Rau càng cua 'bỏ làng ra phố’

13/09/2020 13:32 GMT+7

Là loài rau dại mọc khắp nơi khi bắt đầu mùa mưa ở miền Tây, nhưng vài năm trở lại, rau càng cua được người dân dùng làm thức ăn như một loại nguyên liệu quý bởi công dụng của loài rau này hết sức bổ dưỡng.

Rau dại hái ra tiền

Ở miền Tây rau càng cua còn được gọi là rau tiêu. Loài rau này mọc lên rất nhiều sau những trận mưa nặng hạt. Người dân rất dễ tìm ở những nơi như bờ ao, đồng ruộng, nơi trồng cây trái, hàng bông hay những chỗ ẩm ướt quanh nhà.
Người dân hái rau càng cua quanh vườn để dùng trong bữa cơm hàng ngày

Người dân hái rau càng cua quanh vườn để dùng trong bữa cơm hằng ngày

Ngày trước rau càng cua chỉ được sử dụng như một nguyên liệu rau xanh làm tăng gia trong các bữa ăn nơi vùng quê miền Tây. Nhưng nhu cầu ‘’ăn sạch sống khỏe’’ của người dân ngày càng tăng cao. Nên vài năm trở lại đây loài rau này đã ‘’bỏ làng ra phố‘’ để đến với nhiều chợ địa phương ở các tỉnh thành.
Nhờ đó mà người dân ở nhiều vùng nông thôn có thêm thu nhập từ việc bán rau càng cua cho các tiểu thương và người dân sống ở các thành thị.

Nhiều gia đình hái rau bán dọc quanh các tuyến đường ở xã Phú Hưng, TP. Bến Tre

Món mắm kho ăn kèm với rau càng cua bóp giấm rất hòa quyện, đậm đà

‘’Giá hiện giờ là 20.000 đồng/kg rau càng cua được tôi cung cấp cho các quán ăn nhà hàng trong nội ô TP. Bến Tre’’, chủ sạp hàng 5 Loan, chợ Bến Tre, cho biết.
Khi tới mùa, dọc theo các con đường ngoại ô thành phố Bến Tre rất dễ bắt gặp cảnh người dân bán rau càng cua trên những chiếc bàn nhỏ được dựng dã chiến. So với giá bán ở các chợ thì những người dân tự hái rau trong vườn bày bán trước cửa nhà có giá rẻ hơn phân nửa.
Chị Út, tiểu thương ở Giồng Trôm, chia sẻ: ‘’Nhà tôi có một miếng ruộng nhỏ. Tới mùa rau càng cua tôi hay hái để bán kèm với các loại rau khác cho người dân trong vùng. Bỏ ra vài tiếng đồng hồ vừa dọn cỏ, vừa hái rau này cũng kiếm được vài chục ngàn’’.
‘’Chồng tôi vốn thích trồng hoa kiểng nên khoảng sân trước nhà lúc nào cũng ẩm ướt rất dễ để rau càng cua mọc. Nhiều bữa muốn có rau xanh ăn kèm thịt heo kho tàu chỉ cần ra mấy chậu kiểng hái vào, rửa sạch và bóp giấm chua ngọt’’, chị Thùy Linh (xã Hưng Nhượng, H.Giồng Trôm, Bến Tre) cho biết.

Giá trị 'vàng' từ loài rau càng cua

Rau càng cua có vị hơi nhẫn nhưng có mùi thơm rất đặc trưng. Lá có hình trái tim và mọng nước. Khi hái mang về chỉ cần nhặt bỏ những bông li ti trên phần ngọn. Sau đó mang đi rửa sạch với nước muối là có thể sử dụng như một món ăn kèm đầy đủ dưỡng chất.

Tiểu thương chợ Mỹ Lồng, H.Giồng Trôm bán rau càng cua cùng với nhiều loại hàng khác

Rau càng cua bóp giấm chua ngọt là món dễ làm mà đầy đủ dưỡng chất

Ngoài ra, theo bác sĩ Phạm Văn Hạnh (Chủ tịch Hội Đông y tỉnh Bến Tre), rau càng cua rất tốt cho sức khỏe khi dùng lúc còn tươi. Dưỡng chất trong rau có thể kể sơ như thanh nhiệt giải độc, bổ huyết và lợi tiểu’.
Một số bài viết còn cho biết rau càng cua cũng chữa trị chứng nhiệt miệng, táo bón, đau nhức cơ khớp. Nhất là bài thuốc dân gian ở một số nơi còn truyền miệng khi dùng lá rau càng cua giã nát rồi lấy nước để uống trị bệnh viêm họng.
Nhiều gia đình xem rau càng cua như một món khoái khẩu trong các bữa ăn hằng ngày. Rau mang về chỉ cần bóp chanh kèm ít gia vị là có thể ăn chung với mắm kho. Loài rau dễ tìm nhưng hòa quyện đậm đà cùng với các món ăn của người nhà quê. Còn nếu ai muốn ăn cầu kỳ thì có thể dùng rau càng cua trộn gỏi với thịt vịt để chấm cùng nước mắm gừng.
Riêng món rau càng cua xào thịt bò là một món ăn dành để mời bạn phương xa hay có đám tiệc ở quê. Để làm ra món này chỉ cần xào thịt bò cho vừa tái, nêm nếm gia vị đầy đủ. Đơm đĩa rau xum xuê rồi cho hỗn hợp thịt bò vừa xào lên trên mặt. Nhanh tay rắc ít đậu phộng và ăn kèm với nước mắm chua ngọt.
Nói chung rau càng cua ngoài việc giúp cho người nhà nông có thêm thu nhập còn mang lại khá nhiều giá trị dinh dưỡng khi ăn. Nhất là khi loại rau được sinh trưởng một cách hết sức tự nhiên. Nó rất phù hợp cho nhu cầu tìm nguồn nguyên liệu sạch của đại đa số người dân hiện nay.

Iem Gõh - Khi các mẹ Chu Ru dán tên mình lên bó rau hữu cơ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.