|
Trang học giỏi và ham học là điều cha mẹ biết, thầy cô biết, bạn bè và ai nấy đều biết. Thế nhưng, có một điều chỉ mình em biết, một mình em đau đáu và trăn trở với nó, đó là cân nhắc quyết định bỏ dở việc học giữa chừng, vì gánh nặng mưu sinh, vì khoản nợ của gia đình đè nặng lên đôi vai nhỏ.
“Lúc này, tiền rất quan trọng với em. Có tiền thì ba mẹ mới trang trải những món nợ viện phí lên đến hàng trăm triệu, tiền lãi ngày càng nhiều. Tiền sẽ cứu em gái trước căn bệnh viêm cầu thận. Nhất định em phải kiếm tiền, góp nhặt từng ít một, để đến hạn người ta đến đòi nợ, mẹ không phải gào khóc tuyệt vọng đòi chết…”, Trang nói với giọng cứng rắn, đôi mắt không hề ngấn nước, như đã trôi ngược vào trong. Chỉ có người đối diện là thấy nghẹn lòng, xót xa quá đỗi.
|
Lăn lộn phụ hồ từ lần mẹ tự tử hụt
Sau giờ học buổi sáng ở trường, Trang ăn vội bữa cơm trưa cùng ba mẹ và em gái bệnh tật để vượt gần 30 km chạy ra TP.Đà Nẵng làm phụ hồ tại một công trình xây dựng. Dưới trưa nắng cháy da thịt của dải đất miền Trung, chúng tôi bắt gặp Trang trong bộ đồ cứng đơ vì bám hồ xây dựng. Dừng công việc, Trang tiếp chuyện chúng tôi với khuôn mặt đỏ bừng.
Trang kể, em làm công việc phụ hồ ở công trình xây dựng đã hơn 1 năm nay. Từ ngày mẹ mắc bệnh ung thư trực tràng phải phẫu thuật đưa ruột ra ngoài, ba mắc bệnh phải cắt bỏ túi mật, em gái lại mắc bệnh viêm phù thận, hai anh thì đang là sinh viên, gia đình cứ như vậy mà rơi vào cảnh khốn cùng. “Em làm tất cả những công việc ở công trình, từ bốc gạch đến trộn hồ… làm hết sức mình để được tăng tiền công. Cứ 2 buổi làm phụ hồ, người ta tính một công và trả cho em 220.000 đồng. Số tiền em làm được sau khi đi học về vẫn không đủ để mua thuốc hằng ngày cho ba mẹ và em gái”, Trang nói.
Nhìn Trang, không ai có thể nghĩ cô gái này chỉ mới 17 tuổi. Vì hằng ngày phải lao động vất vả, bàn tay Trang trở nên to và thô kệch, hệt như bàn tay của những người đàn ông làm phụ hồ chuyên nghiệp. Làm việc dưới nắng nóng khiến khuôn mặt Trang bị rám nắng, làn da cũng trở nên khô ráp. Ở công trình, Trang làm việc không hề có sự khác biệt với những người xung quanh, từ sức lực cho đến vóc dáng. “Vì để nhận được số tiền như mọi người, em phải dốc hết sức mình để làm bằng với anh trai. Cô chú thấy em làm được nên trả tiền bằng với mọi người”, Trang tâm sự.
Vừa làm việc, vừa liếc mắt nhìn em gái bước những bước nặng nề để điều khiển xe rùa đầy ắp gạch, giữa bộn bề cát đá, xi măng..., anh Phạm Phú Sự nghẹn ngào. “Trang còn nhỏ tuổi mà phải làm việc nặng nhọc, em cũng xót lắm. Nhiều lần bắt nó nghỉ việc nhưng đến hạn lãi suất ngân hàng thì mấy anh em lại cùng gồng gánh. Số tiền em làm được hằng tháng cũng chỉ trả được phân nửa tiền lãi suất, hiện ba mẹ và em gái cứ 1 tuần, 10 ngày lại phải nhập viện. Mấy anh em phải bán sức, làm đủ việc để kiếm tiền”, Sự rưng rưng nước mắt tâm sự.
