Bạn trẻ Việt đầy khát khao với những ước mơ thành sự thật năm mới 2018

Với những bạn trẻ đầy nghị lực ấy, số phận đã không ruồng rẫy họ khi biến ước mơ thành sự thật; giúp họ đương đầu nghịch cảnh, sống tốt hơn, yêu thương cuộc đời hơn.

Một năm qua, 6 câu chuyện của Chạm vào ước mơ trên Báo Thanh Niên là những hoàn cảnh khác nhau nhưng tất cả đều có điểm chung: đó là những người trẻ nhiều khát khao, hoài bão nhưng không may gặp phải những biến cố lớn trong cuộc đời. Số phận như hắt hủi họ và cũng chính số phận bất ngờ cho họ gặp được những lòng tốt vô bờ của bạn đọc Báo Thanh Niên, những nhà hảo tâm. Báo như chiếc cầu nối đưa những tấm lòng ấy lại với nhau để rồi biến ước mơ cháy bỏng thành sự thật! 
VIDEO: Hành trình Chạm vào ước mơ của cô giáo mầm non mất 2 chân
Cô giáo không chân đã đi được
Cô gái 21 tuổi Nguyễn Thị Hoa (quê Hà Tĩnh) vừa tốt nghiệp ngành mầm non có lẽ sẽ được bạn đọc và nhiều người nhớ nhiều nhất bởi xuất hiện cùng lúc trong Chạm vào ước mơ - Báo Thanh Niên và Điều ước thứ 7 (VTV3). Một chương trình mà hai cơ quan báo chí lần đầu cùng phối hợp để giúp Hoa.
Nguyễn Thị Hoa kiên trì tập đi sau khi được tặng đôi chân giả trị giá 262 triệu đồng Ảnh: Ngọc Dương

Tai nạn thập tử nhất sinh đã cướp đi của Hoa đôi chân quý giá. Tương lai, số phận của cô có lẽ sẽ mãi quẩn quanh với xe lăn, góc giường, nơi mà bố mẹ đang từng ngày khóc nghẹn vì bi kịch. Nhiều lúc Hoa muốn tự tử vì nghĩ bây giờ sống cũng chỉ là gánh nặng cho gia đình. Ước mơ làm cô giáo ngày nào tan vỡ, chuyển sang ước mơ đi lại bình thường để tự mình có thể sống tiếp dường như cũng chỉ có trong giấc ngủ với điều kiện kinh tế eo hẹp của gia đình thuần nông.
Từ bài viết của phóng viên Phạm Đức, ê kíp đã triển khai kế hoạch, cùng kết nối với những đồng nghiệp VTV3 dành cho Hoa những bất ngờ nhất. Đầu tháng 11.2017, chiếc xe lăn điện, tấm bằng tốt nghiệp, một cơ hội công việc tại trường mầm non và quan trọng nhất là một đôi chân giả “thật xịn” gần 300 triệu đồng đã bất ngờ đến với Hoa.
Một món quà mà cả Hoa, cả gia đình, như sau này bố Hoa hay nhắc: “Em nó có nằm mơ cũng không nghĩ được mình lại may mắn vậy”. Một tuần sau, những phóng viên, cộng tác viên Báo Thanh Niên lại tiếp tục đón Hoa ở TP.HCM với phần hỗ trợ 30 triệu đồng để Hoa trang trải cho việc lắp chân và tập đi.
Hoa háo hức chờ đợi đôi chân sẽ gắn bó với mình. Cô tự tin, mạnh mẽ đến nỗi chúng tôi và các chuyên viên của Công ty Otto Bock (hãng cung cấp dụng cụ chỉnh hình) cũng không ngờ, khi chỉ sau vài ngày Hoa đã chập chững bước những bước đi đầu tiên với đôi chân mới. Hoa hạnh phúc bật khóc: “Em đã từng sợ phải ngồi trên xe lăn suốt đời nhưng giờ em có thể tự bước đi trên đôi chân của mình, đây là điều em chưa từng dám mơ. Em có cảm giác như mình được sinh ra lần nữa”.

