Ông Hải 'đẹt' gác kiếm sửa xe, dùng kỷ luật sắt 'sửa' hàng ngàn người

14/11/2017 14:32 GMT+7

Từng là một tay anh chị trong giới giang hồ, cho đến khi quay đầu, Hải 'đẹt' không chỉ làm lại cuộc đời mình mà còn giúp hàng ngàn con người khác có một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Suốt 30 năm qua, ông Huỳnh Hữu Hải (59 tuổi) đã đào tạo miễn phí nghề sửa xe cho khoảng 3.000 thanh niên lang thang, lầm lỡ. Nhìn dáng vẻ nghiêm khắc của ông cùng sự kính nể từ các học trò, không ai nghĩ rằng đó từng là một người trượt dài trên những đường đua bạt mạng.
VIDEO: Gã giang hồ gác kiếm để sửa xe, "sửa" người
"Thiết quân luật" trong... tiệm, thành người tốt lúc nào không hay
Đến tiệm sửa xe Huỳnh Hữu Hải trên Quốc lộ 15 (phường Tân Tiến, TP. Biên Hòa, Đồng Nai), hẳn ai cũng sẽ tròn mắt ngạc nhiên khi thấy các nhân viên ở đây mỗi lần đi đâu hay muốn làm gì đều cúi đầu dạ thưa ông chủ của mình. Không chỉ vậy, khách đến sửa xe đều được nhân viên niềm nở chào hỏi, dắt xe vào, giải thích rõ ràng các lỗi hư hỏng và phục vụ tận tâm.
Hằng ngày, mỗi tiệm sửa xe uy tín của ông Hải có hàng trăm lượt khách đến sửa chữa, bảo trì xe máy Ảnh: Phan Định
“Với tôi, giỏi nghề mà không có đạo đức cũng xem như bỏ đi. Vậy nên bài học đầu tiên tôi dạy không phải sửa xe mà là tính kỉ luật và phép lễ nghĩa. Bất kể đi đâu, ngay cả từ đây sang đường ăn cơm cũng phải thưa gửi. Rồi đứa trước bảo đứa sau, có nề nếp ngay từ đầu thì mọi thứ sẽ dễ dàng hơn nhiều”, ông Hải khẳng định.
Tôi theo thầy Hải từ năm 18 tuổi, đến nay đã 20 năm. Ngày xưa tôi quậy phá có “số”, nhờ thầy mà bỏ được hết. Ai cũng vậy, ban đầu ở với thầy rất khó chịu, nhưng rồi thành người tốt lúc nào không hay. Giờ tôi ổn định nhà cửa, xe cộ, vợ con đều là nhờ thầy giúp cả.
Anh Lê Hồng Lĩnh (37 tuổi), một học viên đã lên đến cấp “chỉ huy trưởng” cho biết

Bất kì nhân viên nào ở đây, kể cả những học viên mới vào, ai cũng đều thuộc nằm lòng 8 điều ông Hải buộc thực hiện: “Làm siêng; không tham; chấp hành nội quy - quy định; đi thưa, về trình; lịch sự, lễ phép; không gây lộn, đánh nhau; cùng ăn, cùng ở, cùng làm; mình vì mọi người, mọi người vì mình”. Ngay cả cung cách làm việc cũng có nguyên tắc: “Mắt thấy, tai nghe, mũi ngửi, miệng nói, đưa thân ra cày”.
Giờ giấc ở các tiệm sửa xe của ông Hải đều được ông hoạch định cụ thể: “Đúng 6 giờ tất cả phải vệ sinh cá nhân xong xuôi để kịp bắt đầu công việc. Tổ nào việc ấy, giờ học ra giờ học, giờ nghỉ ra giờ nghỉ. Tốp nào chuyên thao tác gì tôi cũng dựa vào khả năng từng người phân rõ. Khi mà mọi thứ vào guồng rồi thì thấy hiệu quả ngay.”
Theo đó, ông Hải hình thức hóa việc quản lí hệt như kiểu nhà binh, có phân cấp bậc dựa theo năng lực và thời gian làm việc từng người. Ông sẽ là tổng chỉ huy, kế tiếp là các chỉ huy trưởng, chỉ huy phó, tổ trưởng, tổ phó trực tiếp thông qua ông để điều hành công việc.
“Nếu không phải giờ nghỉ cá nhân, tuyệt đối không được hút thuốc hay nghỉ tay quá lâu. Khi làm việc, từ tổ trưởng trở lên mới được sử dụng điện thoại vì có thể tôi sẽ gọi kiểm tra công việc bất cứ lúc nào. Nhà gọi cũng không, tôi đã dặn trước gia đình học viên về việc này. Học hay làm đều cần sự tập trung”, ông Hải thẳng thắn nói.
Tất cả học viên đều thưa gửi ông chủ mình trước khi muốn đi đâu Ảnh: Hoài Nhân
Học viên theo ông Hải học nghề không hoàn toàn tự nguyện, mà phần lớn trong số đó vốn là những trẻ em lang thang, cơ nhỡ hoặc thanh niên lầm lỡ được gia đình gửi đến nhờ ông “trị” giúp. Nhiều người vẫn còn quen nghiện ngập, hung hăng, có trường hợp luôn mang theo dao bấm trong người.
Anh Lê Hồng Lĩnh (37 tuổi), một học viên đã lên đến cấp “chỉ huy trưởng” cho biết: “Tôi theo thầy Hải từ năm 18 tuổi, đến nay đã 20 năm. Ngày xưa tôi quậy phá có “số”, nhờ thầy mà bỏ được hết. Ai cũng vậy, ban đầu ở với thầy rất khó chịu, nhưng rồi thành người tốt lúc nào không hay. Giờ tôi ổn định nhà cửa, xe cộ, vợ con đều là nhờ thầy giúp cả”.
“Nội quy thực ra cũng chỉ để vào khuôn, nhưng thay đổi một con người nhất định phải bằng tình cảm. Mỗi hoàn cảnh, tính cách, tôi lại phải quan sát, khơi chuyện để chọn một cách uốn nắn riêng”, ông Hải chia sẻ về những bí quyết “rèn” người của mình.
Khách đến sửa xe đều được chào hỏi niềm nở và phục vụ tận tâm Ảnh: Phan Định

