hải Định, huyện Hải Lăng (Quảng Trị) vui vẻ nhận quà

ẢNH: NVCC

Bán xe mô tô để mua thuyền hơi

Anh Trương Quang Hòa (39 tuổi) là một người dân tình nguyện đứng ra kết nối các đoàn cứu trợ và chính quyền địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Trị cho biết Đội TNXK tỉnh Trà Vinh là lì nhất, máu lửa nhất và nhiệt tình nhất mà anh từng gặp.
“Đội TNXK của anh Phong thật sự lên kế hoạch rất tỉ mỉ và chu đáo. Xe cứu thương, thuyền hơi, bộ đàm, thuốc men, áo phao,... gì cũng có nên trên rừng dưới biển gì họ cũng tiến tới được. Người ta không phải dân vùng này nhưng lại sẵn sàng về đây ở nhiều ngày, hỗ trợ bà con hết lòng như vậy thì bản thân tôi là người con miền Trung cũng máu lửa theo, xá gì những khó khăn, vất vả”, anh Hòa nhận định.
Anh Phong cho biết, xe cứu thương và những vật dụng cần thiết là của Đội TNXK tỉnh Trà Vinh dùng để cứu hộ cho bà con ở dưới khu vực miền Tây. Anh em trong đội cũng được tập huấn công tác chăm sóc ban đầu cũng như xử lý các tình huống đặc biệt.
10 ngày sống cùng bà con vùng lũ Quảng Trị của những ‘hảo hán miền Tây’ 4
Trong những ngày qua, đội của anh Phong cũng đã kết hợp với chính quyền xã Húc - một xã miền núi, nằm về phía Nam của huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) để hỗ trợ lương thực thực phẩm và vật dụng thiết yếu cho bà con sau lũ. Anh Hồ Văn Trọn, Phó Chủ tịch xã Húc cho biết đợt lũ vừa qua toàn xã có gần 10 người thiệt mạng, 18 căn nhà bị ảnh hưởng nặng, lúa và sắn – hai nguồn thu nhập chính của bà con cũng bị mất trắng, chưa tính đến chuyện sạt lở, đường chia cắt.
“Đội TNXK của anh Phong có liên hệ với tôi để cùng hỗ trợ các phần quà cho bà con, họ nhiệt tình, thân thiện và phối hợp với chính quyền địa phương rất tốt. Đội của anh Phong cũng như các đoàn cứu trợ khác đã giúp bà con ở đây rất nhiều, đặc biệt là an ủi tinh thần sau những mất mác do lũ gây ra”, anh Trọn nói thêm.
Đặc biệt, trong chuyến đi này, anh Phong đã bán chiếc mô tô của mình để mua thuyền hơi trị giá gần 80 triệu để tiện cho công tác vận chuyển hàng hóa đến bà con những vùng bị nước lũ chia cắt. Anh quan niệm: “Xe thì từ từ mua lại được, nó cũng là sở thích cá nhân thôi nhưng việc cứu bà con vùng lũ là việc của chung, không thể chậm trễ dù chỉ một phút”.
10 ngày sống cùng bà con vùng lũ Quảng Trị của những ‘hảo hán miền Tây’ 5
10 ngày sống cùng bà con vùng lũ Quảng Trị của những ‘hảo hán miền Tây’ 6

Người dân Quảng Trị mừng rỡ, cảm động với những đòn bánh tét gửi từ Trà Cuôn (Trà Vinh) ra miền Trung

ẢNH: NVCC

“Mẹ cảm ơn con nghen, mẹ cũng sắp qua đời rồi”