Cha mẹ đau đớn vì bệnh tật hành hạ, chủ nợ lại tìm đến đòi tiền mỗi đêm khiến ý định nghỉ học của Trang ngày một lớn. “Vừa đau đớn vì bệnh tật, vừa sợ chủ nợ đến đòi tiền trước đây vay để đi cấp cứu, khiến mẹ em có lần đi ra sông tự tử, để không làm gánh nặng cho con cái nữa. May thay, hàng xóm kịp thời cứu được mẹ. Từ đó em quyết định đi làm, việc gì em cũng làm để trả nợ và có tiền thuốc men cho cha mẹ, cùng anh trả tiền lãi...”, Trang tâm sự.
Bám xe rác, làm việc nặng nhọc của công nhân vệ sinh
Xong việc phụ hồ ở công trình tầm 5 giờ chiều, Trang tất tả chạy ngược về hướng nhà trên chiếc xe máy cà tàng, đến luôn điểm tập kết rác mà trước đó, Trang đã dùng xe kéo thu gom rác của 800 hộ dân trong thôn lại. “Vào chiều thứ 3 và chiều thứ 6 hằng tuần em không đi phụ hồ mà đi thu gom rác để chiều thứ 4 và thứ 7 sẽ bốc rác lên xe. Công việc này lúc còn khỏe, ba em nhận làm, nay ba đau bệnh nên em làm. Có lúc rác nhiều, ba phải ra phụ em, nhưng đêm về đau quá phải đi cấp cứu”, Trang nói khi tay không ngừng gom từng bịch rác lớn và bốc mùi khủng khiếp.
Nhìn Trang đứng trên chân vịt ở đuôi xe rác, nhiều người không khỏi ái ngại cho cô. “Có lúc em đang đứng trên xe rác thì thấy bạn bè đi học thêm về, em chỉ nhìn mấy bạn được mặc đồ đẹp, được đi học... rồi tiếp tục công việc”, Trang nói rồi nhìn mông lung.
Khi bóng đêm đã bao trùm khắp mọi ngả vào làng thì cũng là lúc Trang kết thúc một ngày lăn lộn mưu sinh. Nhưng Trang không về nhà ngay, vì cô bé còn phải tạt qua chỗ mẹ đang giúp việc nhà để mẹ con cùng về. “Mẹ em bệnh nặng lắm, phải đưa ruột ra ngoài bụng để chữa trị. Nằm ở nhà, mẹ lại nghĩ quẩn và muốn đi làm kiếm tiền nên xin rửa chén ở quán ăn. Có lần do làm việc quá sức, mẹ bị ngất, máu ở bụng chảy ra rất nhiều... nhưng không thể ngăn mẹ đi làm được”, Trang vừa đi vừa kể.
Về đến nhà, cô bé lại lao ra vườn cắt rau vào nấu bữa cơm rau mắm cho ba mẹ và các anh em ăn qua bữa… rồi lại tất bật với cơm nước, với chén bát.
Viết tiếp ước mơ vào lúc nửa đêm
Đến gần 10 giờ đêm, khi mọi việc đã đâu vào đó, cô bé mới bắt đầu ngồi vào bàn học. Trang trở lại là Trang, cô học sinh dễ thương với đèn sách, với bài vở, với những ước mơ vẫn đang dang dở. Học giỏi các môn tự nhiên, Trang cũng ao ước một ngày mình được bước chân vào giảng đường đại học, học để trở thành kỹ sư xây dựng, giám sát công trình như anh hai, cái nghề mà mấy anh em bu bám vào đó để cùng đi qua những ngày gian khó. Nhưng, khi cơm áo trở thành gánh nặng, là thách thức thì người ta không mơ xa xôi làm gì… "Giờ em chỉ mơ ba mẹ khỏe, em gái khỏe, anh ba xin được việc làm trong ngành dầu khí, em thì không phải bỏ học giữa chừng. À, quan trọng hơn, là mơ có tiền trả nợ cho người ta để mẹ đừng đòi chết nữa”, Trang tâm sự.
Bình luận (0)