Nữ tiến sĩ gốc Việt trở thành ngôi sao nghiên cứu trị ung thư

19/11/2017 13:32 GMT+7

Nữ tiến sĩ gốc Việt Tien Huynh (41 tuổi) trở thành 'Siêu sao nghiên cứu khoa học và công nghệ' ở Úc với nghiên cứu dùng gấc trị ung thư.

Kể từ lúc còn bé, Tien Huynh đã đam mê nghiên cứu cây cối và khoa học. Là một trong số hiếm những nữ sinh viên gốc Việt tại Đại học RMIT ở thành phố Melbourne (Úc), bà đã vượt qua nhiều trở ngại, thách thức, chú tâm học tập và tốt nghiệp vào năm 1998, chuyên ngành nghiên cứu bệnh cây trồng, y học vi sinh, độc học sinh thái. Bà giành được học bổng tiến sĩ và bảo vệ thành công luận án tại Đại học Melbourne vào năm 2003 và sau đó hoàn tất chương trình nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại Ý và Anh.
Từ trái gấc mua ở chợ VN
Trong một chuyến công tác trở về VN, lúc đi mua sắm tại một khu chợ, bà phát hiện trái gấc. Bà đã mang gấc trở về Úc, nghiên cứu những tác dụng của loại trái này kể từ năm 2009. Sau nhiều năm nghiên cứu, bà phát hiện trái gấc có chứa những chất có thể tiêu diệt 85 - 90% tế bào ung thư mà không gây ảnh hưởng đến tế bào bình thường trong cơ thể con người. “Trái gấc chứa những chất có thể giúp điều trị ung thư biểu mô, hắc tố và một số loại ung thư vú khác”, bà Tien Huynh trả lời phỏng vấn Đài SBS.
Phát hiện này là bước tiến đột phá trong lĩnh vực nghiên cứu điều trị căn bệnh ung thư quái ác khiến hàng triệu người chết hằng năm trên thế giới. Vào tháng 8.2017, tiến sĩ Tien Huynh được Tổ chức Khoa học và công nghệ Úc (STA) trao giải thưởng “Siêu sao nghiên cứu khoa học và công nghệ” (STEM), vốn vinh danh phụ nữ có công lao đóng góp cho khoa học. STA là tổ chức đại diện cho trên 68.000 nhà khoa học trong tất cả lĩnh vực nghiên cứu, tham gia cố vấn và hiến kế về chính sách cho chính phủ.
Từ đó, nhiều hãng dược trên thế giới đã liên hệ với nhà khoa học Tien Huynh để phát triển thuốc chiết xuất từ trái gấc. Tuy nhiên, tiến sĩ Tien Huynh khẳng định trước tiên phải hoàn tất nghiên cứu về trái gấc, tăng cường ý thức mọi người về tác dụng của loại trái này trước khi hợp tác với bất kỳ công ty nào. Bà đang tập trung nghiên cứu liệu rằng sử dụng trái gấc hằng ngày có thể giúp bảo vệ hoặc ngăn chặn ung thư. “Tôi muốn mọi người biết đến tác dụng của trái gấc, sử dụng nó như thực phẩm tự nhiên hằng ngày hơn là bào chế thành dược phẩm, bởi vì thuốc trị ung thư thường rất đắt đỏ và không phải ai cũng có thể tiếp cận được”, tiến sĩ Tien Huynh chia sẻ. Hiện tiến sĩ Tien Huynh cùng với các sinh viên nỗ lực nghiên cứu biện pháp để trồng trái gấc ở Úc do có khí hậu khác với VN. Hằng ngày, bà dành nhiều thời gian cùng sinh viên chăm sóc và nghiên cứu cây gấc trong nhà kính tại Đại học RMIT ở thành phố Melbourne.
Truyền cảm hứng
Nói về con đường thành công trong lĩnh vực nghiên cứu, tiến sĩ Tien Huynh chia sẻ rằng mẹ và Giáo sư Ann Lawrie là hai phụ nữ có sức ảnh hưởng lớn đối với bà. Mẹ luôn động viên bà theo đuổi đam mê và giấc mơ. Trong khi giáo sư kỳ cựu Lawrie, Trưởng khoa Sinh vật học thuộc Đại học RMIT với nhiều nghiên cứu về thảo dược, lại là người truyền cảm hứng, hướng dẫn tận tình cho bà đi theo con đường khoa học. “Giáo sư Ann Lawrie giống như người mẹ thứ hai, là tấm gương thành công để cho tôi noi theo. Được học tập, nghiên cứu cùng Giáo sư Ann Lawrie là niềm vinh dự của tôi”, bà Tien Huynh nói.
Tiếp bước Giáo sư Lawrie, tiến sĩ Tien Huynh truyền cảm hứng nghiên cứu cho thế hệ sinh viên trẻ. Bà đang hướng dẫn cho Dao Nguyen, một nữ sinh viên theo học chương trình thạc sĩ tại RMIT, thực hiện đề tài nghiên cứu về trái gấc. “Tiến sĩ Tien Huynh là một giảng viên tuyệt vời, khơi nguồn cảm hứng, động viên phụ nữ theo đuổi đam mê nghiên cứu khoa học”, Dao Nguyen cho hay.
Nhà khoa học Tien Huynh khẳng định mục tiêu và khát khao nghiên cứu khoa học phục vụ cộng đồng quan trọng hơn cả giải thưởng STEM. Hằng năm, bà đều dẫn đoàn sinh viên Úc sang cơ sở RMIT ở TP.HCM để giao lưu với sinh viên VN, truyền cảm hứng nghiên cứu về điều trị ung thư cho thế hệ trẻ sau này. Tiến sĩ Tien Huynh hiện cũng là diễn giả và cố vấn cho chính phủ, doanh nghiệp tại một số quốc gia ASEAN.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.