'Nút thắt cổ chai' ám ảnh người dân trên QL1 dịp Lễ, Tết

Hoàng Phương
Hoàng Phương
30/04/2018 10:06 GMT+7

Mấy năm gần đây, với 70 km QL1 đi qua địa bàn, Tiền Giang trở thành nỗi ám ảnh đối với người dân vào những dịp lễ, tết vì tình trạng kẹt xe.

Tiền Giang được xem là cửa ngõ nối các tỉnh miền Tây với TP.HCM và đông Nam bộ. Nhưng mấy năm gần đây, với 70 km QL1 đi qua địa bàn, Tiền Giang trở thành nỗi ám ảnh đối với người dân vào những dịp lễ, tết vì tình trạng kẹt xe.
Những cây cầu... kẹt xe
Ai từng đi ngang qua Tiền Giang vào dịp lễ 30.4, 2.9 và đặc biệt là Tết Nguyên đán chắc đã nếm mùi… khổ vì nạn kẹt xe. Mấy năm trước là ngã tư Cai Lậy, cầu Trà Lọt, cầu Cổ Cò, cầu An Hữu (H.Cái Bè).
VIDEO: Đường về miền Tây 'nóng' vì kẹt xe trong dịp lễ
Sau khi các “điểm đen” này được xóa, gần đây người dân lại vất vả vì cầu Rượu tại Km 1972+090 thuộc địa phận H.Châu Thành. Cây cầu này bắc qua con kinh thoát lũ rộng chưa tới 10 m nhưng có lúc gây ùn tắc giao thông kéo dài hàng chục cây số, khiến ô tô và xe gắn máy rồng rắn chen nhau, dày đặc.
Như “hiệu ứng domino”, khi cầu Rượu bị kẹt thì lát sau nhiều cây cầu nhỏ trên QL1 như cầu Sao (H.Châu Thành), cầu Mỹ Quý, cầu Phú Nhuận (Cai Lậy) và cầu Bà Đắc, cầu Rạch Miễu, cầu Bà Lâm (Cái Bè)… cũng bị ùn ứ nghiêm trọng.
Theo đại tá Trần Hoài Bảo, Trưởng phòng CSGT đường bộ Công an tỉnh Tiền Giang, nguyên nhân là mặt đường QL1 hiện hữu có 4 làn xe, rộng 24 m, nhưng khi tới cầu Rượu thì tóp lại chỉ còn 2 làn xe, rộng 12 m nên bị thắt nút cổ chai. Lưu lượng xe ngày càng tăng, đặc biệt là xe gắn máy quá đông, trong khi cầu đường vẫn như cũ. QL1 hiện mỗi bên chỉ có 2 làn xe, nhưng ô tô thường chạy 3 làn. Khi lên cầu, xe gắn máy chen với ô tô. Vì vậy không chỉ ngày lễ, tết, mà hiện nay các buổi chiều đều bị ùn tắc.

Đoạn qua Tiền Giang không chỉ có cầu Rượu mà còn 7 cây cầu khác cũng hẹp như vậy. “Chúng tôi đề xuất đã 2 năm rồi. Bộ GTVT cũng đã cho khảo sát và đồng ý mở rộng. Sau đó Sở GTVT Tiền Giang làm việc với CSGT và thống nhất các cây cầu sẽ ưu tiên làm theo thứ tự: cầu Rượu, cầu Mỹ Quý, cầu Phú Nhuận, cầu Bà Đắc, cầu Mỹ Đức Tây, cầu Rạch Miễu, cầu Sao, cầu Bà Lâm. Nhưng mấy ổng hứa rồi không làm. Theo tôi, nếu làm một lúc kinh phí nhiều quá thì có thể bắc cầu sắt 2 bên dành riêng cho xe gắn máy, đâu có tốn nhiều tiền”, đại tá Bảo nói.
Nút thắt... KCN Tân Hương
Mỗi ngày 2 lần, sáng từ 6 giờ 30 - 7 giờ 30, chiều từ 16 giờ 30 - 18 giờ, hàng ngàn xe gắn máy của công nhân đổ về cổng KCN Tân Hương (H.Châu Thành) chen với xe khách, xe tải kéo dài nhiều cây số, gây ùn tắc giao thông nghiêm trọng trên QL1, nhưng hàng chục năm qua chính quyền địa phương vẫn chưa có biện pháp giải quyết.
Riêng lượng công nhân tại KCN Tân Hương hiện đã hơn 60.000 người, đa số đi làm bằng xe gắn máy. Vì vậy, vào giờ cao điểm, các loại ô tô đi qua khu vực này phải chen với rừng xe gắn máy và phải mất từ 20 - 30 phút, dù chỉ có một đoạn đường ngắn.
Trong khi đó, từ năm 2013, UBND tỉnh Tiền Giang đã yêu cầu Sở GTVT tỉnh này lập dự án xây dựng cầu vượt, sử dụng nguồn vốn địa phương và hoàn thành vào cuối năm đó. Nhưng đến nay cầu vượt vẫn chưa có, tình trạng kẹt xe thì ngày càng nghiêm trọng hơn.
Với mục tiêu giải tỏa áp lực cho QL1 vốn đã quá tải và xuống cấp, năm 2009, Chính phủ cho khởi công dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận có tổng chiều dài hơn 50 km, thuộc danh mục các công trình trọng điểm quốc gia và dự kiến tuyến đường này hoàn thành vào cuối quý 2/2013. Nhưng rồi dự án chỉ khởi công mà không thi công vì sau đó nhà đầu tư… xin rút.

Năm 2015 dự án được tái khởi công, sau khi điều chỉnh lại thiết kế, giảm mức đầu tư và dự kiến hoàn thành vào năm 2020. Đến năm 2017, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo phấn đấu hoàn thành vào cuối năm 2019.
Thế nhưng việc thi công hiện vẫn tiếp tục ì ạch. Cụ thể như cầu Cai Lậy bắc qua sông Ba Rài (TX.Cai Lậy) là một trong những gói thầu được thi công đầu tiên, nhưng đến nay chỉ mới hoàn thành 2 mố trụ trên bờ. Vì vậy, dự án rất khó hoàn thành vào cuối năm 2019.
Theo ông Trần Văn Bon, Giám đốc Sở GTVT Tiền Giang: “Công tác giải phóng mặt bằng đã đền bù gần 100% và bàn giao cho nhà thầu xong. Bây giờ còn đang chờ… vốn. Chính phủ chỉ đạo cuối năm 2019 phải làm xong nhưng đến giờ chưa làm gì hết thì làm sao kịp? ĐBSCL hiện chỉ có QL1 là con đường huyết mạch, độc đạo, được nâng cấp, mở rộng từ năm 2005 đến nay đã 13 năm. Nhiều đoạn đã hư hỏng nghiêm trọng. Lẽ ra đường cao tốc phải làm từ lâu”.
ĐBSCL là vựa lúa của cả nước, nơi làm ra nhiều nông sản xuất khẩu và còn được gọi là “thủ phủ” của tôm, cá, trái cây… Trong khi đó thì hạ tầng giao thông được đánh giá là rất yếu so với nhiều vùng khác trong cả nước, do mức đầu tư thấp và triển khai, thực hiện quá chậm, như tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.