Quán bún chả Hà Nội giữa Sài thành giúp người lầm lỡ làm lại cuộc đời
10/09/2018 12:19 GMT+7
Trong số quán bún chả Hà Nội lâu năm ở Sài Gòn, phải kể đến quán Xuân Tứ. Không chỉ gây ấn tượng bởi sự tỉ mỉ, công phu trong chế biến món ăn, Xuân Tứ còn là nơi nương náu cho những thân phận khốn cùng.
Tự động phát
Bún chả là đặc sản hấp dẫn của văn hóa ẩm thực đất kinh kỳ, một thứ quà mộc mạc nhưng có sức sống lâu bền nhất của Hà Nội khi có mặt khắp nẻo phố, ngõ ngách, xóm chợ. Giống như phở, bún chả cũng nằm trong làn sóng ẩm thực miền Bắc “du nhập” Sài Gòn. Và dù ở đâu, món ăn cũng đều giữ hình thức, hương vị Hà Nội, chiếm được nhiều cảm tình của người nơi đó.
[VIDEO] Bún chả Hà Nội 30 năm giữa TP.HCM
Thực hiện: Hoài Nhân
|
Bún chả Hà Nội 30 năm giữa Sài Gòn
Trong số những địa chỉ ẩm thực lâu đời ở TP.HCM, quán Xuân Tứ (Hoàng Văn Thụ, Q.Tân Bình) là nơi bán bún chả Hà Nội được truyền tai nhau nhiều nhất. Đây là hàng ăn truyền thống của gia đình Xuân Tứ, một nghệ sĩ tâm huyết với hơn 40 năm hoạt động nghệ thuật, từng là Trưởng đoàn ca múa công nhân Thủ đô. Mở ra năm 1985 ở Hà Nội, sau 3 năm thì dời hẳn vào TP.HCM và yên vị cho đến ngày nay.
“Bún chả là cái nghề truyền thống của nhà Xuân Tứ, ban đầu nằm ở số 2 Phạm Văn Hai, cách đây 5 năm thì dời về Hoàng Văn Thụ, Q.Tân Bình. Khoảng trước năm 2000, khi tôi về làm vợ ông ấy, sẵn sự yêu thích món ăn kỉ niệm này ở Hà Nội nơi tôi sinh ra, tôi mới bắt tay vào cải tạo vài thứ, gây dựng thương hiệu riêng, cũng là một cách để phổ biến món ăn đất Bắc cho những người trong Nam thưởng thức”, bà Phạm Diệu Thúy, vợ nghệ sĩ Xuân Tứ và là chủ quán hiện tại, cho biết.
Theo nhiều người ăn, bún chả Xuân Tứ giữ đến 95% hương vị Hà Nội, chỉ có một phần nhỏ biến tấu cho hợp khẩu vị của người miền Nam. Như thực khách Trần Trung Quân (60 tuổi, ngụ Q.Tân Bình) nhận xét: “Tôi biết quán ăn này từ hồi còn nằm bên Phạm Văn Hai, tính ra ăn ở đây cũng mười mấy năm rồi. Tôi gốc Hà Nội di cư vào đây, vậy nên hay nhớ mấy món ăn vặt ngoài kia, may là có quán này. Từ chả cho đến nước mắm loãng, tất cả đều đúng vị Hà thành”.
Chủ quán cho biết, bún chả Xuân Tứ có những quy định nghiêm ngặt để đảm bảo tô bún được chất lượng tốt nhất. Theo đó, từ sáng sớm, khi các lò heo vừa mổ, quán đã nhập ngay thịt tươi về ướp. Thịt phải là thịt nạc vai hoặc nách, bỏ hết da, ít mỡ, để khi nướng lên thịt không bị khô cứng và khi ăn dễ tiêu hóa.
“Do chỉ lấy những phần thịt đó, nhưng cần đến 100 đến hơn 200 kg mỗi ngày, nên quán phải lấy từ 2 nhà cung cấp thịt uy tín mới đủ. Bánh tráng và bún, để theo tiêu chuẩn riêng và đảm bảo chất lượng, tôi bao luôn lò chỉ làm cho Xuân Tứ thôi. Rau, tiêu được lấy từ nhà vườn quen, giấm lấy từ Hà Nội. Rau về được sục ozone sạch sẽ. Ngay cả nấu nước mắm cũng phải dùng nước tinh khiết”, bà Thúy nói về sự khắt khe khi chế biến.
Bún chả Hà Nội thường ăn kèm chả miếng và chả viên, hoặc tùy nhu cầu thực khách. Tại Xuân Tứ, sau khi sơ chế từ sáng sớm, thịt sẽ được trộn ướp gia vị theo công thức gia truyền rồi cho vào máy băm, cắt. Thịt được nướng trên lửa than, cả chả viên lẫn chả miếng bề ngoài đều phải vàng ươm, bên trong phải chín mềm và ít mỡ. Tại Xuân Tứ còn có thêm chả giò nhân toàn thịt, với vỏ bánh bên ngoài giòn rụm, được làm khéo léo cả khi cuốn lẫn khi chiên để lớp bánh không bị bể.
Nơi nương náu của những người khốn khó, lầm lỡ
Ngoài thương hiệu bún chả Hà Nội trứ danh của gia đình người nghệ sĩ mê nghề hay giao lưu âm nhạc cùng thực khách, còn có những câu chuyện của bà chủ quán mà không phải ai cũng biết.
Bà Diệu Thúy năm xưa, sau khi tốt nghiệp đại học, đã từng là một giảng viên với nhiều năm trong nghề. “Chắc vì đó mà cách quản lý quán ăn của tôi rất mô phạm. Những ngày trẻ của tôi không chỉ gắn với giảng đường, mà còn sống cùng niềm đam mê nghệ thuật với công việc làm thơ, viết kịch bản, biên tập phim, ca hát… trước khi trở thành người kinh doanh như bây giờ. Tất cả cũng là do cái duyên”, bà Thúy cười.
Một điều đặc biệt nữa ở quán bún chả Xuân Tứ này, đó là đa số nhân viên đều từng có một quá khứ lầm lỡ hay khốn khó. Có người không biết chữ, có người hoàn cảnh gia đình khó khăn, có người đi trốn nợ và thậm chí từng nghiện chất cấm. Tất cả được nhận vào quán làm và bắt đầu lại cuộc đời.
“Tôi không thuê người có tay nghề, không chọn người trí thức, vì vẫn hay mủi lòng trước những hoàn cảnh như vậy đây. Đứa này tỉ tê hoàn cảnh đứa kia, tôi nhận vào hết, nuôi cho ăn ở, nhưng áp dụng những cách răn đe nghiêm ngặt”, bà kể.
Bà lo nơi ăn chốn ở cho từng người, vậy nên số tiền lương nhận được, bà tìm cách khuyên nhủ họ gửi về nuôi gia đình. Không chỉ vậy, với những nhân viên lâu năm, bà còn hỗ trợ cho cả việc lập gia đình, sinh đẻ,… Đã từng có cặp đôi nhân viên trong quán làm đám cưới với nhau. Quán bún bỗng trở thành nơi để những thân phận khốn cùng nương náu bước vào đời.
Còn gì thú vị hơn khi bước vào một quán ăn ngon có nhiều câu chuyện như thế ngay giữa Sài Gòn tấp nập!
Bình luận (0)