Sài Gòn những ngày này nắng thì nắng gắt chói chang, lâu lâu lại bất chợt đổ mưa kèm cả dông gió, dịch bệnh thì bùng phát khiến những người đang trực tại chốt phong tỏa phòng dịch Covid-19 ở đường Nguyễn Văn Công (P.3, Q.Gò Vấp) vất vả thêm vài phần.
Vợ chồng cùng đi chống dịch
Anh Nguyễn Phạm Hoài Thương trực tại các điểm phong tỏa vì dịch Covid-19 hơn 10 ngày qua. Mỗi ngày, anh có 3 ca, mỗi ca 3 tiếng đồng hồ và mỗi ca cách nhau 6 tiếng. Địa điểm trực ở mỗi ca cũng khác nhau.
“Tôi trực ở 5, 6 điểm phong tỏa rồi, nhiều quá đến mức không nhớ hết được. Tôi là một chiến sĩ công an nhân dân, nên đi đến đâu cũng cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Nếu hỏi tôi trực ở nơi có dịch thấy sợ không, chắc chắn câu trả lời là không vì nếu tôi sợ thì bảo vệ ai được nữa”, anh Thương bộc bạch.
|
|
15 giờ chiều 7.6, anh đến hẻm 477 đường Nguyễn Văn Công, P.3, Q.Gò Vấp (một trong những nơi bị phong tỏa do liên quan đến điểm nhóm Truyền giáo Phục Hưng) làm nhiệm vụ. Như thường lệ, anh cùng các tình nguyện viên ở chốt trực giữ gìn trật tự và chuyển nhu yếu phẩm tiếp tế vào bên trong.
Anh Thương cho biết cuối hẻm phong tỏa là một dãy nhà trọ đông người, nên nhu cầu tiếp tế ở đây rất cao. Những ngày qua, số lượng người giao hàng vào bên trong đếm không xuể. Dù vậy, anh nói công việc của anh có phần nhẹ nhàng hơn khi ai cũng có ý thức phòng dịch và tuân thủ tốt hướng dẫn của mình cũng như các tình nguyện viên.
Hơn 10 ngày làm nhiệm vụ cũng là ngần ấy thời gian anh chưa được gặp mặt vợ và con trai. Anh nói mình thấy “thiếu thiếu” điều gì đó, rồi mỉm cười tâm sự tiếp: “Vợ tôi thì làm trong ngành y tế luôn, nên mấy ngày nay cũng bận trực chốt giống tôi. Con tôi 6 tuổi giờ không đi học, bố mẹ bận công tác nên gửi cho bà ngoại chăm. Nói thật là cũng nhớ vợ với con nhiều”.
Sau ca trực, anh lại về cơ quan để nghỉ ngơi, ăn uống cho lại sức để tiếp tục nhiệm vụ. Những lúc rảnh, để vơi đi nỗi nhớ gia đình anh thường gọi điện thoại hỏi thăm sức khỏe vợ con. Xa nhà, nhưng anh Thương nói mình không hề cô đơn vì nhận được tình cảm ấm áp từ những người dân.
|
|
Chỉ vào chiếc bàn được dựng lên phía trước chốt trực với đầy ắp đồ ăn, anh cười nói: “Nhiều người đến tiếp tế người bên trong, rồi tặng chúng tôi đủ thứ, nào là nước mát, bánh ngọt, trái cây… tới mức ăn không hết luôn. Vì vậy, nên trực ở mấy chốt này đâu bao giờ sợ đói và lúc nào cũng thấy ấm lòng. Đó là động lực để tôi tiếp tục công việc của mình”.
Chưa nói dứt lời, một người dân chạy xe ngang qua đường cầm một trái bưởi da xanh dừng trước chốt phong tỏa nói: “Em có mua ít bưởi, mấy anh chị lấy một trái ăn cho tăng sức đề kháng nha”. Anh Thương cười tít mắt sau lớp khẩu trang, rồi ra nhận món quà từ người đàn ông trên. Chưa đầy 15 phút, có một người giao hàng chạy tới gửi cho các chiến sĩ một ít súp cua để ăn “cho ấm bụng” những ngày mưa. Dù món quà được tặng là gì, anh nói mình đều rất trân trọng vì đó là nghĩa tình quân dân giữa mùa dịch Covid-19.
