Phát hiện giếng nước ngọt, mời bà con lấy nước miễn phí giữa hạn mặn khốc liệt

Bắc Bình
Bắc Bình
05/03/2020 19:02 GMT+7

Trong lúc thiếu nước ngọt kinh hoàng giữa mùa hạn mặn, vợ chồng ông Phù Tường Nguyên Dũng ở TP.Bến Tre (Bến Tre) bỗng nhớ ra giếng khoan cũ 10 năm trước trong nhà có nước ngọt nên mời bà con lại xách về xài miễn phí.

Theo ghi nhận của PV Báo Thanh Niên, 3 ngày qua, từ rạng sáng đến chiều tối, luôn có hàng chục người dân đứng chờ trước vòi ngọt nước miễn phí trước nhà ông Phù Tường Nguyên Dũng (50 tuổi, ở đường Nguyễn Huệ, P.Phú Khương, TP. Bến Tre).

Hàng trăm người kéo đến lấy nước từ giếng khoan rửa xe bỏ lâu

Bà Đỗ Thị Sáu Nhỏ (ngụ P.6, TP.Bến Tre) chia sẻ: “Lúc này có tiền cũng không mua được nước ngọt đâu. Bởi, nước từ hệ thống của Công ty CP cấp thoát nước Bến Tre đã mặn trên 5‰, tắm giặt còn không được nữa, trong khi nước lọc đóng bình loại 10 lít giá 15.000 đồng ở các tiệm tạp hóa cũng liên tục hết hàng. Cả tháng qua, gia đình tôi phải đến cơ sở nước đá ở P.7, TP.Bến Tre để xin chia lại loại nước đã xử lý chất tẩy clorua trước khi cho vào sản xuất nước đá cây, mỗi ngày đều phải chầu chực mấy tiếng đồng hồ mới có được can nước 10 lít giá 10.000 đồng. Ấy vậy mà mấy ngày qua dân kéo đến đông quá đã không còn xin được chủ hãng nước đá chia nước lại nữa rồi".
"Nghe người ta đồn nhà ông Dũng bên P.Phú Khương này cho nước ngọt, tôi đã đi qua đây xin, nước trong vắt, ngọt nhưng có mùi phèn, trước khi xài khử phèn chua cái là uống sống cũng được", bà Sáu Nhỏ vui vẻ nói.
Giếng khoan sau nhà ông Dũng có độ sâu khoảng 20 m, mỗi ngày bơm lên được khoảng 50 m3 nước nhưng vì đường ống nhỏ nên ông đã phải mua thêm thùng phuy 1.000 lít, tranh thủ ban đêm bơm vào để giảm thiểu thời gian chờ cho bà con
Người dân xếp hàng trật tự chờ đến lượt lấy nước về dùng
Niềm vui của đôi vợ chồng vừa lấy được can nước ngọt 20 lít
Cũng xếp hàng chờ đến lượt mình lấy nước, ông Lý Văn Bân (ngụ P. Phú Khương) nói như khóc: “3 ngày nay, sáng nào tôi cũng đứng chờ trước nhà ông Dũng để lấy được can nước ngọt 20 lít mới về đi bán vé số. Mất bao lâu cũng phải chờ để lấy nước về cho vợ con tôi rửa mặt, vệ sinh… mới ra đường được. Không có nước ngọt sử dụng khiến cho cả nhà tôi điêu đứng lắm! Bởi, nhà nghèo, khi nước phông-tên không còn xài được nữa đã khiến sinh hoạt nhà tôi trở nên rất ngặc nghèo".
Chiều 5.3, trao đổi với PV Báo Thanh Niên, ông Nguyên Dũng cho biết cách nay 3 ngày, chính bản thân và gia đình ông cũng chung sinh hoạt nước mặn như bao nhiêu gia đình khác trong TP.Bến Tre.
Theo ông Dũng, trong lúc tình cờ ra vườn kiểng sau nhà thì chợt nhớ trong vườn có một giếng khoan mà gia đình ông đã dùng để làm dịch vụ rửa xe cách đây hơn 10 năm. Thế là ông mua máy về bơm lên thử và lấy được nước trong, ngọt nên dùng thay thế nguồn nước máy.
“Có gì bức rức, khó ở như buộc phải sinh hoạt bằng nước mặn chứ? Nên vừa nhớ ra cây nước, bơm lên thấy ngọt là tôi lật đật thông báo cho bà con đến để chia sẻ với họ liền”, ông Dũng chia sẻ.
Được biết, ông Phù Tường Nguyên Dũng là một người khởi nghiệp khá nổi tiếng nhờ áp dụng khoa học công nghệ cao trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp tại tỉnh Bến Tre.
Theo Sở NN&PTNT Bến Tre, hiện nước mặn với nồng độ gần 2‰  đã bao trùm tỉnh Bến Tre. Tất cả các nhà máy nước trên địa bàn đều đã bị nhiễm mặn với nồng độ hơn 5‰ , hầu hết người dân đều đang gặp khó khăn do thiếu nước ngọt để uống, sinh hoạt và phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Bến Tre không có mỏ nước ngầm mà chỉ có một vài vị trí có mạch nước tầng nông (nước mưa đọng lại) cách mặt đất từ 8 - 20m.
Ông Lâm Văn Tân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Bến Tre, khuyến cáo trước khi quyết định sử dụng, đặc biệt là uống, người dân cần mang mẫu nước ngầm đến Sở để được kiểm tra thành phần hóa, lý có trong nước để tránh những hậu quả không đáng có.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.