Nuôi tôm sinh thái được nhiều cái lợi

Tôm sinh thái là một khái niệm mới trong ngành nuôi trồng thủy sản không chỉ trên đất nước ta mà còn ở ngay cả các quốc gia có nghề nuôi trồng thủy sản và chế biến tôm xuất khẩu.

Khái niệm này có ở ta từ năm 2015, cho đến nay có thể khẳng định tôm sinh thái là một sản phẩm ngon, bổ dưỡng, tốt cho sức khỏe con người. Nuôi tôm sinh thái còn góp phần bảo vệ và giữ gìn môi trường sống.
Tôm sinh thái phát xuất từ xã Viên An Đông (H.Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau). Đây là vùng rừng ngập mặn ven biển, xứ sở của các loài cây đước, mắm, sú, vẹt mọc thành rừng, chằng chịt nhiều kênh rạch, ngọn xẻo.

tin liên quan

Người nuôi tôm xứ Huế điêu đứng
Tỉnh Thừa Thiên-Huế có tổng diện tích 3.850 ha nuôi tôm sú, thời tiết giá rét kéo dài vừa qua đã khiến hàng ngàn hộ nuôi tôm điêu đứng.
Nước thủy triều từ biển vào hằng ngày rồi rút ra, đem đến cho kênh, rạch, xẻo ngọn những phiêu sinh vật tự nhiên nuôi lớn cá tôm thiên nhiên và để lại trên mặt đất một lượng phù sa lớn màu mỡ. Lượng phù sa ấy ngày càng dày lên, giữ gìn hệ cây rừng trầm thủy tự nhiên thêm chắc chắn và phát triển không ngừng để làm chỗ trú ngụ cho các sinh vật tự nhiên sinh sôi nảy nở.
Một số hộ nông dân được lâm trường cấp cho một diện tích mặt nước và rừng khoảng 4 - 5 ha để nuôi tôm sinh thái. Người đăng ký nuôi tôm sinh thái phải chọn mua con giống thật tốt ở những đơn vị sản xuất tôm giống uy tín, có địa chỉ rõ ràng và được kiểm định nghiêm túc.
Tôm được thả nuôi trên diện tích mặt nước có độ che phủ của rừng tự nhiên đạt 50% diện tích, tỷ lệ nuôi là 20 con tôm/mét vuông mặt nước/năm. Tôm được nuôi tự kiếm ăn trong nước tự nhiên, người nuôi không được phép cho tôm ăn thêm bất cứ một loại thức ăn nào kể cả thức ăn công nghiệp. Nước thủy triều ra vào hằng ngày đủ sức mang thức ăn đến cho con tôm.
Tôm sinh thái là con tôm lớn lên trong thiên nhiên, sống với bản năng tự nhiên nên có nhiều đặc điểm giống y như tôm trong thiên nhiên. Đến những con nước triều cường, tôm lớn thường “chạy nước”, nghĩa là theo con nước mà đi.
Người nuôi tôm sinh thái mở van cống hay đặt miệng đáy đầu bộng thu hoạch tôm; thường là 6 tháng hay 9 tháng, bán cho các đơn vị chế biến tôm xuất khẩu. Một đầm tôm sinh thái phải có chứng chỉ Naturland của các tổ chức bảo vệ môi trường sinh thái quốc tế cấp.
Sản phẩm tôm sinh thái được bán qua những thị trường khó tính nhất như Mỹ, Nhật hay khối EU. Giá bán của tôm sinh thái thường gấp đôi hay gấp ba lần so với giá của tôm nuôi bằng thức ăn công nghiệp thông thường.
Thật ra, việc nuôi tôm sinh thái ở bán đảo Cà Mau ngày nay không khác gì mấy so với cách nuôi tôm dân dã truyền thống của bà con các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang trước đây. Trước khi hướng qua hoạt động nuôi tôm công nghiệp, cho ăn thức ăn công nghiệp thì bà con ta cũng đã từng nuôi tôm sinh thái rồi.
Chẳng qua là thời ấy bà con nuôi theo kinh nghiệm thông thường của người nông dân sống trên vùng rừng trầm thủy chứ không nuôi theo đúng các kỹ thuật và các nguyên tắc bó buộc của tôm sinh thái ngày nay mà thôi. Tuy nhiên, cách nuôi thuần túy kinh nghiệm ấy cũng đã đạt những kết quả tích cực về việc cải thiện đời sống cho bà con.
Đất rừng vùng trầm thủy Nam bộ mênh mông. Bà con thường chọn một vùng đất rừng thấp sát kênh rạch, nơi thủy triều lên là ngập. Bà con đào mương chính ngang 3 m, sâu 1 m (xuống 3 lưỡi len), lấy đất từ mương đắp thành bờ cao làm lối đi và làm con đê chống triều cường. Khi đã đào xong mương chính thành một vuông tôm (có thể không ra hình vuông hay hình chữ nhật), bà con xẻ mương lạn.