tin liên quan

Người cảm hóa những đại ca giang hồ
Lòng tốt của ông Sáu Thượng đã thật sự đánh thức lương tri những con người từng xem thường lẽ phải và đánh mất đi niềm tin yêu cuộc sống.
Ông chủ tiệm "giang hồ gác kiếm”
Học trò “qua tay” ông Hải không chỉ có được cái nghề đàng hoàng mà hơn thế còn nên người. Lí do ông “cảm hóa” được cả những học viên bất trị, thực chất không phải vì nội quy mà vì ông “rèn” người bằng chính cái tâm của mình. Bởi bản thân ông cũng đã từng một thời "lêu lổng".
Trước năm 1975, hỏi đến Hải “đẹt” Đồng Nai, ai cũng lắc đầu kể về một gã trai nhỏ thó với những cuộc đua xe liều mạng khắp nơi. Sau này, Hải “đẹt” lên đường nhập ngũ, đến năm 1981 thì ra quân. Đi học lóm nghề sửa xe, mở được một tiệm nhỏ nhờ của hồi môn khi lấy vợ, nhưng “ngựa quen đường cũ”, Hải “đẹt” lại lần nữa chìm trong những cuộc "đua tốc độ", rồi buôn lậu...
Thế rồi sau nhiều lần bị bắt, nhập viện vì thương tích cũng như chứng kiến những cái chết của “đồng nghiệp”, Hải “đẹt” bắt đầu dằn vặt về các cuộc chơi bời vô bổ, chết chóc.
Cho đến năm 1989, "ẵm" giải Nhì trong một giải đua xe thể thao chuyên nghiệp tại TP. HCM, được một số vốn cộng thêm tiền mượn từ người thân và bạn bè, Hải “đẹt” quyết tâm làm lại cuộc đời bằng nghề sửa xe.
Khoảng 10 năm miệt mài sau khi “gác kiếm”, những gì Hải "đẹt" có được là hàng loạt tiệm sửa chữa xe máy uy tín ở TP. Biên Hòa, cùng việc đào tạo ra hàng nghìn thợ giỏi. Cao điểm vào năm 2003, ở tại tiệm ông duy trì đến 70 học viên theo học mỗi ngày.
Cho đến hiện tại, ông Hải đã đã giúp hàng nghìn học viên từ Bắc chí Nam ổn định cuộc đời. Nhiều trong số đó, chính tay ông còn đứng ra dựng vợ gả chồng, cấp vốn để gầy dựng sự nghiệp.
“Có em thiếu tình thương cha mẹ, có em nhà không điều kiện, lại có em thừa điều kiện nhưng đua đòi quậy phá. Những sai lầm các em trải qua tôi đều đã từng, nên không khó để nắm bắt tâm lí từng đứa. Trên hết là để chúng nhận được tình thương, sự thông cảm trong “ngôi nhà chung” này”, ông Hải bộc bạch về công việc mình làm.
Bảng nội quy – quy định học viên phải tuyệt đối tuân thủ Ảnh: Phan Định
Nói rồi, ông lật đật mang khoe những món quà của học trò thành đạt ở khắp nơi gửi tặng, kèm theo đó là những dòng chữ với cách gọi đầy biết ơn: thầy Hải, sư phụ Hải,… Nghe ông trải lòng về quá khứ và say sưa kể về những kỉ niệm, niềm vui với từng lớp học trò, chắc chắn ai cũng nhận ra tâm huyết một người thầy, một người thợ sửa xe nhưng “sửa” cả những con người.
Ông Hải khiến người ta tin rằng sự hướng thiện sẽ luôn mang đến những điều tốt đẹp cho cuộc sống này.
Ông Hải quản lí tiệm sửa xe hệt như kiểu nhà binh với nội quy, cấp bậc rõ ràng Ảnh: Hoài Nhân
Trong quá khứ, ông từng là một gã giang hồ “khét tiếng” trượt dài trên những đường đua bạt mạng Ảnh: Hoài Nhân
Ông Hải đã giúp hàng nghìn học viên ổn định cuộc đời Ảnh: Phan Định


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.