Phật thủ giống bàn tay Phật, ruột xốp đặc, có màu xanh hoặc màu vàng. Với ý nghĩa nhiều may mắn, tài lộc đến cả năm, quả phật thủ được nhiều người lựa chọn.
Gia đình chị Vũ Thị Nga là một trong số rất nhiều hộ trồng cây phật thủ tại xã Đắc Sở. Những ngày cận Tết, chị luôn tất bật thu hoạch, gói hàng để giao cho thương lái và bán lẻ cho khách. 6 năm trước, chị quyết định thuê hơn 7.200 m2 để trồng cây phật thủ với mong muốn có thêm nguồn thu nhập cho gia đình.
Chị Nga cho biết, từ rằm tháng Chạp trở đi lượng khách hỏi và đặt mua phật thủ tăng lên rất nhiều. Nếu như ngày thường chị bán từ 200 – 300 quả thì thời điểm cận Tết chị phải thu hoạch gấp 5 – 6 lần mới có đủ hàng bán cho khách.
|
“Cây phật thủ luôn ra quả để có bán quanh năm nhưng vào dịp Tết, tôi phải thu hoạch nhiều hơn so với ngày thường. Loại cây này phụ thuộc nhiều vào quy trình chăm sóc và thời tiết. Năm nay quả ra muộn hơn nên giá có sự chênh lệch, cao hơn so với các năm trước”, chị Nga cho hay.
Quả phật thủ có thể để được từ 2 – 3 tháng, nếu có thêm một ít nước khi đặt lên bàn thờ sẽ trưng được từ 5 – 6 tháng. Năm nay, phật thủ có giá từ 15.000 – 500.000 đồng tùy vào kích thước và hình dáng của mỗi quả.
|
Là một trong những nơi trồng phật thủ nhiều nhất tại Hà Nội, các hộ gia đình ở xã Đắc Sở luôn cố gắng chăm sóc, thu hoạch số lượng quả nhiều nhất để cung cấp cho thị trường dịp Tết Nguyên đán. Không chỉ tiêu thụ ở các tỉnh miền Bắc, phật thủ tại đây cũng được đóng gói, vận chuyển đến các tỉnh thành như TP.HCM, Huế, Đà Nẵng…
Bên cạnh vườn phật thủ của chị Nga, gia đình chị Nguyễn Thị Thắng cũng đang bận rộn thu hoạch. Thời điểm cận Tết, lượng khách đặt mua đông nên chị phải dậy làm từ sớm.
Chị Thắng cho biết: “Ngày thường, gia đình tôi chỉ cần 2 người thu hoạch, dịp Tết khách hỏi mua đông hơn nên phải cần đến 5 nhân công, tất bật từ sáng đến tối. Để phật thủ đậu được nhiều quả, tháng 5 khi cây ra hoa chúng tôi phải chăm sóc, tỉa cành kỹ lưỡng. Loại cây này phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên nên thời tiết đẹp, quả sẽ đẹp, nắng nhiều quả sẽ nhanh vàng”.
Theo các hộ dân trồng phật thủ tại xã Đắc Sở, cây phật thủ chỉ phát triển mạnh và cho nhiều trái trên một vùng đất khoảng 5 năm. Do đó, sau 5 năm người dân phải cải tạo hoặc thuê vùng đất khác để trồng. Cây phật thủ cho trái nhiều nhất ở hai vụ chính vào tháng 7 và dịp Tết Nguyên đán.
Những năm gần đây, cây phật thủ là nguồn thu nhập chính cho các hộ gia đình ở xã Đắc Sở. Với biểu tượng nhiều may mắn, tài lộc, quả phật thủ luôn được người dân lựa chọn dâng lên bàn thờ tổ tiên mỗi dịp Tết, xuân về.
Bình luận (0)