Nỗi lo mất mỏ 'vàng ròng' trên vịnh Bái Tử Long

Lã Nghĩa Hiếu
Lã Nghĩa Hiếu
03/05/2021 08:07 GMT+7

Nghề đào sá sùng đem lại sinh kế từ bao đời nay cho nhiều người dân H.Vân Đồn (Quảng Ninh) đứng trước nguy cơ bị xoá sổ, do nhiều bãi triều ở đây đang bị tác động bởi các dự án lấn biển, khai thác cát…

Nhọc nhằn đãi cát săn “vàng ròng”

Một ngày cuối tháng 4, chúng tôi có dịp theo chân những người dân đi săn sá sùng dọc bờ biển các xã Đông Xá, Hạ Long (H.Vân Đồn, Quảng Ninh). Mùa này con nước cạn, nên từ sáng tinh mơ, người dân đã phải dậy sớm ra biển “đãi cát tìm vàng”.
Tại bãi triều xã Đông Xá, nhiều nhóm phụ nữ trung niên trong trang phục dài tay, đầu đội nón lá, chân đi ủng, mặt đeo khẩu trang vải kín mít chỉ lộ ra đôi mắt, đang cặm cụi tìm “mồi”. Dụng cụ đánh bắt của những phụ nữ này thật đơn giản: chỉ với chiếc mai sắt dài chừng 2 m dùng để đào tổ sá sùng và chiếc rổ giắt bên hông để đựng “chiến lợi phẩm”.
Gắn bó với nghề săn sá sùng hơn 20 năm nay, chị Nguyễn Thị Hằng (40 tuổi, thôn Đông Thịnh, xã Đông Xá) vừa khom lưng dò tổ sá sùng, vừa cho biết công việc này thường phụ nữ tham gia nhiều hơn cánh mày râu, bởi nó không chỉ nặng nhọc, còn đòi hỏi sự kiên nhẫn, chăm chỉ và khéo tay. “Hàng ngày chúng tôi bán mặt cho đất, bán lưng cho trời đến trưa. Ai chịu khó cũng gom được chừng 5 - 6 kg sá sùng tươi”, chị Hằng nói.
Với thâm niên lội bùn trên bãi triều hơn 30 năm, bà Tô Thị Diên (50 tuổi, thôn Đông Tiến, xã Đông Xá) nói: “Đã làm cái nghề săn sá sùng thì phải chịu khó, bởi công việc này lúc nào cũng phải cặm cụi suốt mấy tiếng đồng hồ giữa bãi triều. Kỹ thuật thì chẳng có gì cao siêu nhưng phải tinh mắt. Khi nhìn đúng tổ, tay phải thật nhanh, còn chân đạp thật khỏe xuống mai để mai cắm thật sâu xuống bùn, chặn đường lẩn trốn của sá sùng, có thế mới móc được nó lên. Người mới vào nghề lò dò cả sáng chắc chỉ được vài lạng, nhưng sau vài tuần đi săn có thể kiếm 5 - 6 kg sá sùng tươi là chuyện bình thường”.
Cũng theo bà Diên, khó nhất là công đoạn nhặt mồi, vì sá sùng là loài thân mềm, nên tay phải thật khéo mới nhặt được sá sùng lên mà không bị đứt, mới bán được giá cao.
Ngoài 30 tuổi, chị Nguyễn Thị Liên (thôn Đông Tiến, xã Đông Xá) đã có hơn 10 năm trong nghề. Từ khi còn là thiếu nữ, chị đã theo mẹ ra bãi triều săn “vàng ròng” này. “Nghề này khiến phụ nữ chúng em nhanh già lắm. Ngày nào cũng phơi mặt dưới trời nắng chang chang, chưa kể hơi nước biển mặn chát nên ai cũng phải bịt kín toàn thân. Dù đã quen với nghề nhưng em hay bị đau lưng, mỏi cổ, vai, gáy vì thường xuyên phải cúi mặt xuống đất. Tuy nhiên, công việc này đem lại thu nhập khá ổn định, đủ nuôi 2 cháu nhỏ ở nhà ăn học anh ạ”, chị Liên chia sẻ.
Thực tế, loài hải sản này rất được các nhà hàng ưa chuộng vì có giá trị dinh dưỡng cao và có thể chế biến được nhiều món ăn ngon miệng. Sá sùng tươi thì nấu canh, cháo, phở, làm nước mắm; sá sùng khô thì phơi làm đồ nhậu rất tốn bia. Chính vì vậy, sá sùng đắt ngang vàng ròng. Theo các ngư dân, sau mỗi buổi thu hoạch, ngay tại bãi triều đã có tiểu thương chờ sẵn để thu mua sá sùng tươi với giá khoảng 250.000 - 300.000 đồng/kg. Nhiều người không bán ngay cho tiểu thương mà đem sá sùng về sơ chế, phơi khô thì bán được giá cao hơn, khoảng 4 - 6 triệu đồng/kg.
Vì mang lại giá trị kinh tế cao như vậy nên nghề săn sá sùng từ hàng chục năm nay vẫn được ngư dân Vân Đồn duy trì đánh bắt. Nhiều thế hệ con cháu tại huyện đảo này đã lớn lên nhờ việc cha mẹ mưu sinh trên các bãi triều.

Nguy cơ xoá sổ!