Trong hành trình gần 10 ngày “cắm chốt” tại Quảng Trị, anh Phong và đội cũng gặp nhiều hoàn cảnh mà khi nhắc tới vẫn bồi hồi, xúc động. Anh kể: “Ở điểm phát quà tại TT Khe Sanh, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị), đội của mình còn gặp một cụ bà cầm phần quà và chai dầu trên tay mà run run, miệng luôn nói ‘mẹ cảm ơn con nghe, mẹ cũng sắp qua đời rồi, con cho mẹ nhiêu đây là mẹ mừng lắm rồi’, mình nghe vậy mà không khỏi xót xa”.
Ngoài việc hỗ trợ quà cho bà con, Đội TNXK tỉnh Trà Vinh còn sẵn sàng lên đường khi nhận bất kỳ lời kêu cứu nào tại địa phương. Điển hình là hôm 28.10 vừa qua, đội nhận được tin báo của trang Quảng Trị 24h về việc cụ Đoàn Hữu Hạnh (61 tuổi) quê Bình Định đi lạc tại Quảng Trị với vết thương ở chân bị nhiễm trùng nghiêm trọng. Sau một giờ tìm kiếm đội đã gặp cụ đang đi lang thang trên quốc lộ 1A, anh và mọi người liền đưa cụ đến Bệnh viện đa khoa Hải Lăng để điều trị, mọi chi phí đều do đội chi trả.
10 ngày sống cùng bà con vùng lũ Quảng Trị của những ‘hảo hán miền Tây’ 8

Anh Phong trò chuyện với cụ Hạnh trong lúc đưa cụ đến Bệnh viện đa khoa Hải Lăng để điều trị, mọi chi phí đều do đội chi trả

ẢNH: NVCC

10 ngày sống cùng bà con vùng lũ Quảng Trị của những ‘hảo hán miền Tây’ 9

Ban ứng cứu tại chỗ cho vùng có nguy cơ lũ cuốn, lũ quét tại Hải Lăng trước nguy cơ xã lũ tại Quảng Trị do đội TNXK Trà Vinh làm điều phối đêm 28/10

ẢNH: NVCC

10 ngày sống cùng bà con vùng lũ Quảng Trị của những ‘hảo hán miền Tây’ 8

Những cái bắt tay thân tình của bà con Quảng Trị cũng là nguồn động lực lớn cho anh Phong

ẢNH: NVCC

10 ngày sống cùng bà con vùng lũ Quảng Trị của những ‘hảo hán miền Tây’ 10

Những phần quà hỗ trợ vô cùng tâm lý từ anh Phong và đội dành cho chị em phụ nữ miền Trung

ẢNH: NVCC

Cô Hoàng Thị Tuyết (51 tuổi, ngụ huyện Hải Lăng, Quảng Trị) chủ nhà nơi anh Phong gửi nhờ hàng hóa trong những ngày đi tặng quà cho bà con nơi đây, xúc động nói: “Các anh em trong đội thấy thương lắm, đi hỗ trợ bà con từ sáng đến 8 - 9 giờ đêm mới về. Tôi hỏi có gặp khó khăn gì không thì ai cũng giấu, nói ‘không có gì hết cô đừng lo’. Tôi thực sự cảm kích tấm lòng của họ cũng như bà con miền Tây gửi ra, chẳng biết làm gì hơn là hỗ trợ chỗ để đồ, ăn uống ngủ nghỉ để anh em có sức khỏe mà ‘chinh chiến’ tiếp”.
Khi nhắc về bà con miền Trung, anh Phong cho biết họ thật thà, thân thiện và còn giúp đội anh chuyển quà và sắp xếp ngăn nắp. Anh kể lúc họ nhận bánh tét, bánh ú và mở ra ăn tại chỗ, ai ai cũng khen ngon và lạ vì ít có dịp người miền Trung nhận được món ăn từ miền Tây mang ra như thế này.
“Chính những nụ cười, giọt nước mắt cảm động, những cái bắt tay và ôm thắm thiết của người dân nơi đây như món quà “tặng” ngược lại cho tụi mình. Bà con vui là tụi mình cũng vui lây và tràn đầy năng lượng rồi, không cần gì hơn nữa”, anh Phong bộc bạch.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.