Những bước đi của Hoa giờ đây đã thật vững hơn, cô đã cảm thấy tự tin để điều khiển đôi chân nặng gần chục ký của mình. Từng ngày, từng ngày, cô gái bé nhỏ với nụ cười thật duyên và tỏa nắng ấy đã tỉ mẩn tự đứng thăng bằng, tự đi được mà không cần ai đỡ phía sau.
Cô nàng 9X một chân lên đại học
Cũng mất chân như Hoa nhưng Bùi Thị Trinh (24 tuổi, quê Thanh Hóa) đã quen với cảnh chống nạng từ năm 9 tuổi. Trinh là chị đầu trong nhà có một em gái, một em trai nhưng cả hai đều bị mù bẩm sinh. Trinh vào TP.HCM tìm việc với 1 cái chân giả đã cũ sờn luôn khiến em đau tấy, cùng với ước mơ sẽ học liên thông lên đại học.
VIDEO: Trinh "cụt" và đôi chân vững để bước tiếp cuộc đời
Bùi Thị Trinh Ảnh: Vũ Phượng

Tháng 4.2017, Bùi Thị Trinh đứng trên sân khấu Chạm vào ước mơ để nhận chiếc chân giả (trị giá gần 40 triệu đồng) cùng 1 suất học bổng liên thông đại học (144 triệu đồng) do Tập đoàn Nguyễn Hoàng trao tặng. Giây phút ấy, Trinh không bao giờ nghĩ đến lại có thể thấy mẹ và em trai bất ngờ đứng trước cửa phòng trọ của mình. Những người thân của Trinh đã được chúng tôi bí mật đón vào TP.HCM để cùng chứng kiến khoảnh khắc hạnh phúc nhất của Trinh. Ba người ôm nhau mừng mừng, tủi tủi.

8 tháng sau khi ước mơ thành sự thật, chúng tôi gặp lại Trinh. Cô gái 24 tuổi vẫn luôn lạc quan và tươi cười như thế, bước đi đẹp hơn vì Trinh đã quá quen với chiếc chân “xịn” của mình. Trinh kể rằng sau chương trình, có nhiều người biết đến Trinh hơn, cả những người xa lạ cũng tìm đến bệnh viện tìm gặp chỉ để bắt tay và nói: “Cố lên nha Trinh” đã giúp cô có thêm thật nhiều động lực. Facebook của cô nàng bán hàng online này cũng xôm tụ hơn.
Trinh tươi cười nói: “Chiếc chân “xịn” này giúp em đi học, đi làm thoải mái và nhanh nhẹn hơn. Trước mắt em muốn học thật tốt, có cơ hội được gặp nhiều bác sĩ giỏi trong và ngoài nước để chữa khỏi mắt cho hai em của em. Lúc trước em lạc quan 1 thì giờ phải tới 10 rồi, lúc nào em cũng cười hết, em còn may mắn hơn rất nhiều người mà”.
Phép màu của chàng trai ung thư xương

Lê Văn Khang (16 tuổi, quê Phú Yên) khi đang phụ cha mẹ đi làm kiếm tiền dịp hè 2016 thì bất ngờ sốt nhẹ, sau nhiều ngày uống thuốc không hết mà cánh tay trái lại còn sưng tấy lên.
Đưa con đi khám, bà Lê Thị Thành (59 tuổi, mẹ của Khang) như ngã quỵ khi bác sĩ chẩn đoán em bị ung thư xương. Cả một năm hai mẹ con ở Bệnh viện Ung bướu để xạ trị và vô thuốc, Khang không còn dám ước mơ điều gì...
Nỗi ám ảnh cưa tay cứ bám lấy Khang. Nếu cưa tay rồi em có còn được sống hay làm sao để làm cảnh sát giao thông như từng ước mơ. Để tiếp thêm nghị lực cho Khang chống chọi với bệnh tật, ngày 23.3.2017, ê kíp Chạm vào ước mơ đã phối hợp cùng Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (PC67, Công an TP.HCM) mang đến điều bất ngờ dành tặng Khang - đó là một ngày được làm cảnh sát giao thông.
VIDEO: Chàng trai ung thư xương và một ngày trở thành "CSGT chuyên nghiệp"
Lê Văn Khang Ảnh: Vũ Phượng
Sau sự ngỡ ngàng vì chưa hiểu điều gì đang xảy ra, Khang đã hào hứng và cười thật tươi khi vừa thay xong bộ cảnh phục cảnh sát giao thông. Có lẽ chẳng bao giờ chàng trai 16 tuổi này nghĩ mình lại đẹp trai trong bộ cảnh phục hằng mong ước bấy lâu.