Theo UBND H.Vân Đồn, địa phương này có hơn 2.000 ha bãi triều với 800 ngư dân đang hàng ngày mưu sinh bằng nghề săn sá sùng, cào ngao,… tập trung chủ yếu tại các xã Đông Xá, Hạ Long... Sá sùng to, ngọt và nức tiếng nhất huyện đảo này là ở xã đảo Minh Châu (H.Quan Lạn).
Nguồn lợi tự nhiên và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với người dân huyện đảo là vậy, thế nhưng gần đây, các bãi triều tại Vân Đồn đang bị hoạt động kinh tế, xã hội, đặc biệt là việc đổ đất lấn biển làm khu đô thị, hút cát… xâm hại, gây ô nhiễm môi trường tự nhiên, khiến nhiều loài nhuyễn thể, hải sản trên các bãi triều bị suy giảm.

Sá sùng bị sặc bùn chết hàng loạt tại bãi triều xã đảo Quan Lạn

Ảnh LNH

Theo phản ánh của người dân xã đảo Quan Lạn, từ đầu tháng 4 đến nay, Công ty TNHH Quan Minh huy động số lượng lớn sà lan hút cát làm ảnh hưởng đến nguồn lợi hải sản tại các bãi triều. Đáng chú ý, từ hôm 18.4 đến nay, tại khu vực bãi trước xã Quan Lạn, sá sùng bị sặc bùn ngoi lên chết như ngả rạ. Người dân chẳng cần lấy mai đào cũng nhặt về được cả hàng chục cân. Thế nhưng đây là hiện tượng đáng báo động, vì nếu không có biện pháp xử lý kịp thời dẫn đến môi trường bị hủy hoại, sá sùng không thể sinh sôi nảy nở và nguy cơ bị tuyệt diệt tại đây.
Liên tục những ngày qua, người dân xã đảo Quan Lạn, Minh Châu đã gửi đơn kêu cứu đến các cơ quan chức năng của H.Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh, đề nghị trả lại sự bình yên cho các bãi triều, cái gì thuộc về tự nhiên hãy phải được gìn giữ.
Cầm trên tay lá đơn kêu cứu của 37 hộ dân trên đảo, chị Vũ Thị Thương (40 tuổi, xã Quan Lạn) cho biết, việc khai thác cát của Công ty TNHH Quan Minh đã làm ảnh hưởng đến môi trường tại khu bãi triều phía cảng tàu trên đảo.
“Mấy ngày qua, người dân nhặt về cả sá sùng bé như đầu tăm ngoi lên doi cát. Dân đảo ai cũng phản đối việc khai thác cát và mong muốn môi trường tự nhiên không bị tác động. Chúng tôi ủng hộ địa phương phát triển kinh tế, nhưng làm sao phải hạn chế đến mức thấp nhất việc tác động đến môi trường và ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người dân”, chị Thương nói.

Quy hoạch vùng bảo tồn, nuôi trồng sá sùng

Trước phản ánh trên, ông Trương Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND H.Vân Đồn, cho biết qua kiểm tra ban đầu của chính quyền huyện, Công ty TNHH Quan Minh có đầy đủ thủ tục để thực hiện việc hút cát, nạo vét luồng bến do các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Khu vực thi công của doanh nghiệp còn cách 3 km nơi người dân mưu sinh.
Tuy nhiên, theo ông Hùng, tạm thời UBND H.Vân Đồn đã yêu cầu Công ty TNHH Quan Minh tạm dừng dự án khai thác cát silic và dự án nạo vét luồng vào bến tại xã đảo Quan Lạn, để làm rõ kiến nghị của người dân; công khai sơ đồ nơi nạo vét, khai thác cát để người dân nắm bắt; đồng thời có biện pháp đảm bảo môi trường, an ninh trật tự. Ngoài ra, UBND H.Vân Đồn cũng yêu cầu chính quyền xã Quan Lạn tiếp tục duy trì ban giám sát cộng đồng để nắm bắt tình hình mốc giới khai thác cát của doanh nghiệp này.
Không chỉ tại Quan Lạn, khu vực bãi triều xã Đông Xá vừa qua cũng trở thành điểm nóng về việc xâm hại môi trường, nguy cơ xâm hại đến nguồn lợi sá sùng của ngư dân địa phương. Trước đó, cuối tháng 2, chính quyền H.Vân Đồn cũng đã phạt Công cổ phần đầu tư xây dựng đô thị Phương Đông 100 triệu đồng và buộc hoàn nguyên môi trường do hành vi ồ ạt đổ đất lấn chiếm 16 ha khu vực bãi triều xã Đông Xá.
Bà Trần Thị Việt (50 tuổi, khu 2 thị trấn Cái Rồng, H.Vân Đồn) cho biết, từ ngày bãi triều Đông Xá bị doanh nghiệp đổ đất làm khu đô thị Phương Đông, sá sùng tại đây ít hơn hẳn. Đã vậy, chất lượng loài nhuyễn thể này cũng giảm đi một nửa so với nhiều năm trước.
Để giúp người dân địa phương ổn định đời sống nhờ mưu sinh trên các bãi triều, ông Nguyễn Đức Minh, Phó chủ tịch UBND H.Vân Đồn, cho biết địa phương đang tham mưu cho UBND tỉnh Quảng Ninh rà soát, quy hoạch vùng bảo tồn, nuôi trồng sá sùng để đảm bảo sự phát triển đa dạng các nguồn lợi thủy sản, phục vụ cho sự phát triển bền vững của huyện đảo này.
“Hiện nay, các bãi triều đều do người dân tự mưu sinh đơn thuần. Để duy trì nguồn lợi hải sản, địa phương vẫn mong người dân tố giác các hành vi xâm hại môi trường; đồng thời, nghiêm cấm khai thác hải sản theo hình thức tận diệt… có như vậy sá sùng mới sinh sôi nảy nở được”, ông Minh nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.