Hỏi về những khó khăn khi làm nhiệm vụ, anh hướng mắt vào mái hiên được dựng lên kiên cố mà mình đang đứng dưới rồi tâm sự rằng trước khi có nó, anh phải làm nhiệm vụ dưới cái nắng gay gắt và cơn mưa bất chợt của Sài Gòn. Nhờ sự hỗ trợ của Đoàn Thanh niên và UBND phường, những người trực chốt mới có được mái che tránh mưa tránh nắng, công việc cũng “dễ thở” hơn.
|
|
|
Một chiến sĩ công an làm nhiệm vụ tại hẻm 415 đường Nguyễn Văn Công cũng nói vui: “Nhiều khi mình muốn đi vệ sinh, mà ngại không dám vào nhà dân đâu vì mình cũng sợ họ ngại, với lại mình làm nhiệm vụ tùm lum hết, cũng không muốn ảnh hưởng tới sức khỏe của họ. Vậy là phải nhờ mấy đồng chí làm cùng canh gác hộ một tí, rồi chạy đi xa hơn để giải quyết. Nó là cái thực tế mình cũng thấy mắc cười”.
“Có lúc tưởng mình nhiễm bệnh”
Trời mưa lớn, ông Nguyễn Văn Hải (63 tuổi, Tổ trưởng Tổ bảo vệ dân phố KP.11, P.3, Q.Gò Vấp) ngồi nép vào một mái che ở nhà người dân phía trước hẻm 415 đường Nguyễn Văn Công. Ông nói mình đã gắn bó với những con hẻm đang bị phong tỏa này từ những ngày đầu.
“Hôm 27.5 là tôi bắt đầu làm nhiệm vụ tại đây. Nói thật làm nhiệm vụ ở ngay “tâm dịch”, nơi sinh hoạt của nhóm Truyền giáo Phục Hưng thì ai mà không lo, nhất là khi tôi thấy số ca nhiễm tăng lên liên tục”, ông nhớ lại.
Sau 3 ngày đầu tiên làm nhiệm vụ tại hẻm, ông nói mình có dấu hiệu cảm cúm, nhưng không sốt. Cháu ngoại của ông cũng có những triệu chứng tương tự nên ông thấy lo lắng. Ông Hải kể tiếp: “Lúc đó tôi cũng sợ là mình nhiễm Covid-19, nên hai ông cháu đi lấy mẫu xét nghiệm. Cũng may kết quả cho ra âm tính nên thở phào”.
Có 2 người con đều làm trong ngành y và đang công tác tại các bệnh viện lớn ở TP.HCM, từ ngày làm nhiệm vụ ông nói mình vẫn chưa thể gặp mặt các con vì ai cũng có việc. Hiện ông đang ở cùng với vợ.
“Tôi trực chốt ở đây, bà xã cũng lo lắm chứ. Ngày nào bà ấy cũng gọi hỏi thăm xem tôi về chưa. Mỗi ngày tôi trực có một ca, anh em thay phiên nhau nên những lúc có thời gian mình lại làm những công việc khác. Tôi cũng làm nhiều nhiệm vụ tại phường chứ không riêng gì bảo vệ dân phố”, ông chia sẻ thêm.
Những ngày qua, ông Hải nói mình có nhiều kỷ niệm đáng nhớ, nhất là những lúc nhận được tình cảm từ những người dân xung quanh. Ông kể có khi mình nhận được nhiều quà bánh đến mức anh không hết, phải mang về cho vợ ăn cùng.
Ông kể: “Có người trong hẻm nhờ tôi mua 5 cái dao cạo râu với 1 ký đường, nguyên tắc là tôi không được rời khỏi chốt trực đâu. Nhưng mà tiệm tạp hóa nằm sát bên, tôi vẫn có thể qua mua mà vẫn bao quát được nhiệm vụ nên cũng hỗ trợ người ta. Nghĩ cũng thương vì cách ly vậy thiếu cái này cái kia, nhưng tôi cũng nhắc họ nên hạn chế làm vậy”.
Nhìn vào con hẻm đang bị phong tỏa, ông nói dù tuổi đã cao nhưng ông không ngại khó, không ngại nắng mưa. Chỉ mong sao dịch bệnh sớm qua đi để cuộc sống mọi người sớm trở lại là ông đã vui. 18 giờ, một bảo vệ đến thay ca cho ông Hải. Ông nhanh chóng về nghỉ ngơi để ngày mai lại tiếp tục nhiệm vụ...
TP.HCM ngày thứ 8 của giãn cách xã hội, vì sự bình yên của người Sài Gòn mà họ vẫn miệt mài ngày và đêm không ngơi nghỉ!
Bình luận (0)