Ngồi xe tuần tra, Khang cùng các chú, các anh “đồng nghiệp” ra đứng ở ngã tư đường tham gia điều tiết giao thông. Kết thúc chương trình, Khang điện thoại về khoe với cha, anh chị và cả những người bạn cùng phòng bệnh. Khang nói sẽ cố gắng trị bệnh để biến ước mơ này thành hiện thực.
Bà Lê Thị Thành nói sau chương trình Khang vui lắm, lại có nhiều người đến động viên. Bà chia sẻ thêm: “Trước cứ tưởng phải cắt tay trái đi nên Khang buồn lắm, nhất định không chịu và khóc suốt. Rồi có một bác sĩ hướng dẫn chuyển Khang qua Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình để lấy xương chân đắp lên phần xương tay trái đang bị ung thư. Từ đó Khang khỏe hơn và mới quay trở về lại Bệnh viện Ung bướu để tiếp tục vô thuốc. Ngày Khang trở lại trường học có lẽ không còn xa xôi nữa”.
Ba anh em mồ côi đi học
Ba anh em Trần Quốc Cường (14 tuổi), Trần Huỳnh Bảo Ngọc (12 tuổi) và Trần Huỳnh Bảo Trân (10 tuổi) mồ côi từ nhỏ. Ở với bà ngoại, các em phải lao vào dòng đời mưu sinh. Ba đứa trẻ không quay trở lại trường học vì sợ bà ngoại không đủ tiền đóng học phí. Ước mơ đến trường quả thật xa vời.
VIDEO: Ba anh em mồ côi đến trường ngày khai giảng
Bà ngoại cùng ba đứa cháu mồ côi Ảnh: Ngọc Dương

Ngày khai trường 5.9.2017, ê kíp Chạm vào ước mơ phối hợp cùng Phòng Giáo dục - Đào tạo quận 8 (TP.HCM) đưa ba em quay trở lại trường học trong niềm vui hạnh phúc như ngày đầu tiên đi học. Thầy Dương Văn Dân, Trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo, hứa sẽ miễn học phí hoàn toàn tới khi các em học xong phổ thông. Công ty cổ phần đầu tư địa ốc Tiến Phát cũng tài trợ mỗi tháng 3 triệu đồng để bà Bùi Thị Đào (62 tuổi) chăm sóc cho ba anh em.

