Chạm vào ước mơ cùng Báo Thanh Niên: Tuổi 22 gánh vác cả nhà

Cha mất đột ngột, mẹ làm giúp việc ở xa; cô sinh viên xuất sắc năm cuối Trần Thị Loan đứng ra gồng gánh gia đình với bà nội già yếu và 4 đứa em thơ, làm đủ việc nặng nhọc mà đàn ông còn phải lắc đầu ở vùng quê nghèo cát trắng Triệu Lăng, H.Triệu Phong, Quảng Trị.

Cô sinh viên xuất sắc “cày” hơn đàn ông để nuôi em
Dù thời gian làm việc nhiều hơn thời gian học hành nhưng Loan vẫn học giỏi và đậu vào ngành khuyến nông (ĐH Nông Lâm Huế).
Sau khi cha Loan mất vì xuất huyết não (tháng 2.2017), mẹ Loan dù quần quật nhưng không xoay xở nổi để nuôi Loan và 4 đứa em: Trần Thị Lương (14 tuổi), Trần Thị Thiện (12 tuổi), Trần Chí Thông (9 tuổi) và Trần Trung Tài (7 tuổi) đang tuổi ăn tuổi học. Thế là cô sinh viên chị cả đứng ra làm trụ cột.
VIDEO: Toàn chương trình Chạm vào ước mơ của nữ sinh 9X làm đủ việc của đàn ông
Miễn là việc lương thiện, ai kêu gì Loan cũng làm. Những công việc mà Loan từng trải qua để kiếm tiền chỉ nghe qua lắm chàng trai cũng phải đắn đo: cắt cỏ thuê, bẻ đầu cá, bốc xi măng, bốc gạch, kéo xe… Làm đủ các công việc chân tay như một nam giới khỏe mạnh, Loan kiếm được 5 triệu đồng (trong ba tháng hè), mà riêng việc nộp tiền học, chi tiêu cho 4 đứa em đã ngót 4 triệu, cộng với chi tiêu lặt vặt trong nhà, Loan chẳng còn món tiền nào để mua cho mình tấm áo mới. Dù thế, thành tích học tập của em vẫn rất đáng nể khi 2 năm đầu đạt học lực giỏi, năm 3 đạt xuất sắc và năm 4 đang được chọn làm khóa luận tốt nghiệp.
Bật khóc với những điều kỳ diệu
Loan cứng cỏi và nghị lực đến nỗi chúng tôi nghĩ em không... biết khóc. Từ sau ngày cha mất, Loan chưa khóc bao giờ. Có ai đó bảo rằng, Loan như cây tre, dù hãy đang xanh nhưng vẫn đủ sức trụ vững giữa cuộc đời. Loan bảo mình ít khi khóc không phải vì không buồn, không đau mà chỉ vì em luôn cố kìm nén cảm xúc của mình.
Ngay sau khi câu chuyện của Loan được Thanh Niên đăng tải, Thanh Niên đã “bí mật” đến phút chót để giúp em chạm vào ước mơ đáng yêu của mình. Vào một ngày cuối năm 2017, chúng tôi đưa Loan lên chợ Cạn (xã Triệu Sơn. H.Triệu Phong) với số tiền 2 triệu đồng chương trình tặng để mua quà cho em và mẹ, người mà em chưa bao giờ có dịp tặng.
Cùng lúc này, bà Trần Thị Luyến (mẹ Loan) từ nơi làm giúp việc (TX.Quảng Trị) cũng được chúng tôi “bí mật” đưa về khu mộ của chồng bà. Sau khi Loan khoe với ba món quà nhỏ, từ đằng xa, bà Luyến xuất hiện. Hai mẹ con ôm chầm nhau khóc nức nở.