Mương lạn cạn, thường là xuống 2 lưỡi len, sâu chỉ khoảng 0,7 m. Mương lạn được xẻ chằng chịt như bàn cờ, triệt để tận dụng những rạch, ngọn có sẵn, giữ lại trên đất tất cả những cây đước, tràm, mắm, vẹt có sẵn. Làm xong hệ thống mương toàn vuông, bà con mới mở các van cống, lấy nước ra vào.
Con nước triều cường rằm tháng 5 hay tháng 6 âm lịch là con nước lý tưởng nhất để lấy vào vuông tôm. Bà con mở van cho nước ra vào tự nhiên, “khử chua khua mặn” cho vuông. Khi xong con nước triều cường tháng 6 (thông thường là ngày 17 tháng 6 âm lịch), bà con khóa tất cả các van lại. Trong nguồn nước thiên nhiên đổ vào vuông đã có sẵn các loài tôm, trứng tôm và cá. Nước thiên nhiên ấy là nước biển mặn, kết hợp với nước mưa thành ra một dạng nước lợ.
Tôm cứ vậy sống dựa vào hệ thống cây rừng, sinh sôi nảy nở trong mương lạn, tự kiếm ăn, không được cho ăn một loại thực phẩm nào cả. Đợi đến tháng con nước triều cường tháng 11 hay tháng 12 âm lịch, khi nước rút ra làm sông rạch cạn đi, bà con đặt lờ hay miệng đáy tại các van cống thu hoạch tôm.
Nước từ vuông tôm theo các van cống mở chảy ngược ra kênh rạch. Con tôm, con cá từ mương lạn cạn dần nước bèn chạy ra mương chính rồi cuối cùng thu vào miệng nò hay miệng đáy. Thu hoạch như thế này là “kính thưa các loại tôm”: từ con tôm xây tiều, tôm xà púi to cỡ ngón chân cái đến con tép trứng nhỏ nhất.
Thu hoạch như thế này cũng là “kính thưa các loại cá” từ cá chẽm, cá đối đến cá bống cát, bống sao… Bà con nuôi tôm rất không thích con cá chẽm bởi nó là loài cá dữ, ăn rất hao tôm. Kinh nghiệm cho biết con cá chẽm 1 ký ăn mất 12 ký tôm sống trong vuông.
Tôm sinh thái ngày nay chỉ khác “tôm sinh thái dân dã” của bà con nông dân ngày xưa ở chỗ phải chọn giống để thả nuôi và nuôi theo những quy ước bó buộc về diện tích tán rừng, diện tích mặt nước và chăm sóc vệ sinh cho vuông tôm, dọn lá, giữ gìn cho nguồn nước không ô nhiễm.
Do đã có kinh nghiệm nuôi tôm tự nhiên, bà con ven biển 4 tỉnh trên chuyển qua nuôi tôm sinh thái theo lối mới khá thuận lợi. Vì vậy, các địa phương đang tạo điều kiện cấp đất rừng, hướng dẫn, giúp đỡ cho bà con nuôi tôm sinh thái.
Nuôi tôm sinh thái được nhiều cái lợi. Về mặt kinh tế, tôm sinh thái cho sản lượng ít hơn tôm nuôi công nghiệp nhưng người nông dân không tốn tiền thức ăn, tiền thuốc, giá bán tôm lại cao nên thu nhập khá ổn định. Nuôi tôm sinh thái là hành động tích cực giữ rừng, trồng cây, giữ đất.
Những vuông tôm sinh thái với tỷ lệ tán rừng 50% góp phần giảm năng lượng của sóng biển, chống xói mòn từ sóng và dòng chảy của biển tác động vào nội địa. Nuôi tôm sinh thái giúp bà con nông dân có thêm những kiến thức khoa học hữu ích để nuôi trồng thủy sản.
Người nông dân ngày nay đã dùng máy tính, vào mạng cập nhật những kiến thức khoa học để tự so sánh cách nuôi tôm sinh thái của mình với các nước bạn như Indonesia, Bangladesh, Philippines. Việc này nâng thêm nhận thức của bà con về tính kỷ luật trong nghề nuôi tôm.
Thực tế không chỉ có bà con ở Viên An Đông, Cà Mau nuôi tôm sinh thái mà kinh nghiệm nuôi này đã được thực hiện ở nhiều tỉnh ven biển có vùng rừng trầm thủy. Vì vậy ngành nông nghiệp nên khuyến khích bà con nuôi tôm sinh thái đại trà, bớt nuôi tôm cho ăn thức ăn công nghiệp đi.
Vấn đề của bà con nông dân là tranh thủ trị giá gia tăng của hàng hóa chứ không phải và không chỉ là nâng sản lượng cho nhiều. Trên tất cả, cả nước đang chống xói mòn, chống nạn xâm thực mặn, cần trồng cây gây rừng để bảo vệ bờ biển.
Con tôm sinh thái hay ở chỗ nó không sợ hạn mặn, cũng không sợ “ngọt hóa” bất chợt như tôm nuôi công nghiệp dễ lăn ra chết. Nó chỉ cần một nguồn nước thủy triều tự nhiên, không nhiễm bẩn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.