Hết học kỳ 1 năm học này, anh em vẫn đang theo học tại Trường trung học cơ sở Sương Nguyệt Anh và Trường tiểu học Bông Sao. Trong đó, em út Bảo Trân luôn có thành tích học tập nổi bật. Quốc Cường chia sẻ: “Em đi học phổ cập buổi tối nên ban ngày vẫn đang đi học nghề sửa xe và được trả lương. Mỗi tháng em đều mang về đưa hết bà ngoại để mua sữa cho hai em. Ba anh em sẽ bảo nhau cố gắng học để mai mốt thành tài như lời mẹ dặn”.
Bà Bùi Thị Đào tâm sự, khi mẹ ba đứa trẻ mới mất, một mình bà với tiệm tạp hóa lụp xụp không thể vừa lo tiền nhà trọ, vừa lo cho cả ba đứa ăn học nên sắp nhỏ phải ra đời đi làm sớm. “Đến giờ tôi vẫn thấy may mắn vì cả ba đứa cháu đã được đi học trở lại, mỗi ngày đi học về là ba anh em lại ngồi vào bàn học, học xong lại ra phụ bà bán quán chứ không đi chơi ở đâu”, bà Đào rơm rớm nước mắt.
Truyền cảm hứng như Nick Vujicic
Không may mắn như mọi người, Nguyễn Thị Huyền (27 tuổi, quê Đắk Nông) đã bị dị tật ngay từ khi mới lọt lòng, đôi tay cong vẹo cùng đôi chân nhỏ xíu, làm gì cũng phải có sự giúp đỡ của cha mẹ. Đến trường, Huyền bị các bạn gọi là “yêu quái” nhưng vẫn cố gạt ngoài tai để tiếp tục đi học.
VIDEO: Cô gái tật nguyền làm diễn giả truyền cảm hứng giống Nick Vujicic
Khi trở thành sinh viên Trường đại học Công nghệ thông tin (Đại học Quốc gia TP.HCM), Huyền đã tự mình tìm việc làm thêm để trang trải cuộc sống xa nhà. Huyền khát khao được trở thành Nick Vujicic của Việt Nam, được truyền cảm hứng đến mọi người thông qua chính những câu chuyện của mình.
Nguyễn Thị Huyền được tài trợ làm răng sứ và tự tin hơn sau chương trình Ảnh: nhân vật cung cấp

Ngày 30.5.2017, ê kíp Chạm vào ước mơ phối hợp cùng Trường THPT Nhân Việt (TP.HCM) bí mật tổ chức một buổi tọa đàm và mời Huyền làm diễn giả chính mà Huyền không biết trước. Ngay tại chương trình, nước mắt Huyền chực rơi khi vừa nói lên những tình cảm của mình dành cho cha thì cha và em gái của Huyền bất ngờ bước lên từ phía dưới sân khấu. Huyền vỡ òa trong nước mắt hạnh phúc khi có hai khán giả thật đặc biệt đã theo dõi mình từ đầu chương trình.
Kết thúc chương trình, Huyền được nhà hảo tâm giấu tên tặng 10 triệu đồng tiền mặt và hỗ trợ mỗi tháng 2 triệu đồng đến khi ra trường để Huyền yên tâm học tập. Cảm giác nói trước đám đông, chia sẻ câu chuyện vươn lên của mình khiến Huyền thêm đầy tự tin để mạnh mẽ học tiếp.
Sau chương trình, Huyền nhận được vô số lời động viên từ những người không quen biết. Huyền tâm sự rằng mình tự tin hơn và cũng có nhiều cơ hội hơn, đặc biệt là “nổi tiếng” hơn nên Huyền chuyển qua bán hàng online để tự lo cho chính mình mà không cần cha mẹ gửi tiền hằng tháng. “Mình không thể tin được rằng có một ngày được đứng trên sân khấu lớn diễn thuyết về cuộc đời mình, qua đó thể hiện được tình cảm biết ơn vô bờ bến với người cha thân yêu của mình. Mọi thứ càng tuyệt vời hơn nữa khi mình nhận được những món quà to lớn và bất ngờ từ Chạm vào ước mơ. Đó là món quà vừa mang ý nghĩa về tinh thần cũng như vật chất, nó hỗ trợ mình rất nhiều những năm tháng còn ngồi trên giảng đường. Mình biết mình là một cô gái không hoàn hảo nhưng mình là cô gái rất may mắn”, Huyền trải lòng.
Điều đặc biệt nhất là qua Facebook Báo Thanh Niên, một nha sĩ đã liên hệ để làm răng sứ cho Huyền, đính kèm thêm hạt đá lấp lánh để Huyền tự tin hơn khi nói trước đám đông.
Niềm vui của Cô giáo 9X bị ung thư
Với cô giáo 9X ở Gia Lai Nguyễn Lữ Thu Hồng đầy nghị lực vượt lên căn bệnh ung thư tụy, Chạm vào ước mơ thực sự đã đem đến nhiều đổi thay cho nhân vật.
VIDEO: Cô giáo 9X xinh đẹp ung thư và những vần thơ xúc động
Cô giáo Thu Hồng vẫn tận tụy bên học trò của mình Ảnh: Trần Hiếu