Đã lâu lắm rồi, vì bận lo miếng cơm manh áo, Loan và mẹ không gặp nhau. Hôm nay họ tâm tình với nhau bên cạnh mộ của cha, của chồng. Cả hai cùng có ước mơ sẽ đắp lại ngôi mộ cho vững chãi tránh mưa, tránh cát sau ngày mãn tang. Ước mơ giản dị nhưng thật xa vời khi quanh năm cả nhà chỉ vừa đủ ăn. PV Vũ Phượng trao món quà đầu tiên của chương trình Chạm vào ước mơ là khoản tiền 25 triệu đồng do Công ty Gia Hân Windows chia sẻ để giúp hai mẹ con an lòng trong việc tu bổ ngôi mộ.
Để có tiền lo cho gia đình, Loan đi cắt cỏ với tiền công 150.000 đồng/ngày
Loan và mẹ về nhà, trong sân là chiếc thuyền cũ từ ngày cha Loan mất bị “bỏ quên” sau vườn tre, hôm nay được đưa vào giữa sân. Sân khấu chính chương trình Chạm vào ước mơ của Báo Thanh Niên được đặt ngay trên con thuyền mà Loan và cha đã cùng khiêng vác, gắn bó cả tuổi thơ em.
Rồi bốn người em với chiếc xe đạp mới toanh do PV Nguyễn Phúc trao tặng đã xuất hiện ở cổng. Bà Luyến chạy đến ôm chầm cậu con út, còn Loan nhận hộp quà bé nhỏ từ tay em gái. Bên trong là tờ giấy hẹn nhận giấy đăng ký của chiếc xe máy biển số 74A-221.68 đứng tên Trần Thị Loan. Và chiếc xe đúng màu Loan thích đã hiện diện nơi góc sân. Món quà thứ 2 này do nhóm Thiện nguyện Sài Gòn hỗ trợ nhằm giúp Loan bớt gập ghềnh hơn trong việc học, đi thực tập và cả đi làm sau này.
Mời đến làm việc đúng ngành học
Chưa kịp lắng đọng cảm xúc, như lời Loan: “Cơn bão ước mơ thành sự thật cứ như đang ập đến”, thì ông Bùi Đức Huy, Phó giám đốc Công ty CP Nông sản hữu cơ Quảng Trị, xuất hiện và trao cho Loan cơ hội được làm việc đúng chuyên ngành tại công ty ông, ngay cả khi chưa ra trường.
“Chúng tôi cảm ơn Báo Thanh Niên vì đã tìm ra Loan. Công ty chúng tôi đang rất cần những nhân viên có chuyên môn, giàu nghị lực và chịu khó như Loan. Nếu trong tương lai Loan thể hiện tốt, chúng tôi sẽ đào tạo em để đứng vào vị trí quản lý”, ông Huy nói. Với cơ hội này, những mong mỏi của Loan, của gia đình, thậm chí của cha Loan nơi chín suối cũng đã được an lòng. Loan cho biết sẽ ra làm quen ngay với công việc mới.
Chưa hết, ông Đặng Quang Hải, Phó chủ tịch UBND xã Triệu Lăng, cho biết ngay trong năm 2018 đưa gia đình Loan vào diện hộ nghèo, năm học sắp tới 4 người em Loan sẽ được miễn giảm học phí theo đúng quy định. Nhóm Thiện nguyện Sài Gòn còn gửi tặng em Trần Thị Thiện (em gái Loan) gói học bổng 30 triệu đồng (1 triệu đồng/tháng) cho đến hết lớp 9, với điều kiện phải đạt học sinh giỏi. Anh Trần Xuân Anh, Phó bí thư Tỉnh đoàn, chia sẻ sẽ cùng dõi bước theo hành trình của Loan để có những hỗ trợ kịp thời nhất.
Trải qua bao cung bậc cảm xúc với nhiều nước mắt để rồi những nụ cười hé nở, Chạm vào ước mơ của Báo Thanh Niên đã cùng Loan đi hết nửa hành trình chạm vào những điều ước mà mới mấy ngày trước với Loan còn thật xa xôi. Hành trình còn lại, hẳn Loan sẽ tự tin bước tiếp bằng đôi chân của mình.
Chương trình Chạm vào ước mơ của Báo Thanh Niên nhằm hỗ trợ, giúp đỡ những số phận bất hạnh thực hiện được những ước mơ bé bỏng, tốt đẹp bị dang dở do biến cố của cuộc sống. Đến nay, chương trình đã phát được 9 số trên thanhnien.vn. Chương trình Chạm vào ước mơ: Nữ sinh 9X làm đủ nghề nuôi em khiến đàn ông phải phục được phát trên thanhnien.vn và fanpage Báo Thanh Niên.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.