Theo truyền thống, lễ cúng tiễn đưa ông Táo chầu trời thường diễn ra vào buổi sáng 23 tháng Chạp âm lịch. Sau khi thắp hương, tạ lễ, hoá vàng mã, người dân Hà Nội lại mang cá chép ra các khu vực sông, hồ để thả cá, tiễn Táo quân về trời.
Khu vực cầu Chương Dương (Hà Nội) là một trong những địa điểm thu hút đông đảo người dân thả cá vào mỗi dịp này. Trong lúc phóng sinh cá, nhiều người tiện tay thả luôn cả túi ni lông, bao bì đựng cá, tro vàng mã xuống sông, gây ô nhiễm môi trường.
|
Quan sát thực trạng đó, anh James Joseph Kendall (quốc tịch Mỹ), nổi tiếng với biệt danh “ông Tây nhặt rác”, đã cùng nhóm bạn của mình thực hiện chương trình "Đừng để Táo quân mang rác lên chầu", nhằm hướng dẫn người dân thả cá đúng cách, không vứt túi ni lông xuống nước.
Khi được hỏi về lý do thực hiện chương trình, anh James chia sẻ: “Tôi đã sinh sống ở Hà Nội được 5 năm và luôn coi nơi này như ngôi nhà của mình. Tôi hy vọng hành động nhỏ của mình sẽ góp phần làm cho Hà Nội ngày trở nên xanh, sạch hơn”
Anh James Joseph Kendall cũng cho biết thêm, đây là lần thứ hai anh cùng các tình nguyện viên của chương trình tổ chức nhặt rác trong ngày ông Công ông Táo. Năm nay, chương trình "Đừng để Táo quân mang rác lên chầu" được tổ chức từ 26 - 28.1 tại khu vực trên và dưới cầu Chương Dương, thu hút hơn 100 bạn trẻ trên địa bàn Hà Nội và người nước ngoài tham gia nhặt rác.
Theo ghi nhận của chúng tôi trong ngày 28.1, ngay từ sáng sớm, nhóm tình nguyện viên gồm cả những bạn trẻ người Việt và người nước ngoài đã tập trung tại cầu Chương Dương. Các tình nguyện viên vừa đứng nhặt rác trên cầu, tay cầm băng rôn, khẩu hiệu ''thả cá đừng thả túi ni lông'' để nhắc nhở người dân.
|
“Mình đã tham gia nhặt rác bảo vệ môi trường được 2 năm và cảm thấy đây là chương rất có ý nghĩa. Các bạn người nước ngoài từ nơi xa đến mà còn hành động vì môi trường Việt Nam thì tại sao mình sống ở đây lại không làm”, bạn Nguyễn Thị Ngọc Ánh (khu đô thị Eco Park, Hà Nội), một tình nguyện viên của chương trình, chia sẻ.
Lượng rác khổng lồ nặng hơn 100 kg gồm túi ni lông, chai nhựa, bát hương, bàn thờ,.. là "thành quả" của anh James Joseph Kendall cùng nhóm tình nguyện sau 3 ngày nhặt rác tại khu vực cầu Chương Dương. Lượng rác thải này sẽ được nhóm tập hợp lại một nơi và chuyển đến bãi rác để đảm bảo vệ sinh môi trường.
Phần lớn người dân sau khi chứng kiến hành động của anh James giờ đây đều sẵn sàng vứt rác đúng nơi quy định và hỗ trợ anh cùng nhóm tình nguyện viên. Có những người còn chủ động xuống tìm và thu gom rác cùng anh.
|
Ông Ngô Quang Hùng, người dân sinh sống tại phường Ngọc Thuỵ (quận Long Biên, Hà Nội) cho hay: “Những năm trước, bát hương, túi ni lông, đồ cúng lễ bị người dân vứt thẳng xuống sông Hồng, mắc đầy thành cầu gây ô nhiễm nguồn nước và không khí. Năm nay, nhờ có những hành động đẹp của các bạn trẻ mà cảnh quan khu vực ven sông đã trở nên sạch đẹp hơn. Ý thức của người dân cũng được nâng lên nhiều.”
Sẽ mở rộng quy mô nhặt rácJames Joseph Kendall, 36 tuổi, hiện đang là giáo viên dạy tiếng Anh tại Hà Nội. Nổi tiếng qua bức ảnh “nhặt rác tại cống thối Yên Hòa, Cầu Giấy”, anh được cộng đồng mạng đặt cho biệt danh “Ông Tây nhặt rác”. Say mê với những hoạt động bảo vệ môi trường, anh James Joseph Kendall sáng lập cộng đồng tình nguyện Giữ sạch Hà Nội (Keep Hanoi Clean) và tổ chức nhiều hoạt động nhặt rác, trồng cây bảo vệ môi trường tại Hà Nội từ năm 2016 đến nay. Chia sẻ về những dự định trong tương lai, anh James cho biết sẽ mở rộng quy mô nhặt rác và hướng tới thay đổi nhận thức của người dân thông qua những buổi tọa đàm bảo vệ môi trường trong tương lai. |
Bình luận (0)