Chúng tôi hẹn Hồng ngay tại Trường trung học cơ sở Kpă Klơng (xã Ia Pia, huyện Chư Prông, Gia Lai), nơi đây cô giáo 9X đã suốt 8 năm ròng rã, âm thầm chiến đấu với căn bệnh ung thư tụy quái ác. Hồng là nhân vật chính của Chạm vào ước mơ của Báo Thanh Niên lần 5, với ước mơ tập thơ đầu tay ra đời đã được Báo Thanh Niên và các đồng nghiệp bí mật in, sau đó chính ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng bất ngờ xuất hiện đọc và trao gửi cho cô giáo trẻ này. Cô Hồng cho biết cuộc sống của mình có sự đổi thay lớn lao.

“Báo Thanh Niên đã cho em một cơ hội dù nằm mơ cũng không tưởng tượng được. Mạng xã hội trở nên phổ biến như hôm nay, thông tin về em, về chương trình mà báo tổ chức có sức lan tỏa khủng khiếp. Bạn bè em khắp nơi bất ngờ về căn bệnh của em, đã gửi những chia sẻ, động viên. Từ những làng xa em dạy học, học sinh xem trên mạng cũng biết. Các em đã mở những bài viết, clip cho bố mẹ xem. Nhiều phụ huynh nói với em rằng họ đã khóc khi xem và nhắc nhở con em phải nghe lời cô giáo hơn”, cô Hồng nói.
Cô giáo Cao Thị Dịu, Hiệu trưởng trường, cho biết: “Em không tâm sự gì về sức khỏe nên khi biết tin, thầy cô ở trường bất ngờ. Mọi người đã gọi điện chia sẻ với em”. Người dân các làng xa xã Ia Pia qua phương tiện truyền thông bất ngờ khi cô giáo nhỏ nhắn dạy ở xã xuất hiện trong chương trình của Thanh Niên. Mỗi lần đi chơi, đi ra chợ mua hàng họ đều ồ lên, chào cô giáo với sự thân mật. Phụ huynh khi có được mớ rau trồng ở vườn hay kiếm được ít cá tôm khi ra đồng cũng sai con đến biếu cô giáo. Cộng đồng bản địa Jrai nơi biên giới đã xem cô giáo như người thân của họ. Họ bất ngờ và tự hào về cô giáo nhỏ nhắn nhưng đầy nghị lực đang dạy con em họ mỗi ngày.
Những ngày cuối tháng 11.2017, Phạm Thị Huỳnh Nga (20 tuổi, quê Tiền Giang), nhân vật đầu tiên của chương trình Chạm vào ước mơ, đã qua đời tại nhà vì căn bệnh ung thư máu. Trước đó, tháng 12.2016, khi Nga còn đang điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy, ê kíp thực hiện chương trình đã mang đến bất ngờ khi giúp Nga thực hiện ước mơ của mình, đó là một lần được đứng trong lớp, trò chuyện cùng những em học mầm non. Bà Lê Thị Ngọc (mẹ của Nga) cho biết sau khi ước mơ được thực hiện, Nga cũng lạc quan hơn để tiếp tục chống chọi với căn bệnh quái ác này. Nhưng điều kỳ diệu đã không xảy ra. “Đầu tháng 11, Nga thấy mệt nhưng chỉ muốn ở nhà. Nga dặn tôi hãy lo cho em gái thay vì lo lắng cho Nga, Nga xin lỗi rồi nằm thiếp đi, rồi Nga mất…”, bà Ngọc kể lại trong nước mắt. Ở nơi xa, mong em sẽ an vui…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.