Những tuyến đường TP.HCM năm nào cũng ngập sâu: Người dân khốn khổ đủ cảnh

An Huy
An Huy
25/05/2018 13:40 GMT+7

Trong khi cơ quan chức năng đang loay hoay với nhiều giải pháp chống ngập chưa thực hiện đồng bộ, thì một số tuyến đường trên địa bàn TP.HCM cứ mưa xuống là ngập, người dân chật vật lội nước hết năm này sang năm khác.

Hư tủ lạnh, vật liệu xây dựng vì ngập
Dù mới vào đầu mùa mưa, nhưng những trận mưa liên tiếp vào buổi chiều tối những ngày vừa qua đã làm nhiều tuyến đường trên địa bàn TP.HCM ngập sâu. Người dân thành phố lại khốn khổ trăm bề vì xe chết máy, ướt đồ, té xe, hư hỏng đồ dùng sinh hoạt, đảo lộn cuộc sống.
Điển hình, trận mưa chưa đầy 2 giờ vào khuya 18.5 nhưng một số đường khu vực phía Tây Bắc TP.HCM như: Nguyễn Văn Quá, Phan Văn Hớn, Phạm Đăng Giảng…, ngập kéo dài. Đến rạng sáng 19.5, một số người vẫn còn phải dắt xe lang thang tìm chỗ sửa xe để về nhà.
VIDEO: Khốn khổ vì nước ngập vào nhà
Tiếp đó, cơn mưa cực lớn kéo dài khoảng 3 giờ tối 19.5, một lần nữa các tuyến đường là rốn ngập trên địa bàn TP như: Phan Huy Ích, Cây Trâm, Lê Đức Thọ, Phạm Văn Chiêu (Q.Gò Vấp), Nguyễn Xí, Ung Văn Khiêm, Đinh Bộ Lĩnh (Q.Bình Thạnh)…, lại ngập rất sâu, có tuyến lút đến yên xe máy kéo dài hàng km.
Thậm chí, các tuyến đường dẫn vào sân bay Tân sơn Nhất như: Trường Sơn, Trần Quốc Hoàn, Phan Đình Giót (Q.Tân Bình), Hoàng Minh Giám (Q.Phú Nhuận) cũng ngập nước, giao thông đi lại khó khăn.
Điều đáng nói, người dân đi trên đường có xe chết máy khổ một phần, thì chính những người dân có nhà sống ngay tại các rốn ngập khổ đến 10 phần. Nhiều năm qua họ chỉ biết than trời, rồi lại chịu ngập và bỏ hàng giờ dọn dẹp sình lầy, rác bẩn trôi vào nhà sau khi mưa ngớt.
Đường Phan Huy Ích thường xuyên ngập thành sông từ nhiều năm qua ẢNH: AN HUY
Bà Nguyễn Thị Điệp (60 tuổi, ngụ 92 Phan Huy Ích, P.15, Q.Tân Bình) không nhớ hết mỗi năm nhà bà bị ngập nước bao nhiêu lần. Hễ trời kéo mấy đen là bà lại lo kê các đồ điện tử sinh hoạt trong nhà lên cao tránh hư hại, bởi nền nhà quá thấp, mưa nước ngập trên đường là nhà bà cũng bì bõm nước.

Bà Điệp cho biết hai vợ chồng bà thuê nhà tại đây 8 triệu đồng/tháng để bán nước và ốc hút, nhưng mỗi khi mưa ngập đường, quán cũng không có một người khách nào ghé. Bán ế, chồng bà tranh thủ đi chạy xe ôm kiếm thêm thu nhập trả tiền mặt bằng.
“Năm vừa rồi tích cóp mãi, tôi mới mạnh tay mua chiếc tủ lạnh về bỏ ốc vào đặng bảo quản chế biến bán cho khách. Có hôm mưa đổ xuống ầm ầm, tôi lo thu dọn hàng quán phía trước, không chú ý trong nhà để nước tràn vào, ngập tủ lạnh cháy hư. Giờ cắm điện, tủ lạnh vẫn sáng đèn nhưng không lạnh, thợ báo giá tiền sửa cao quá nên tôi bỏ luôn”, bà Điệp Than thở.
Cũng theo bà Điệp, sau cơn mưa lớn tối 19.5, đến 1 giờ sáng hôm sau nước mới rút xong. Bà và cả nhà phải thức quét dọn rác, cát, sình trôi vào nhà đến 4 giờ sáng mới xong, rồi nghỉ ngơi. “Ngập phải chịu chứ than trách ai bây giờ, cả dãy này cả trăm nhà bị ngập, ngập riết rồi quen”, bà Điệp nói.
Gần đó, cửa hàng bán vật liệu xây dựng của anh Nguyễn Lâm Hùng (42 tuổi, ngụ 133 Phan Huy Ích, Q.Tân Bình) cũng thường xuyên bị ngập nhà. Anh Hùng cho biết, năm ngoái nước ngập vào hư hàng hóa cửa hàng hơn 40 triệu đồng. Hai trận mưa liên tiếp vào tối 18 và 19.5, nước tiếp tục tràn vào hư hỏng hơn 100 tấm ván thạch cao, thiệt hại gần 20 triệu đồng.
Cửa hàng bán vật liệu xây dựng của anh Nguyễn Lâm Hùng xây một bậc xi măng lắp ván gỗ lên cao vẫn không thoát khỏi cảnh ngập nhà hư hỏng vật liệu xây dựng ẢNH: AN HUY
“Tôi tích cóp vốn từ Hải Dương vào đây thuê mặt bằng kinh doanh đã 4 năm, ngập ở trên đường tôi quá quen rồi, thế nên cũng xây một bậc xi măng trước nhà và lắp ván gỗ chống ngập. Trận mưa hai đêm 18, 19.5 thật sự quá sức tưởng tượng, nước dâng cao qua khỏi tấm ván tràn vào nhà. Cả trăm tấm thạch cao tôi nhập về bán cũng ướt sũng, hư hỏng hoàn toàn. Người dân đóng thuế thì nhà nước cũng nghĩ cách gì giúp dân làm ăn, chứ mưa ngập thiệt hại thế này thì chỉ có chuyển đi nơi khác”, anh Hùng chia sẻ.
Cứ mưa ngập đường là vắng khách
Trong khi đó, đường Cây Trâm (đoạn qua Công viên Làng Hoa, Q.Gò Vấp) nhiều năm qua cũng là nỗi ám ảnh của người dân mỗi khi mưa lớn.
Ông Nguyễn Xuân Đông (43 tuổi, người dân gần đó) cho biết: “Tuyến đường này là ngập thường xuyên, một năm không biết bao nhiêu đợt. Chỉ cần mưa đổ xuống khoảng 30 phút là tuyến đường mênh mông nước, xe chết máy hàng chục chiếc dắt thành từng đoàn. Nói chung là ai đi qua đây vào thời điểm mưa lớn cũng ngán ngẩm”.
Ông Đông cho biết, ông thuê mặt bằng tại đây bán nông sản đã hơn 6 năm nay, ông không biết tuyến đường Cây Trâm ngập từ khi nào, lúc về buôn bán nơi đây cửa hàng ông luôn bì bõm nước mỗi khi mưa xuống.
Người dân sống trên đường Cây Trâm phải khốn đốn vì ngập diễn ra nhiều năm qua ẢNH: AN HUY
“Tôi nhập nông sản từ trên Đà Lạt xuống đây bán, cứ hễ mưa xuống là vắng khách. Buổi tối mưa lớn là phải thức canh nước chứ đâu có ngủ được, nếu nước dâng vào nhà phải kê hàng hóa lên cao để tránh ngập. Tôi không hiểu khu vực này sao lại ngập sâu và lâu rút nước đến vậy, trong khi nhân viên thoát nước đô thị cũng thường xuyên đi nạo vét”, ông Đông than thở.
Bà Nguyễn Thị Chín (60 tuổi, ngụ 171/2A Cây Trâm) cũng là một trong những hộ chịu cảnh nước ngập tràn vào nhà nhiều năm qua cho biết, bà đã thuê người xây một tường gạch trước cổng nhà để ngăn nước. Nhưng với những trận mưa lớn vừa qua, tường gạch cũng bất lực vì nước dâng quá cao.
“Tôi mà xây tường gạch lên cao nữa thì nhà tôi không khác gì cái chuồng nuôi heo. Mưa nhỏ nước không tràn vào, chứ mưa lớn không cản được. Sau một trận mưa tôi phải dành ra hơn 3 giờ để tát nước, hốt rác và bùn đất ra ngoài, mệt mỏi vô cùng.
Dù xây tường gạch chắn ngay lỗi ra vào nhưng cửa hàng bà Chín luôn phải chịu cảnh ngập nhà mỗi khi mưa lớn ẢNH: AN HUY
Theo Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập TP.HCM, trận mưa tối 19.5, TP có 10 tuyến đường ngập từ 0,1 - 0,25m; thời gian rút nước trung bình sau mưa từ 30 phút - 3 giờ và 22 tuyến đường bị "tụ nước", thời gian rút nước sau mưa từ 10 - 20 phút.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.